Dân ca ví, giặm - bản sắc người Xứ Nghệ

(Baohatinh.vn) - Trong lịch sử văn hiến của dân tộc, Xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh) đã thành một vùng văn hóa với những bản sắc rất dễ khu biệt với các vùng, các xứ khác trong nước. Người xứ Nghệ khác với người xứ Thanh, xứ Huế, xứ Quảng, xứ Lạng...

Giữa bao gương mặt, dáng điệu của trăm vùng, người ta vẫn dễ dàng phân biệt được người Xứ Nghệ với những nét riêng, gần gụi mà cao sang, chân mộc mà thanh tao, quê kiểng mà sâu sắc, thâm trầm mà hài hước, nghiêm cẩn, quyết liệt mà nhân ái, bao dung, gian khổ vẫn rất lạc quan, yêu đời.

Dân ca ví, giặm - bản sắc người Xứ Nghệ ảnh 1

Vùng đất non nước hữu tình đã sản sinh ra làn điệu dân ca ví, giặm có giá trị văn hóa cả về nội dung và nghệ thuật mang tầm cỡ nhân loại, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng dân cư Nghệ Tĩnh. Ảnh: Huy tuấn

Văn học nghệ thuật là tấm gương phản chiếu tâm hồn con người. Người Xứ Nghệ với bao cung bậc tình cảm yêu ghét, vui buồn, nhớ thương... đều gửi cả vào trong câu hát ví, giặm thiết tha, mặn nồng. Qua bao lớp sóng thời gian, cho đến hôm nay, trong mỗi con người Xứ Nghệ, dòng chảy của dân ca ví, giặm vẫn âm thầm, mãnh liệt trào dâng như tình yêu máu thịt với quê hương, con người chung thủy và mặn nồng:

Người ơi! Thuyền anh xuôi Chế sáu chèo

Thuyền em ngược Lạng cheo leo một mình.

(Ví đò đưa Sông La)

Người ơi! Bốn mùa xuân hạ thu đông

Thiếp ngồi canh cửi chỉ trông bóng chàng.

(Ví phường vải)

Mở đầu các bài ví thường là các câu hát: Người ơi, Hỡi là người ơi, Anh ơi, Này là bạn tình ơi!... như chất chứa tất cả tình yêu thương, như mời gọi, nhắn nhủ thiết tha. Người Nghệ có đặc điểm rất nổi bật, đó là lòng chung thủy, không chỉ trong tình yêu trai gái. Với con người, họ tình nghĩa vẹn toàn; với lý tưởng, họ son sắt không nhạt phai. Đã tin yêu ai là một lòng sau trước, đã nhớ thương ai là một lòng chờ đợi, dù cho vật đổi, sao dời. Đúng như câu châm ngôn: “Ăn có thể ăn nửa bữa, ngủ có thể ngủ nửa giấc, nhưng không thể đi nửa đường chân lý và yêu nhau bằng nửa trái tim”. Yêu đến điều, ghét đến độ nên khi bị phụ bạc, lãng quên, họ vô cùng đau khổ, rơi xuống đáy của nỗi buồn. Buồn nên giận trách, nhưng cái cách giận trách cũng chẳng giống nơi nào:

Trước mự nói mự thương

Cau dành để trên buồng

Tiền buộc chạc trong rương

Lợn ục ịch trong chuồng

Giừ mự nói... mự nỏ thương

Cau long hạt trên buồng

Tiền đứt chạc trong rương

Lợn bỏ cám trong chuồng

Bạc tình chi rứa mự?

Chi bạc tình rứa mự?

(Hát đối đáp ví giặm giao duyên)

Sống và yêu thương, rồi cất lên câu hát, đời cha ông trao truyền lại cho con cháu cái nghĩa tình chung thủy thông qua câu ví, giặm. Lời ca cũng chính là cuộc sống nội tâm, sâu sắc và đằm thắm, cao thượng và tinh tế:

Hò ơ... nghe tin anh đau đầu chưa khá

Em băng rừng bẻ lá về xông

Ở làm sao cho trọn đạo vợ chồng

Đổ mồ hôi em quạt, trộ gió nồng mà em che.

(Hò leo núi)

Tâm hồn người Xứ Nghệ luôn rộng mở, khoáng đạt, gắn bó với thiên nhiên và cộng đồng. Lao động trên sông nước, núi non, đồng ruộng hay xe tơ dệt vải ở quê nhà, họ cũng đều thể hiện tình yêu với quê hương, sự gắn kết với tập thể, cộng đồng... Một con thuyền xuôi dòng, câu hò đêm trăng cũng đủ làm xao động mặt nước. Một bát nước chè xanh, câu mời gọi cũng đủ làm râm ran cả trưa hè. Một đám tang, cả làng xúm vào giúp. Con gái gả chồng, cả xóm có trầu vui (thơ Nguyễn Sĩ Đại). Đời này qua đời khác, hôm qua vậy, hôm nay vậy và mai sau vẫn vậy:

Ơ là người ơi!

Chứ trèo truông mới biết truông cao

Chứ đã đi đò dọc lại ước ao con sông dài...

(Ví trèo non)

Thương nhau tam tứ núi cũng trèo

Ngũ lục giang cũng lội, thất bát cửu đèo cũng qua.

(Ví phường vải)

Dào dạt yêu thương, thủy chung son sắt, tâm hồn khoáng đạt, nhưng người Xứ Nghệ cũng rất dí dỏm và hài hước. Cái lối bông phèng, chơi chữ trong hát hò đối đáp, sử dụng thổ ngữ địa phương làm cho việc giao tiếp trở nên thân tình và cuộc sống trở nên nhẹ nhõm. Đã có một cách nói lối ở làng Yên Huy (Yên Lộc - Can Lộc) nhưng trong hát ví còn có nhiều câu đố tục giảng thanh, hát lên khiến hai bên nam nữ bấm nhau cười:

Đố: Đưa chàng một nạm ngô rang, đúc nơi mô cho mọc thiếp theo chàng về ngay.

Đáp: Chỗ nào nắng mãi không khô, mưa lâu không ướt đúc vô mọc liền.

Hát giặm cũng có nhiều lời kể rất mộc mạc mà dí dỏm, sử dụng nhiều thổ ngữ khiến người nghe rất vui:

Tay tui múc, miệng tui mời

Ruốc tui ngọt lắm bà ơi

Ngọt bằng năm ruốc bể

Ngọt bằng mười ruốc bể

(Vè giặm biến thể)

Trong bài giặm vè “Thần Sấm ngã”, tác giả Lê Thanh Bình đã châm biếm một cách sảng khoái, rất đậm chất Nghệ khi kể lại việc bắn cháy máy bay Mỹ:

Giừ tui đánh thằng Mỹ rồi

Tui nghĩ cũng tức cười

Trôốc thì nậy (lớn) hơn đuôi

Chui đàng mô cũng đạn

Lọt đàng nào cũng đạn.

Khi nghệ sĩ Xuân Năm hát cho Bác Hồ nghe bài giặm vè này trong lần Đoàn văn công nhân dân Hà Tĩnh vào thăm, Bác Hồ đã rất phấn khởi. Tâm hồn, cốt cách người Xứ Nghệ đã thấm vào máu thịt Bác từ những ngày ấu thơ, trong những đêm nghe hát phường vải nên dầu đi năm châu bốn bể, Bác vẫn là một người Nghệ từ giọng nói đến cốt cách và tâm hồn. Trước lúc đi xa cách đây 45 năm, Bác đã ao ước được nghe một câu ví quê nhà như khao khát trở về với hồn cốt quê hương.

Dân ca ví, giặm - bản sắc người Xứ Nghệ ảnh 2
Hát ví phường nón trong khuôn khổ hội thảo quốc tế về dân ca ví, giặm. Ảnh: Trung Hiếu

Nhà thơ Huy Cận đã đúc kết: “Tình Xứ Nghệ không mau, nhưng bền và sâu lắng”. Dễ hiểu vì sao đất này lắm ông nghè, ông trạng, lắm anh hùng, danh nhân. Ông đồ Nghệ là biểu tượng của tính cách ham học và chịu khổ, sống thanh tao, đạm bạc và luôn coi trọng danh dự gia đình, quê hương. Những người con của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Huy Cận, Xuân Diệu... đều uống chung dòng nước sông Lam, đều thấm thía nỗi đau mất nước, thấm đẫm hồn quê trong câu ví, giặm ngọt ngào và đều mang đậm bản sắc người Nghệ Tĩnh cống hiến cả cuộc đời cho quê hương, đất nước:

Ờ ơ... chớ ai biết nước sông Lam răng là trong, là đục

Thì biết sống cuộc đời răng là nhục, là vinh

Thuyền em lên thác xuống ghềnh

Nước non là nghĩa, là tình ai ơi.

(Hát ví Sông Lam)

Hôm nay, trai gái trên đất này đang nối gót cha ông học hành, tu luyện thành tài, bước tới đài vinh quang, làm đẹp thêm tâm hồn và cốt cách Xứ Nghệ, làm cho câu ví, giặm quê hương thêm đằm thắm, mượt mà. Đi khắp bốn phương, người Nghệ hôm nay vẫn giữ nét quê nhà, luôn coi trọng chữ tình, tâm hồn rộng mở và luôn lạc quan, yêu đời.

Người Xứ Nghệ sản sinh ra câu ví, giặm và ví, giặm đã làm nên bản sắc Xứ Nghệ. Ví, giặm vì thế vẫn trường tồn, trở thành chất liệu cho âm nhạc đương đại. Ngoài các tác giả tên tuổi như Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Ánh Dương, An Thuyên, Trần Hoàn... sử dụng chất liệu ví, giặm vào các sáng tác của mình và trở nên nổi tiếng, nhiều tác giả Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đã thành công khi sử dụng chất liệu ví, giặm để sáng tác nên nhiều tác phẩm có tiếng vang như: Hồ Hữu Thới, Tiến Dũng, Hồng Lựu, Quốc Nam, Ngọc Thịnh, Mạnh Chiến, Quốc Việt... Các ca khúc về Hà Tĩnh và Nghệ An, đặc biệt là Hà Tĩnh được người dân cả nước yêu thích như: Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Câu hò trên đất Nghệ An, Cô dân quân làng Đỏ, Hà Tĩnh mình thương, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh quê mình...

Cứ như thế, qua tháng năm, người Nghệ cùng câu ví, giặm đi khắp bốn phương trời, vun đắp thêm cốt cách người Việt nhưng vẫn lấp lánh bản sắc người Nghệ. Và dù ở đâu, khi câu hát ví, giặm cất lên, họ liền nhận ra nhau, xích lại gần nhau hơn, cùng lắng lại tâm hồn để hướng về quê hương, cùng với quê hương vượt qua khó khăn, xây đắp ngày mai đẹp giàu.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast