Siết chặt quản lý thị trường: Tư duy mới, chuyển biến mới

(Baohatinh.vn) - Từ chỗ “ra ngõ gặp hàng nhái, hàng giả”, đến nay, trật tự thị trường được lập lại; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả hầu như đã được kiểm soát. Công tác quản lý thị trường (QLTT) ở Hà Tĩnh được siết chặt với tư duy mới, cách làm mới đang từng bước đưa lại một thị trường ổn định, lành mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển.

Dấu ấn nhiệm kỳ 2010 - 2015 (Bài 22):

Từ cuộc “cải tổ” bộ máy

Ông Nguyễn Cự Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết: Trong nỗ lực đổi mới tư duy, cách làm phù hợp yêu cầu phát triển mới, chi cục quan tâm đầu tiên đến công tác tổ chức, cán bộ. Quy chế quản lý cán bộ chặt chẽ, khoa học, đề cao tính kỷ luật đã được xây dựng nhằm khép đội ngũ vào guồng quay chuyên nghiệp, nghiêm túc, hiệu quả, chấn chỉnh những hành vi không tốt trong CBCNVC. Ngoài nhiệm vụ chung, mỗi cán bộ ở các đội QLTT đều được giao nhiệm vụ phụ trách tại một số xã, phường, có trách nhiệm tuyên truyền, nắm bắt các vấn đề liên quan đến hoạt động QLTT để tham mưu cho đơn vị giải quyết.

Siết chặt quản lý thị trường: Tư duy mới, chuyển biến mới ảnh 1
Cán bộ Đội QLTT số 1 kiểm tra mặt hàng sữa tại TP Hà Tĩnh.

Trong quá trình hoạt động, lãnh đạo chi cục đã trực tiếp xuống tận cơ sở, giám sát, kiểm tra, đánh giá sát thực hoạt động của các đội, các địa bàn để đốc thúc, nhắc nhở, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ. Qua đó, nắm tình hình để điều chuyển cán bộ địa bàn phù hợp. Việc luân chuyển được chi cục thực hiện thường xuyên, phù hợp, đã góp phần ngăn chặn những hành vi thiếu khách quan, minh bạch trong đội ngũ cán bộ. Trung bình, mỗi năm, chi cục luân chuyển trên 20 lượt vị trí, từ lãnh đạo đội đến cán bộ, kiểm soát viên.

Một điểm mới trong cách triển khai công tác QLTT mang lại hiệu quả trong những năm gần đây đó là kéo chính quyền các cấp vào cuộc, thay đổi nhận thức và hành động của các cấp, ngành về QLTT.

Không còn đứng ngoài cuộc, xem việc kiểm soát thị trường là của lực lượng QLTT, đến nay, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm và cùng lực lượng QLTT thực hiện nhiệm vụ. Ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, một trong những địa phương điển hình làm tốt công tác QLTT, cho biết: Từ giữa năm 2014, huyện đã thành lập đoàn liên ngành cấp huyện, hoạt động trên các lĩnh vực liên quan đến thị trường, do một đồng chí phó chủ tịch UBND huyện trực tiếp phụ trách. Ngoài ra, ở tất cả các xã, chúng tôi cũng thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra, kiểm soát các hoạt động liên quan, nhất là các chợ. Các đồng chí lãnh đạo xã cũng đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình nên thường xuyên quan tâm, nhắc nhở cán bộ trong công tác QLTT tại xã. Nhờ vậy, hoạt động QLTT trên địa bàn ngày càng được chấn chỉnh.

Quyết liệt vì người tiêu dùng

Với sự chủ động và tinh thần trách nhiệm cao, thời gian qua, lực lượng QLTT luôn nỗ lực ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm, hướng tới một thị trường phát triển lành mạnh, vì quyền lợi người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính. Công tác kiểm tra, xử lý ngày càng được tăng cường với số vụ xử lý vi phạm tăng cấp số nhân. Tính từ năm 2010 đến tháng 6/2015, chi cục đã xử lý 11.084 vụ vi phạm (tăng 6.364 vụ so với giai đoạn 2005-2010); tổng thu 16,465 tỷ đồng, tăng 6,264 tỷ đồng so với giai đoạn 2005-2010.

Siết chặt quản lý thị trường: Tư duy mới, chuyển biến mới ảnh 2
Thực hiện niêm yết giá giúp hoạt động kinh doanh tại Khu du lịch Thiên Cầm ngày càng lành mạnh

Lĩnh vực niêm yết giá, bắt đầu từ chợ TP Hà Tĩnh và chợ TX Hồng Lĩnh, đến nay đã được các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện khá nghiêm túc, rõ ràng. Ở các chợ trung tâm, khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, các cơ sở cơ bản thực hiện tốt việc niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ. Hà Tĩnh được Bộ Công thương đánh giá là tỉnh đi đầu trong cả nước về việc niêm yết giá bán. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã siết chặt kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hóa đơn, chứng từ các sản phẩm trên thị trường. Bước đầu, các chợ trung tâm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ của các mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Phạm Danh Hiệp – Trưởng BQL Khu du lịch Thiên Cầm cho biết: Toàn bộ 13 nhà hàng, khách sạn và 75 ki-ốt kinh doanh ăn uống đều chấp hành đầy đủ việc niêm yết giá. Tại các bảng niêm yết giá đều có đường dây nóng của BQL để khách hàng phản ánh. Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh tại khu du lịch minh bạch, lành mạnh, tạo được ấn tượng tốt đối với du khách.

Chưa bao giờ những thông tin kết nối từ ngành chức năng đến người tiêu dùng lại được quan tâm như hiện nay. Đường dây nóng của lực lượng QLTT được công khai tại các điểm công cộng, các trung tâm thương mại - dịch vụ, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với các giải pháp mạnh trong kiểm tra, xử phạt, đường dây nóng của lực lượng chức năng đã giúp phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm và tăng niềm tin, sự hợp tác của người dân đối với cơ quan nhà nước.

Chị Nguyễn Thu Hà (phường Nguyễn Du – TP Hà Tĩnh) cho biết: Thời gian gần đây, hoạt động thị trường đang đi vào nền nếp, đặc biệt là tình trạng hàng giả, hàng nhái giảm hẳn nên chúng tôi rất yên tâm. Nỗi lo bị “chặt chém” cũng không còn, bởi phần lớn các cửa hàng, quầy hàng ở chợ đều được niêm yết giá một cách rõ ràng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast