Thương mại Hà Tĩnh bứt phá

(Baohatinh.vn) - Tuy gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng hoạt động thương mại trên địa bàn Hà Tĩnh những năm gần đây vẫn tiếp tục bứt phá với những gam màu sáng, tốc độ tăng bình quân trên 15%, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Chợ mới thị xã Kỳ Anh đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu trước mắt và lâu dài trên địa bàn khu kinh tế trọng điểm quốc gia

Chợ mới thị xã Kỳ Anh đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu trước mắt và lâu dài trên địa bàn khu kinh tế trọng điểm quốc gia

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Dũng phấn khởi khi đánh giá về hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh những năm gần đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa mỗi năm tăng bình quân 15-17%. Riêng 11 tháng năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt hơn 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 14% so cùng kỳ năm 2014. Sự sôi động tại các khu kinh tế trọng điểm như Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Khu kinh tế Vũng Áng... đã tác động lớn đến sự phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về ngành nghề, tạo bước chuyển tích cực cho hoạt động thương mại.

Không chỉ ở TP Hà Tĩnh mà ngay tại các trung tâm huyện, thị, mạng lưới phân phối hàng hóa phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cơ sở vật chất từng bước được nâng cấp, đầu tư xây mới. Cùng với đó là hệ thống siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tự chọn, chợ đầu mối… ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy giao lưu hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu thị trường, mang lại diện mạo mới cho thương mại địa phương.

Thương mại Hà Tĩnh bứt phá ảnh 2

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh

Việc các địa phương tập trung chuyển đổi mô hình quản lý chợ là một trong những bước đi quan trọng nhằm quản lý, khai thác hiệu quả, tạo điều kiện nâng cấp, cải tạo chợ theo hướng văn minh, hiện đại. Ông Bùi Đình, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Can Lộc cho biết: Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, hoạt động kinh doanh chợ ở Can Lộc bài bản hơn, ngành hàng bố trí hợp lý, vệ sinh môi trường được cải thiện; công tác PCCC đảm bảo... nhận được sự đồng tình, ủng hộ của bà con tiểu thương và người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều chợ trên địa bàn tăng thu ngân sách. Trong đó, điển hình là chợ Nhe (Vĩnh Lộc); chợ Phù Minh (Thiên Lộc), chợ xã Đồng Lộc...

Việc triển khai thực hiện chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” là một trong những hoạt động thiết thực, mang lại hiệu quả cao. Năm 2014 và 11 tháng năm 2015, các đơn vị đã tổ chức 11 phiên hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh... Ngoài ra, còn tổ chức 7 hội chợ tại một số địa phương với quy mô 100 - 200 gian hàng.

Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại cũng được tăng cường và có nhiều chuyển biến tích cực. 10 tháng năm 2015, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra, xử lý 4.502 vụ liên quan đến gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ… với tổng số tiền thu nộp ngân sách gần 4,4 tỷ đồng.

Những tháng cuối năm, hoạt động thương mại tiếp tục có nhiều khởi sắc, hàng hóa lưu thông nhiều, sức mua của người dân tiếp tục được nâng lên. Cũng theo ông Dũng, sắp tới, các doanh nghiệp cần chủ động khai thác nguồn hàng đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn. Bên cạnh đó, phát huy và sử dụng tính tích cực của mọi thành phần kinh tế, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, tạo sức cạnh tranh lành mạnh trong và ngoài tỉnh. Các ngành chức năng tiếp tục xây dựng phương án bình ổn giá vào những tháng cuối năm, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, gây đột biến giá ảo, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast