Quỹ bảo lãnh tín dụng: Gỡ “nút thắt” về vốn cho doanh nghiệp?

(Baohatinh.vn) - Một nghịch lý đã tồn tại nhiều năm trong cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng là ngân hàng (NH) thừa vốn nhưng không cho vay được, còn doanh nghiệp (DN) thiếu vốn lại không được vay. Phần lớn DN nhỏ và vừa (DNNVV) đang trong cơn khát vốn nhưng không đủ năng lực, điều kiện để tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Quỹ Bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho DNNVV được UBND tỉnh ra quyết định thành lập vào tháng 2/2015 đang trong quá trình hoàn thiện bộ máy, chuẩn bị các điều kiện để chính thức đi vào hoạt động.

Cơ hội mới

Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà khá nhanh, nhiều dự án lớn được triển khai đã tạo môi trường thuận lợi để các DN trên địa bàn phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như chất lượng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 4.000 DN, năm 2014, lực lượng này đóng góp cho ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng, chiếm hơn 89% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động. Tuy vậy, phần lớn DN tỉnh nhà còn khiêm tốn về tiềm lực và quy mô hoạt động, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn do không có tài sản thế chấp.

Quỹ bảo lãnh tín dụng: Gỡ “nút thắt” về vốn cho doanh nghiệp? ảnh 1

Cán bộ tín dụng Vietcombank Hà Tĩnh kiểm tra việc sử dụng vốn tại doanh nghiệp

Thực tế, không ít DN đang hoạt động hiệu quả, có dự án khả thi cần vay vốn NH để đầu tư mở rộng SXKD nhưng không đủ điều kiện tín chấp và tài sản thế chấp nên đành hoạt động cầm chừng, mất cơ hội phát triển; khá nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản. Tại nhiều diễn đàn đối thoại giữa chính quyền và DN, nhiều ý kiến đã đề xuất về sự ra đời của một tổ chức bảo lãnh tín dụng cho DN tiếp cận vốn NH.

Sau nhiều năm “thai nghén” ý tưởng, đến cuối tháng 1/2015, đề án thành lập Quỹ BLTD cho DNNVV đã được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh triển khai các bước thành lập. Với việc tỉnh cấp ngân sách 30 tỷ đồng và các DN tham gia góp vốn với số tiền bước đầu là 3,5 tỷ đồng, Quỹ BLTD cho DNNVV đã tháo được điểm vướng lớn nhất về huy động vốn điều lệ để chính thức bước vào hoạt động.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu - Giám đốc Quỹ Đầu tư & Phát triển - đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ nhận ủy thác quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ BLTD cho biết: Với kinh nghiệm, năng lực của một đơn vị đã thực hiện tốt vai trò ủy thác quản lý các quỹ tài chính của tỉnh, chúng tôi sẽ nỗ lực, chủ động nghiên cứu, áp dụng các quy định, vận hành các chính sách một cách linh hoạt nhằm hỗ trợ hiệu quả cho DN. Tuy nhiên, để quỹ hoạt động có hiệu quả, rất cần sự vào cuộc, phối hợp, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, các sở, ngành, đơn vị liên quan. Đặc biệt là các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong công tác thẩm định để Quỹ BLTD hoạt động hiệu quả, minh bạch, giúp DN tiếp cận cơ hội vay vốn tín dụng một cách thuận lợi nhất.

Có trở thành nguồn lực?

Tìm hiểu qua nhiều DN và cả những sở, ngành liên quan đến hoạt động của Quỹ BLTD cho DNNVV, chúng tôi nhận thấy, phần lớn ý kiến đang lo ngại: chính sách có thực sự đi vào cuộc sống và cơ hội mới có thực sự trở thành điểm tựa, nguồn lực để DN vượt qua gian khó? Ông Hoàng Trung Thông - Tổng thư ký Hiệp hội DN tỉnh cho rằng: Chủ trương BLTD cho DN của tỉnh là hết sức đúng đắn và cần thiết, nhưng với nguồn lực tài chính bước đầu còn nhỏ bé, trong khi số DN có nhu cầu được bảo lãnh để vay vốn tín dụng rất lớn, sợ rằng, Quỹ BLTD cho DNNVV khó đáp ứng mong mỏi của cộng đồng DN.

DN chưa thực sự kỳ vọng vào cơ hội mới còn bởi đối tượng cần được bảo lãnh ở đây phần lớn là DN nhỏ với nhiều điểm yếu. Trình độ quản trị, quản lý tài chính yếu; thiếu chiến lược, phương án SXKD; thụ động trong tiếp cận thông tin, chính sách là những điểm cản trở việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ nói chung và cơ hội BLTD nói riêng.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến còn phân vân về cơ chế phối hợp giữa Quỹ BLTD và các tổ chức tín dụng cho vay trong suốt quá trình thực hiện thủ tục bảo lãnh, vay vốn và thu hồi nợ, xử lý những vấn đề phát sinh. Một cán bộ phụ trách tín dụng ở NH lớn trên địa bàn cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng, hoạt động của Quỹ BLTD sẽ mang đến cho NH nhiều lợi ích: giảm bớt một công đoạn quan trọng là quy trình đảm bảo tiền vay, có thêm một đơn vị tham gia khâu thẩm định khách hàng và có thêm một kênh giới thiệu khách hàng cho tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất là khi xảy ra những rủi ro thì việc phối hợp giải quyết thường khá phức tạp và tổ chức tín dụng thường phải nặng gánh trong việc thu hồi món nợ mà họ đã quyết định đầu tư.

Theo điều lệ hoạt động của Quỹ BLTD đã được UBND tỉnh phê duyệt thì các DNNVV vay vốn bằng Việt Nam đồng tại các tổ chức tín dụng sẽ được BLTD nếu hội đủ các điều kiện: có dự án đầu tư, phương án SXKD hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay; có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án SXKD; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh không có các khoản nợ đọng ngân sách nhà nước và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.

Ông Nguyễn Tiến Tính - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh: Nhiều năm trước, chi nhánh đã bảo lãnh cho các DN vay vốn ngân hàng thương mại để thực hiện dự án/phương án SXKD với tổng số tiền gần 140 tỷ đồng. Từ đó, nhiều DN thoát khỏi nguy cơ phá sản, vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi xảy ra rủi ro trong đầu tư tín dụng là việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Bên cạnh đó, chưa có chế tài đủ mạnh và rõ ràng để xử lý những khách hàng/chủ đầu tư cố tình dây dưa, làm mất vốn, không có nguồn thu, không còn tài sản để trả nợ.

Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh: Trên thực tế, yêu cầu về tài sản đảm bảo chỉ là một phần trong số các điều kiện để vay vốn ở các tổ chức tín dụng. Nguyên nhân chính trong đầu tư tín dụng hiện nay vẫn là do DN gặp khó khăn trong SXKD, khả năng hấp thụ vốn vay thấp. Trong khi đó, DN có phương án SXKD hiệu quả và có khả năng hoàn trả vốn vay cũng là yêu cầu cần để được BLTD. Như vậy, rất có thể cái khó trong thẩm định, xem xét DN đủ điều kiện của tổ chức tín dụng sẽ trở thành cái khó của Quỹ BLTD.

Ông Nguyễn Trí Lạc - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Quỹ BLTD có thể hiểu là bàn tay nối dài của ngân hàng, được Nhà nước bảo lãnh để giải quyết khó khăn cho DN về tài sản thế chấp khi vay vốn. DN không nên quá lo ngại đến khả năng tài chính của quỹ vì ngoài vai trò Nhà nước làm “bà đỡ”, nguồn lực của quỹ sẽ lớn dần khi hoạt động hiệu quả. Bởi vậy, bên cạnh tập trung làm tốt công tác tuyên truyền một cách sâu rộng và tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực DN, Quỹ BLTD cần thực sự tận tâm, đủ năng lực để hỗ trợ DN thực hiện các thủ tục cần thiết, xây dựng phương án SXKD hiệu quả để tiếp cận chính sách BLTD.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast