Chợ quê cuối năm

(Baohatinh.vn) - Ngày tết về quê, tôi rất thích đi chơi chợ. Nói đi chơi cũng đúng thôi vì chuyện mua sắm đã có siêu thị to, siêu thị nhỏ, cửa hàng tạp hóa phục vụ tận nhà.

Cái thú đi chơi vui nhất là được gặp người, chuyện trò với người, mua bán nâng lên, đặt xuống, hỏi giá, nhìn cân, thêm thắt và có thể mua được những thứ nhỏ nhất bằng đồng tiền lẻ như mớ rau vặt, mấy cọng hành, vài trái ớt cay - những sản phẩm quê mà ta quen gọi là “rau sạch” còn tươi ròng mùi đất. Không xanh mượt mà xanh đậm đà, chân chất, trông có vẻ hơi cỗi cằn nhưng nâng bó rau lên, ta có cảm giác nằng nặng bởi sức hút của đất, bởi sự chiu chắt gió sương. Thế mới biết tình đất, tình người ở chợ quê đằm thắm mức nào.

Ảnh: Sỹ Ngọ

Ảnh: Sỹ Ngọ

Ông bạn nhà văn của tôi lại bàn về “tiếng chợ”. Khi vào siêu thị, ta có cảm giác không khí lành lạnh, người mua cũng chẳng rì rầm bàn tán, người bán cứ y như robot vậy. Hàng hóa thì nhiều đến lóa mắt nhưng không nghe được âm thanh tiếng chợ. Còn ở đây thì tháng áp tết gọi là cữ một chạp. Trời khô hanh lạnh, ít mù, trước một chạp là cữ gió. Gió thổi khô hết ngõ, rụng bụi lá xoan hun hút đường làng. Gần sáng thì bỗng đâu nghe ong ong, rì rào, râm ran một đợt sóng âm. Tiếng gì như tiếng giã gạo? Tiếng động biển chăng? Thôi đúng rồi, tiếng chợ. Tiếng chợ như một đàn ong lao xao, khi xa rền âm âm như động biển. Tiếng chợ ngày tết rền lâu hơn, sớm hơn, rộng ra bốn phía, nghe ấm mà vui. Cứ lắng nghe tiếng chợ đang vỏng vót thế này thì có nghĩa còn lâu mẹ mới về.

Thuở nhỏ, tôi hay chạy lon ton theo mẹ đi chợ tết. Mẹ gánh một đôi thúng nặng ra chợ bán, trong đó, có cả gạo nếp, đậu xanh, nhiều thứ sản phẩm nhà nông nữa và có cả đôi gà trống thiến mào đỏ thắm, đôi mắt ngác ngơ tròn như hai viên bi. Từ sản phẩm mẹ làm ra đổi thành thức ăn, đồ uống ngày tết và sắm sửa áo mới, quà chơi cho con nữa. Tôi rất thích vào xem quán hàng xén. Các cô bán hàng ai cũng xinh, cũng thích diện. Họ bày hàng đơn giản nhưng thật đẹp. Quần áo, đồ chơi trẻ nhỏ xếp ngoài cùng để chúng tôi có thể với tay mặc thử.

Tôi như lạc vào một không gian cổ tích giữa bao màu áo. Mẹ giục mua để về nhà còn lo tết. Thế rồi cũng thử xong bộ quần áo mới, lại ra cái quán ông nặn tò he. Ôi những con tò he, những Quan Công, Võ Tòng đánh hổ nặn bằng bột gạo màu thật đẹp. Người nghệ sĩ nông dân đã thổi hồn để nặn lên bao thần tượng của trẻ nhỏ thật ngộ nghĩnh mà gần gũi thân quen biết bao.

Những con tò he, những Quan Công, Võ Tòng đánh hổ... nặn bằng bột gạo là các tác phẩm nghệ thuật của người nghề sỹ nông dân, không thể thiếu trong những phiên chợ tết. (Ảnh minh họa từ internet)

Những con tò he, những Quan Công, Võ Tòng đánh hổ... nặn bằng bột gạo là các tác phẩm nghệ thuật của người nghề sỹ nông dân, không thể thiếu trong những phiên chợ tết. (Ảnh minh họa từ internet)

Mẹ mua cho tôi nhiều thứ quà bằng những đồng tiền lẻ và không khi nào thiếu tò he. Ở chợ về, tôi vác đôi cây mía. Mẹ bảo phải xếp 2 cây mía ngọt này lên bàn thờ tổ tiên để làm gì thì tôi chẳng biết. Hình như đó là phong tục tín ngưỡng có từ lâu đời. Chợ tết ngày 27 là phiên đại to nhất trong năm cũng là phiên áp tết. Ai chưa sắm sửa thêm nồi đất, dao thớt, rau, dưa, hành, kiệu dự trữ thì còn phiên ngày 28, sang phiên 29 chủ yếu mua thịt, vì mua sớm quá khó bảo quản mà cũng chẳng có nhiều.

Quê tôi ở vùng biển. Cái làng biển nằm kề bên mép sóng. Ở đây, có chợ Mai họp vào các sáng sớm ở khu đất đầu xã có từ thời xa xưa. Bán mua chủ yếu là các loài cá lưới xăm mười (gồm các thứ hải sản đánh bắt vào các buổi “bạc nước” gần sáng như sò, hàu,...) lại có chợ Hôm người trên chợ, dưới thuyền tấp nập chỉ họp vào buổi chiều. Lại có cả chợ Đón, họp nhỏ lẻ, người bán đón người mua. Ở đây có những loài cá thường được bán trong ngày tết. Đó là: cá ngứa.

Cá chim cũng là món ngon trong ngày tết được người dân quê biển xếp hạng: “Chim, thu, nhụ, đé”. Chợ quê ngày tết mà thiếu cá, thiếu những thứ hải sản còn tươi ròng thì mất hết chất sống. Cá biển, cá đồng còn giãy tươi đành đạch, loạt xoạt trong cái giỏ câu hay chậu nước đầy, làm cho không khí tết thêm phần sôi động.

Chợ cuối năm họp có phiên và mẹ tôi lại lần ngón tay để tính, để chăm tỉa tót mảnh vườn rau rồi tích nắm thóc cho bầy gà đang độ lớn, tối lại xay bột, giã nếp. Những việc tính toán cả đời không hết chỉ để dồn cho phiên chợ tết cuối năm.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast