Vì sao Bộ Tài chính tính tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít xăng?

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi đã có những giải đáp xung quanh vấn đề tăng khung thuế môi trường với một số mặt hàng xăng dầu tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, đang gây chú ý trong dư luận thời gian qua.

vi sao bo tai chinh tinh tang thue moi truong len 8 000 dong lit xang

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.

Theo dự thảo này, khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ tăng từ mức hiện tại là 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 đồng - 8.000 đồng/lít.

Học kinh nghiệm quốc tế

Đâu là những lý do khiến Bộ Tài chính dự tính nâng khung thuế đối với mặt hàng xăng lên 4.000 - 8.000 đồng/lít, thưa ông?

Trong thời gian gần đây, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc. Nhiều nước đã cải cách mạnh mẽ hệ thống chính sách thuế của mình theo hướng tăng dần tỷ trọng thu từ các sắc thuế gián thu, giảm dần tỷ trọng thuế trực thu, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư để đảm bảo nguồn thu và bền vững cho ngân sách quốc gia.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thuế nhập khẩu bị cắt giảm dần theo các cam kết quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa để thay thế cho thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo các cam kết quốc tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.

Theo kinh nghiệm quốc tế, khi giá dầu thế giới giảm và duy trì ở mức thấp, nhiều nước đã nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng và mở rộng đối tượng để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập, chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới. Việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ tài chính hiệu quả và khả thi.

Như vậy, để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu, chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu thế giới, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự án Luật Thuế Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội.

-Thời gian qua, có những ý kiến cho rằng, tăng khung thuế với xăng dầu rất dễ dàng bởi đánh vào "túi tiền của người dân", giúp đem về "tiền tươi thóc thật" ngay lập tức, chứ không phải xuất phát từ mục tiêu bảo vệ môi trường như dự án luật nêu ra. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng.

Nhiều nước trên thế giới đã đưa xăng dầu vào đối tượng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nhằm mục đích bảo vệ môi trường với các tên gọi khác nhau như thuế nhiên liệu, thuế năng lượng, thuế phương tiện...

Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành thì xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế với khung thuế từ 1.000-4.000 đồng/lít. Mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành áp dụng với xăng dầu đã gần kịch khung thuế. Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh nâng khung thuế xăng dầu từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít.

136 nước có giá xăng cao hơn Việt Nam

-Nhưng, cơ sở nào để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất khung thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít, thưa ông?

Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 11 hiệp định thương mại tự do. Theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thì Việt Nam phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu. Giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 3/4/2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp, xếp thứ 44/180 nước, tức có tới 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam. Chẳng hạn, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88, Lào đứng thứ 97.

Với mức giá bán lẻ xăng RON 92 của Việt Nam tính đến ngày 6/4/2017 là 17.230 đồng/lít, thấp hơn Thái Lan là 1.166 đồng/lít, Singapore là 16.175 đồng/lít, Philippines là 3.375 đồng/lít, Hồng Kông là 26.518 đồng/lít.

Tỷ lệ thuế - như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng - trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp, là 37,24% đối với xăng, thấp hơn so với Hàn Quốc, hiện là 70,3% hay Campuchia, là khoảng 40%, Lào, là khoảng 56%.

-Vậy theo ông, nếu dự thảo này được thông qua, thì thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ tăng theo lộ trình nào? Điều này liệu có ảnh hưởng đến mục tiêu kìm lạm phát, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt?

Bộ Tài chính mới đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với xăng dầu trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để đảm bảo tính ổn định của luật áp dụng cho thời gian dài. Việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như đến sản xuất kinh doanh.

Khi đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính sẽ phải có các đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước để đảm bảo cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng dầu trong phạm vi khung quy định tại luật cho phù hợp.

-Hiện ngoài mặt hàng xăng dầu, một số hàng hóa khác cũng có những tác động nhất định tới môi trường như than, thép… Vậy, lý do nào để trong dự thảo này, Bộ Tài chính chọn xăng dầu là mặt hàng điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường?

Nhiều hàng hóa khi sử dụng sẽ thải ra môi trường các loại chất thải ô nhiễm gây tác động xấu đến môi trường.

Để giảm các tác động có hại đến môi trường và có nguồn lực để giải quyết vấn đề môi trường, hiện nay có một số chính sách thuế, phí, lệ phí thu vào việc sử dụng các hàng hóa này như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và sinh hoạt, chất thải rắn, phí với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại...

Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định 8 nhóm hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường thuộc đối tượng chịu thuế, và thép không thuộc đối tượng này.

Qua đánh giá tổng thể khung thuế bảo vệ môi trường hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung thuế của 3/8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, gồm xăng dầu, túi ni lông thuộc diện chịu thuế, dung dịch HCFC.

Đối với 5 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế còn lại, trong đó có than đá, Bộ Tài chính không đề xuất điều chỉnh khung thuế, do mức thuế cụ thể hiện hành đang được quy định bằng mức tối thiểu trong khung thuế.

Theo VnEconomy

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast