Văn minh thương mại phải bắt đầu từ ý thức tiểu thương

(Baohatinh.vn) - Người bán hàng chèo kéo khách, nói thách giá, bán hàng không theo giá niêm yết, cư xử thiếu văn hóa với khách hàng... là tình trạng diễn ra phổ biến tại chợ TP Hà Tĩnh nhiều năm nay. Nếu mỗi hộ kinh doanh không sớm khắc phục điểm yếu để từng bước xây dựng văn minh thương mại thì chợ trung tâm tỉnh lỵ sẽ đánh mất vị thế của mình.

“Căn bệnh” khó chữa...

Một đôi giày nữ được người bán “hét” giá 300 nghìn đồng, sau một hồi mặc cả, khách hàng chỉ phải trả 160 nghìn đồng… Đó chỉ là một trong vô số những điều vẫn ngày ngày diễn ra tại chợ TP Hà Tĩnh. Các mặt hàng quần áo, giày dép… được chủ hàng “hô” giá gấp 2, thậm chí gấp 3 lần, mặc dù bảng niêm yết giá vẫn được treo lên.

Văn minh thương mại phải bắt đầu từ ý thức tiểu thương ảnh 1

Nếu các tiểu thương không sớm thay đổi cách phục vụ theo hướng văn minh, hiện đại thì chợ TP Hà Tĩnh sẽ mất dần vị trí "trung tâm".

Không chỉ thế, tình trạng chèo kéo khách và cư xử thiếu văn hóa khi khách không chọn được món đồ ưng ý cũng là “chuyện thường ngày” ở... chợ. Chị Nguyễn Anh Lê (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Có lần, tôi đi chợ chọn áo, bà chủ chỉ nhiều mẫu nhưng tôi vẫn chưa ưng ý, định bước đi thì bị bà ta kéo lại lên giọng “mi, tau”, kiểu “không mua không xong”. Phát sợ, tôi mua bừa cái áo rồi đi, từ đó cũng chừa luôn, không vào chợ mua hàng nữa”.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta đổ lỗi hoàn toàn cho người bán, bởi tâm lý mặc cả dường như đã “ăn sâu” vào tiềm thức của người mua hàng. Chị Nguyễn Thị H., chủ hàng giày dép ở chợ Hà Tĩnh chia sẻ: “Chị cũng muốn bán đúng giá nhưng khổ nỗi, khách hàng vẫn trả giá nên buộc mình phải nói chênh lên một chút. Hình như mua bán phải trả giá họ mới thoải mái”.

Cần nhiều nhân tố mới

Chợ TP Hà Tĩnh hiện có gần 1.700 hộ kinh doanh với hơn 2.000 quầy. Trong đó, quần áo may mặc sẵn gần 400 hộ; giày dép hơn 30 hộ; vải 42 hộ; văn phòng phẩm 31 hộ... Dù xuất hiện khá đơn lẻ nhưng đã có những quầy hàng được người mua truyền tai nhau về chất lượng sản phẩm cũng như việc bán đúng giá niêm yết. Chị Lê Thị Oanh (thị trấn Nghèn, Can Lộc) cho biết: “Em thường mua quần áo của cửa hàng Lý Thắng. Chị bán đúng giá, tính lại vui vẻ, thoải mái. Nhiều khi tranh thủ buổi trưa, đến những quầy bán đúng giá, mình tiết kiệm được thời gian, lại có sản phẩm tin cậy. Bỏ đồng tiền ra không phải cấn cái, cò kè là vui”.

Không cần quảng cáo, quầy hàng Lý Thắng vẫn nườm nượp khách vào ra. Chị Lý - chủ cửa hàng cho biết: “Chị chọn các mặt hàng chất lượng, giá có cao hơn nhưng khách hàng vẫn lựa chọn khi biết được xuất xứ sản phẩm. Giá bán chỉ có một, không phải kỳ kèo mặc cả. Buôn bán cái cốt yếu là phải tạo niềm tin, uy tín với khách hàng thì mới giữ chân “thượng đế” được dài lâu”.

Ông Nguyễn Duy Hòa - Trưởng BQL chợ Hà Tĩnh cho biết: Thời gian qua, BQL chợ đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp chấn chỉnh hoạt động cân, đo; kiểm tra nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các tiểu thương về văn minh ứng xử với khách hàng, giữ gìn vệ sinh môi trường... Những giải pháp này sẽ phải thực hiện thường xuyên, quyết liệt để mang lại kết quả rõ nét hơn. Một thực tế là hiện nay, các siêu thị, shop ra đời ngày càng nhiều với những tiện ích cũng như cung cách phục vụ niềm nở, chuyên nghiệp, tạo được sự cạnh tranh trên thị trường. Nếu mỗi hộ tiểu thương ở chợ không sớm thay đổi cách phục vụ, hướng đến xây dựng điểm thương mại văn minh, hiện đại thì chợ thành phố sẽ từng ngày đánh mất vị trí “trung tâm” trong lòng khách hàng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast