Siết chặt quản lý kinh doanh và sử dụng xe đạp, xe máy điện

(Baohatinh.vn) - Người kinh doanh tận dụng mọi thời cơ để chạy theo lợi nhuận, người tiêu dùng dễ dãi với sự lựa chọn của mình đang là tác nhân khiến số lượng xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông tăng chóng mặt. Công tác quản lý vẫn “rối như tơ vò” vì người tiêu dùng hay cơ quan chức năng vẫn chưa có căn cứ phân biệt xe đạp điện và xe máy điện...

Nhan nhản các loại xe đạp điện, xe máy điện

Chỉ với hơn 8-13 triệu đồng, khách hàng có thể sở hữu ngay một chiếc xe đạp điện, xe máy điện hợp thời trang. Phải nói rằng, phương tiện này khá tiện ích, phù hợp với nhiều đối tượng, vừa dễ sử dụng. Chẳng thế mà, mấy năm nay, số lượng xe đạp điện, xe máy điện tăng chóng mặt, đa dạng về kiểu dáng.

Dạo một vòng các điểm kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện trên địa bàn TP Hà Tĩnh, chúng tôi như bị “hoa mắt” vì các loại nhãn hiệu. Chủ cửa hàng Cao Quý - đường Đặng Dung cho biết: “Cửa hàng chúng tôi có đủ loại, hàng Việt Nam, Trung Quốc, có cả liên doanh. Xe Trung Quốc chủ yếu giá từ 8,5-10 triệu đồng, còn xe Việt Nam, xe liên doanh đắt hơn: 11-13 triệu đồng. Với nhiều thương hiệu, nhiều loại giá, sẽ phù hợp với túi tiền của khách hàng. Nhưng loại được ưa chuộng nhất là Xmen với giá 13 triệu đồng”. Những cửa hàng gần đó cũng không kém phần đa dạng, nào là Espero 133s, Xmen, Nijia, Yamaha, Honda… Chỉ có điều, rất khó để người tiêu dùng phân biệt được thật - giả, chất lượng hay giá trị thực của chiếc xe.

Siết chặt quản lý kinh doanh và sử dụng xe đạp, xe máy điện ảnh 1

Xe máy, xe đạp điện là phương tiện khá tiện ích, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng.

Ghé vào Showroom Bình Thủy (đường Phan Đình Phùng), so với các cửa hàng nhỏ lẻ khác thì chủng loại xe ở đây phong phú hơn, đa số được nhà kinh doanh đính kèm phiếu kiểm định chất lượng, các chỉ số kỹ thuật… Nhân viên bán hàng cho biết: “Trên thị trường đã xuất hiện hàng nhái. So với chính hãng thì chất lượng hàng nhái thường kém hơn ở 3 bộ phận: ắc quy, động cơ và bộ điều khiển. Tất nhiên, giá thấp hơn hàng chính hãng”.

Ông Nguyễn Đình Khoa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh) cho biết: “Trên thị trường Hà Tĩnh, chủ yếu có 2 loại: liên doanh Việt Nam hoặc lắp ráp tại Việt Nam. Những loại này thì hồ sơ, hóa đơn khá đầy đủ. Chỉ có một số xe nhập khẩu Đài Loan là liên quan đến nhãn mác, phiếu công bố chất lượng. Tuy nhiên, loại xe này không nhiều, mỗi cửa hàng chỉ một vài chiếc nên rất khó để xử phạt. Chúng tôi chủ yếu chỉ mới xử phạt hành chính với mức 1-3 triệu đồng”.

“Lỗ hổng” quản lý

Xe đạp điện và xe máy điện là 2 loại phương tiện hoàn toàn khác nhau. Nếu như xe đạp điện được vận động cơ điện một chiều hoặc cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ trên với vận tốc tối đa 25 km/h thì xe máy điện là xe cơ giới chạy bằng động cơ điện. Vận tốc xe máy điện có thể đạt đến 50 km/h, vì thế, phương tiện này phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan có thẩm quyền cấp mới được phép lưu thông.

Siết chặt quản lý kinh doanh và sử dụng xe đạp, xe máy điện ảnh 2

Một cửa hiệu xe đạp, xe máy điện trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Tuệ Anh

Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 quy định về đăng ký xe thì mọi vi phạm của người tham gia giao thông bằng xe máy điện sẽ bị xử phạt như đối với xe máy nếu không có đăng ký và gắn biển số. Theo đó, hiện nay, đã có chủ trương đến hết 30/6/2016 giảm thuế trước bạ, lệ phí đăng ký đối với xe máy điện khi chủ phương tiện đến cơ quan công an làm thủ tục chủ sở hữu. Đồng thời, miễn giảm các hồ sơ, chứng từ khi làm thủ tục đăng ký đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, số được đăng ký rất ít so với số lượng lưu thông hiện hành.

Ông Hoàng Minh Việt - Phó Trưởng ban ATGT tỉnh cho biết: “80% đối tượng sử dụng xe đạp điện, xe máy điện là học sinh, sinh viên. Bằng mắt thường, có thể phân biệt xe đạp điện và xe máy điện thông qua bàn đạp. Đối với xe đạp điện thì khi hết điện vẫn có thể di chuyển nhờ bàn đạp, còn xe máy điện lại không có bộ phận này. Tuy nhiên, trên thực tế hoặc nhà SXKD “lách luật” bằng việc lắp thêm bàn đạp vào xe máy điện nhưng công suất và tốc độ không thay đổi. Hoặc, người tiêu dùng tự ý tháo bỏ bàn đạp của xe đạp điện cũng không phải là ít”. Đó là lý do làm khó cho các nhà quản lý, công an khi xử phạt hành vi vi phạm này vì gần như phương tiện này trở thành “cá mè một lứa”! Chỉ xử phạt được những lỗi thông thường: không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ…

Trong khi Luật Giao thông đường bộ chỉ mới có quy định về độ tuổi điều khiển xe gắn máy và xe mô tô, còn đối với xe đạp điện, xe máy điện thì không có quy định nào. Tất nhiên, những nhà quản lý luôn khuyến cáo đối tượng dưới 16 tuổi không nên sử dụng xe máy điện vì thiếu giấy phép lái xe. Nhưng liệu lời khuyến cáo có hiệu quả không khi chưa khép thành điều luật? Xe đạp điện, xe máy điện luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nhiều trường hợp sử dụng xe đạp điện, xe máy điện lạng lách, đánh võng, gây nguy hiểm đến tín mạng.

Đã đến lúc cần có biện pháp hữu hiệu siết chặt quản lý kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Theo ông Hoàng Minh Việt, hiện tại cũng chỉ mới dừng lại ở giải pháp tuyên truyền. Ban đã ban hành hơn 2.000 cuốn cẩm nang về sử dụng xe đạp điện, xe máy điện cũng như các quy định về sử dụng loại phương tiện này. Cùng với đó, hiện nay, một số trường học trên địa bàn đã thực hiện biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo phụ huynh cùng phối hợp với nhà trường, không để học sinh THCS (dưới 16 tuổi) sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ…

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast