Tỷ phú Thái chạy đua giành thị trường bán lẻ Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Hãng thông tấn Reuters ngày 19/4 đã có một bài viết về cuộc chạy đua của người Thái trong việc thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam.

Siêu thị Metro ở Hà Nội, ảnh chụp ngày 11/4/2016. (Nguồn: Reuters)

Siêu thị Metro ở Hà Nội, ảnh chụp ngày 11/4/2016. (Nguồn: Reuters)

Thông qua việc tấn công vào ngành sữa, ngành bia, thâu tóm các chuỗi siêu thị, trung tâm mua sắm lớn ở Việt Nam, các tỷ phú Thái Lan đang trong cuộc đua giành giật thị phần tại mảnh đất hình chữ S.

Theo Reuters, tầng lớp trung lưu hiện tại của Việt Nam đang nhìn nhận các sản phẩm hàng hóa có xuất xứ từ Thái Lan tốt hơn và có mức giá phải chăng hơn so với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản hay Hàn Quốc. Mặc dù được ưa thích vì giá cả hợp túi tiền người tiêu dùng Việt, ưu điểm của hàng Thái lại không quá tràn lan như hàng Trung Quốc, vốn trước nay vẫn thường được tuồn vô tội vạ qua biên giới để vào thị trường Việt Nam.

“Tôi thích hàng Thái và tôi không phải lo lắng quá về rủi ro hàng hóa bị nhiễm độc.” - chủ một cửa hàng chuyên nhập khẩu hàng hóa Thái Lan ở Hà Nội nói với Reuters.

Ông trùm ngành bia Charoen Sirivadhanabhakdi là người đã nổ phát súng đầu tiên cho cuộc chạy đua của các đại gia Thái vào thị trường Việt Nam. Thông qua tập đoàn Thai Charoen Corp (TCC) của mình, ông Charoen đã “mua đứt” hệ thống siêu thị Metro Cash & Cary Việt Nam bằng bản hợp đồng trị giá 655 triệu EUR (tương đương 706 triệu USD).

Công ty con Berli Jucker Public Company Limited (BJC) của TCC cũng là một trong những nhà thầu “ghi danh” trong cuộc đấu giá có giá trị lên đến 1 tỷ USD để giành “quyền định đoạt” đối với chuỗi siêu thị Big C Việt Nam từ tay tập đoàn Casino Group của Pháp.

Ông John T Ditty, Trưởng Bộ phận dịch vụ tư vấn của KPMG tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi thực sự hy vọng các công ty Thái sẽ tiếp tục nhìn nhận Việt Nam như một thị trường hấp dẫn để tiếp tục đầu tư và phát triển thông qua các hoạt động sát nhập và mua lại (M&A)”

“Nền kinh tế Thái Lan đã phần nào chững lại.” - ông nói thêm. Cơ quan xếp hạng quốc tế Moody's dự báo tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Thái Lan sẽ giảm xuống 2,5% trong năm nay, thụt lùi so với mức 2,8% của năm ngoái.

Ở Việt Nam, cục diện dường như lại đang chuyển mình theo hướng ngược lại. Thu nhập bình quân người Việt đã tăng gấp 4 lần trong vòng 15 năm qua. Kinh tế tăng trưởng trên mức 5%/năm. Trung tâm Nghiên cứu Vietinbanksc viện dẫn số liệu dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường BMI mới đây cho biết, doanh thu thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức 179 tỷ USD vào năm 2020, tăng vọt từ mức dưới 110 tỷ USD năm ngoái.

Từ các diễn biến gần đây cho thấy, các thương vụ M&A có thể sẽ dần được đẩy lên mức cao kỷ lục. Vào năm ngoái, nhờ sự “góp tay” của tỷ phú Thái Lan Santi Bhirombhakdi, một thương vụ M&A đã có giá trị lên đến 4 tỷ USD. Ông Santi Bhirombhakdi hiện là người giàu thứ 7 tại Thái Lan theo bình chọn của Forbes. Tập đoàn Singha Group do gia đình vị tỷ phú này nắm quyền kiểm soát, hồi năm 2015, đã quyết định chi 1,1 tỷ USD để thâu tóm cổ phần hai công ty con của tập đoàn Masan Group (Masan là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam. Tập đoàn này hiện sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như nước tương Chinsu, nước tương Tam Thái Tử, mì ăn liền Omachi...). Nhiều nhà phân tích dự báo các công ty Thái có thể “góp tay” để giúp phá vỡ kỷ lục về giá trị của một thương vụ M&A trong năm 2016.

Giới môi giới cho hay, các đại gia Thái Lan đang rất trông đợi vào các cơ hội mới ở các thương vụ thoái vốn nhà nước tại Việt Nam.

Ông trùm ngành bia Charoen Sirivadhanabhakdi một thời gian cũng được truyền thông đồn đoán là có quan tâm đến sự kiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước (tương đương 45% cổ phần, trị giá 3,1 tỷ USD) mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore là Frasser & Neave (F&N) của tỷ phú Charoen hiện là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk với tỷ lệ sở hữu là 11%. Theo Reuters, F&N có thể sẽ muốn nâng mức tỷ lệ này lên khi SCIC quyết định “tất tay” hết số cổ phần ở Vinamilk trong thời gian tới.

Bên cạnh ngành sữa, ông Charoen cũng thể hiện tham vọng muốn khai thác thêm thị trường bia của Việt Nam, thị trường được đánh giá lớn thứ 3 châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc và Nhật Bản - thông qua tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) của ông.

Thaibev hiện đang sở hữu thương hiệu Beer Chang nổi tiếng. Hồi cuối năm 2014, khi có tin nhà nước sẽ thoái 53% cổ phần tại Tổng Công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ThaiBev đã có đề xuất với Chính phủ Việt Nam tỏ ý muốn mua số cổ phần này. Thời điểm đó, ThaiBev định giá Sabeco ở mức 2 tỷ USD.

Trong khi tập đoàn của ông Charoen vẫn đang loay hoay với Sabeco, đối thủ của ông là tỷ phú Santi Bhirombhakdi đã có thể điềm nhiêm gia nhập vào làng bia Việt thông qua mạng lưới phân phối của Masan Group sau khi hoàn tất thương vụ 1,1 tỷ USD với đối tác Việt Nam hồi tháng 12/2015. Tập đoàn Singha Group của tỷ phú Santi hiện đang sở hữu thương hiệu bia Singha beer nổi tiếng.

Gia tộc Chirathivats giàu thứ 3 ở Thái Lan cũng tỏ ra hứng thú đối với thị trường bán lẻ Việt Nam. Gia tộc này dự kiến sẽ mở cửa một vài trung tâm mua sắm thuộc chuỗi siêu thị Robinsons Department Store của Chirathivats tại các thành phố lớn ở Việt Nam thời gian tới. Theo Reuters, gia tộc này cũng đang quan tâm đến thương vụ thâu tóm Big C. Trước đó, Chirathivats đã chi 200 triệu USD để mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT – đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Thái Lan cũng không dễ để “lái” mọi thứ theo ý mà họ muốn khi các tập đoàn lớn như Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Parkson (Trung Quốc) hay các doanh nghiệp nội địa như Vingroup, KIDO cũng đang nhảy vào cuộc đua giành giật thị phần đầy sôi động ở Việt Nam.

“Nhưng điều này dường như cũng không ngăn cản được người Thái.” - Phó Tổng thư ký Ủy ban đầu tư Thái Lan Chokedee Kaewsang cho biết. Ông Chokedee cũng hy vọng các doanh nghiệp Thái Lan có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba mức độ hiện diện tại Việt Nam vào năm 2019. “Người Việt Nam ưa thích các sản phẩm Thái Lan cũng như các thương hiệu Thái Lan.” - ông Chokedee nhận định.

Chị Bùi Thúy Nga là một nữ doanh nhân ở Hà Nội. Cửa hàng của chị hiện bán hầu hết mọi thứ từ dầu gội, đồ dùng văn phòng phẩm đến kem đánh răng... có xuất xứ từ Thái Lan. Thay vì chỉ kinh doanh bán lẻ thông thường, cửa hàng chị Nga giờ đây đã trở thành mối bán buôn quen thuộc của khoảng một chục khách hàng khác. Theo chị Nga, hiện tại đang có sự bùng nổ về các cửa hàng chỉ bán đồ “made in Thailand” ở Việt Nam. Chị ước tính số cửa hàng kiểu này đã gia tăng gấp 3 lần kể từ năm 2012.

“Việc kinh doanh của tôi đã phải trải qua không ít khó khăn giai đoạn đầu. Thật không ngờ rằng thị trường lại có thể phát triển nhanh đến thế.” – chị Nga chia sẻ.

(Theo Reuters, Forbes)

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast