Đặc sắc không gian Việt

(Baohatinh.vn) - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên - Cầu Giấy - Hà Nội) như một không gian Việt thu nhỏ giữa lòng thủ đô. Với hàng chục ngàn hiện vật nguyên gốc cùng sự đa dạng của các biểu tượng văn hóa, mỗi năm, bảo tàng đón 450-500 ngàn lượt khách, được xếp thứ 4 trong số 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

PGS. TS – Giám đốc Bảo tàng Võ Quang Trọng tiếp chúng tôi trong tầng 2 tòa nhà “Cánh Diều” vừa đưa vào sử dụng không lâu. Từ đây nhìn thấy gần như toàn bộ khu trưng bày ngoài trời với những ngôi nhà Việt cổ đủ kiểu dáng của nhiều vùng miền. Một cảm giác gần gũi, thân thương ùa vào tâm trí chúng tôi như vừa trở về mái nhà xưa của mẹ cha, nghe khói bếp cay nồng và mùi cơm gạo mới thoang thoảng bay. Hồn dân tộc như đang lắng lại trong một không gian đậm đà bản sắc.

Nhà rông của người Ba Na - Tây Nguyên trong vườn kiến trúc.

Nhà rông của người Ba Na - Tây Nguyên trong vườn kiến trúc.

Giản dị và thân tình như bao người con Hà Tĩnh khác, anh Trọng chia sẻ: “Tôi là dân nhà quê, đi học, đi bộ đội rồi vào đại học, sang Nga làm tiến sĩ về văn học dân gian. Tôi đam mê văn hóa, làm công việc nghiên cứu và chuyển về công tác tại bảo tàng đã 9 năm. Người tạo dựng bảo tàng là PGS. TS Nguyễn Văn Huy, con của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Tôi đã kế tiếp sự nghiệp của anh và đưa bảo tàng phát triển như hôm nay”.

Rồi anh dẫn chúng tôi tham quan khu trưng bày tòa nhà “Cánh Diều” với các hiện vật của Đông Nam Á, tòa nhà “Trống Đồng” trưng bày các hiện vật Việt Nam, khu trưng bày ngoài trời mà các anh chị hay gọi là vườn kiến trúc. Chúng tôi thích thú và ngạc nhiên trước 1.000 hiện vật quý hiếm của các nước Đông Nam Á và các châu lục từ đồ dùng sinh hoạt, trang phục, trang sức đến đạo cụ âm nhạc của người Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… Một cảm giác khó nói nên lời khi được chiêm ngưỡng 1.000 hiện vật từ chiếc lưỡi hái, chiếc nón, chiếc oi, nơm, đồ rèn… đến trang phục của người nông dân Việt Nam.

Đặc biệt, khu trưng bày ngoài trời với 2.000 hiện vật đã cuốn hút và làm chúng tôi mê mẩn. Ở đây có những ngôi nhà của người dân tộc Chăm, nhà ở truyền thống của người Việt, nhà rông của người Ba Na (Kon Tum), nhà dài của người Ê-đê (Đắk Lắk), nhà của người Dao ở Bảo Thắng (Lào Cai), người H’Mông (Yên Bái), nhà ở và chuồng ngựa của người Hà Nhì (Lào Cai), nhà mồ của người Gia Lai ở huyện Chư Pả, nhà mồ của người Kơ Tu (Quảng Nam), nhà thủy đình biểu diễn rối nước. Trong các ngôi nhà đều có dụng cụ sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc như ghe (thuyền nhỏ) của người Khmer, lò rèn của người Nùng, cối giã gạo của người Dao…

Mỗi ngôi nhà đều có những kiểu dáng và chất liệu khác nhau tùy thuộc vào điều kiện sống và tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng của từng vùng. Điều đặc biệt là những ngôi nhà đều được mua, sưu tầm từ các bản làng xa xôi do chính người dân địa phương làm ra và dựng lại nên tính nguyên bản gần như 100%. “Người Hà Nhì làm nhà bằng tường đất sét vàng dày và không có cửa sổ vì nơi họ ở rất rét. Nhà mồ Tây Nguyên có nhiều tượng gỗ nhỏ xung quanh thể hiện quan niệm cuộc sống sau khi chết của họ vẫn tiếp diễn, vẫn sinh sôi, nảy nở” - anh Trọng giải thích.

Một góc tòa nhà “Cánh Diều” trưng bày hiện vật Đông Nam Á.

Một góc tòa nhà “Cánh Diều” trưng bày hiện vật Đông Nam Á.

Chúng tôi mải mê ngắm nhìn, chụp ảnh và xung quanh, rất nhiều du khách nước ngoài cũng đang say sưa lấy những kiểu ảnh kỷ niệm. Trong căn nhà nhỏ của người Dao lợp bằng gỗ pơ-mu, các hướng dẫn viên đang giới thiệu các dụng cụ sinh hoạt cho du khách. Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - thạc sĩ dân tộc học chia sẻ: “10 năm gắn bó với công việc, tôi đã cố gắng nghiên cứu, tích lũy để có thể chuyển tải tới du khách tình yêu, niềm tự hào về những nét độc đáo của văn hóa quê hương”.

Khi chúng tôi hỏi bí quyết để Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thu hút du khách như khơi trúng nguồn mạch đam mê, Giám đốc Trọng bộc bạch: “Văn hóa là sự tiếp biến không ngừng. Chủ thể văn hóa là những người đã sáng tạo ra các giá trị văn hóa. Chúng tôi phải tôn trọng các chủ thể văn hóa, tôn trọng những sản phẩm mà họ sáng tạo tại thời điểm đó, không gian đó.

Chính vì thế, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không bao giờ sử dụng kỹ sư, công nhân để xây dựng lại một hiện vật theo lối mô phỏng. Chúng tôi mua hiện vật của người dân, có chủ thể, địa chỉ rõ ràng, dù xa xôi, cách trở cũng tìm cách mang hiện vật về và thuê chủ nhân của nó dựng lại. Khi hư hỏng, phải mời họ đến để sửa chữa”. Được biết, ngoài bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn bảo tồn các di sản phi vật thể thông qua các sinh hoạt văn hóa dân gian như hát ca trù, ví, giặm, múa rối nước, hát then, hát xoan… và trưng bày hiện vật theo chuyên đề. Đây cũng chính là yếu tố giúp bảo tàng thu hút du khách từ mọi miền, các đoàn tham quan, học tập, nghiên cứu của các trường trong cả nước.

Mùa xuân lại về. Cán bộ, nhân viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang náo nức chuẩn bị các hoạt động trưng bày và tổ chức lễ hội để đón xuân, vui tết.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast