Để nghệ thuật thực sự lắng đọng và lan tỏa

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều chương trình nghệ thuật quy mô khá lớn, thu hút rộng rãi giới nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân theo dõi, thưởng thức. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức chương trình. Đó cũng là bài toán đặt ra để nghệ thuật thực sự lắng đọng và lan tỏa.

Từ thực tiễn biểu diễn…

Chưa đầy 1 tháng, trong tỉnh đã có 3 chương trình nghệ thuật: “Về miền địa linh”, “Thạch Hà vang mãi ngàn năm”, “Tiếng thơ ai động đất trời”. Mỗi chương trình một nội dung cốt lõi khác nhau, song đều hướng đến phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng. Thành công xuyên suốt trong các chương trình là đã chuyển tải những chủ đề trọng tâm đến khán giả. Đấy thực chất là sự truyền bá các giá trị truyền thống, giá trị văn hóa tiêu biểu bằng nghệ thuật.

Để nghệ thuật thực sự lắng đọng và lan tỏa ảnh 1

Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du tạo được ấn tượng và sức lan tỏa rộng lớn. Ảnh: Quang Sáng

Chẳng hạn, “Về miền địa linh”, nói ngắn gọn, ấy là tìm về miền non nước Nghi Xuân hữu tình, sản sinh nhiều văn nhân nức tiếng; “Thạch Hà vang mãi ngàn năm” là chuyện xưa, chuyện nay về đất Thạch Hà hơn ngàn năm hình thành và phát triển… Sự kiện văn hóa đã trôi qua, song đó đây, nhiều người vẫn tiếp tục bàn luận. Thực chất, đó là sự phản ánh tâm niệm của người thưởng thức đối với các chương trình. Điều này cho thấy, trên mảnh đất núi Hồng, sông Lam này, câu chuyện về nghệ thuật vẫn còn nhiều giá trị thời sự. Chẳng thế mà, các chương trình nghệ thuật đều thu hút hàng ngàn khán giả, trong đó, riêng “Tiếng thơ ai động đất trời” thu hút đến gần vạn người đến xem. Đấy là một khía cạnh của thành công, là hạnh phúc của những người làm nghệ thuật.

Những mong muốn và ý tưởng trong từng chương trình nghệ thuật đều đã được chuyển tải. Thế nhưng, cốt lõi là, những gì nghệ sĩ muốn thể hiện liệu đã tối ưu? Nội dung của chương trình nghệ thuật mà người nghệ sĩ xây dựng thực chất đã đi sâu vào lòng người? Đấy là cái căn bản của mỗi chương trình nghệ thuật. Điều này đòi hỏi phải có sự hội tụ từ nhiều tổ chức, cá nhân, kể cả những người không làm nghệ thuật, dĩ nhiên, trọng tâm vẫn là cá nhân biên tập, đạo diễn chương trình. Dư âm sau các buổi biểu diễn hoành tráng vừa qua, bên cạnh những lời khen vẫn có nhiều sự tiếc rẻ. Có nghệ sĩ cho rằng, có chương trình nghệ thuật còn chưa đúng trọng tâm, do đó, không lắng đọng và nhạt dần trong lòng khán giả. Có chương trình lại chưa thực sự có điểm nhấn, chưa làm lay động và tạo cảm xúc trong lòng công chúng.

Về thiết kế chương trình, một số chương trình nghệ thuật đã đưa vào các tiết mục hợp xướng, thu hút rất đông diễn viên, sử dụng nhiều hình thức biểu diễn mới, cách thể hiện âm nhạc mới… Điều này cho thấy, không khí nghệ thuật đương đại trong chương trình. Tuy nhiên, nếu liều lượng không đảm bảo, những tham vọng chuyển tải của đạo diễn sẽ thất bại. Lý do đơn giản là, công chúng thưởng thức nghệ thuật có những đòi hỏi riêng, không như đối tượng thưởng thức chuyên biệt. Về vấn đề này, nhạc sĩ, nghệ sỹ ưu tú Quốc Nam cho rằng: Trong chương trình nghệ thuật có tiết mục cần hợp xướng nhưng cũng có tiết mục chỉ cần một vài diễn viên mà nội dung chuyển tải rất lắng đọng và có điểm nhấn.

Để nghệ thuật thực sự lắng đọng và lan tỏa ảnh 2

Để có thể tự chủ việc sản xuất các chương trình chuyên nghiệp, bên cạnh đội ngũ làm nghệ thuật còn cần những cơ chế trong công tác quản lý.

Trong các chương trình nghệ thuật vừa qua, đội ngũ diễn viên quần chúng đã có những đóng góp quan trọng. Đối với chương trình “Về miền địa linh” có 60 người, “Thạch Hà vang mãi ngàn năm” 230 người, “Tiếng thơ ai động đất trời” có đến hàng trăm người. Điều này cho thấy trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ không chuyên. Thế nhưng, từ thực tiễn thưởng thức cũng như kinh phí để xây dựng chương trình, có thể thấy, việc huy động nhiều diễn viên đôi khi chưa hẳn đã phát huy tác dụng nghệ thuật. Nhiều người sẽ tạo độ sum suê, hoành tráng, nhưng cũng vì nhiều người mà làm phân tán sự tập trung, lấn át những trải nghiệm khi thưởng thức.

… đến những đòi hỏi khách quan

Đòi hỏi lớn nhất, đứng từ tâm lý công chúng tỉnh nhà, đấy là “chất Nghệ” trong chương trình nghệ thuật. “Chất Nghệ” này chính là sợi dây níu kéo công chúng với biểu diễn. Vậy, đâu là “chất Nghệ”? Trước hết đó là các làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh. Với công chúng tỉnh nhà, ví, giặm là hồn cốt. Mỗi câu ví, giặm vang lên đúng thời điểm luôn lấy được tình cảm đặc biệt của khán giả, có khi là những tràng pháo tay, có khi là những ngậm ngùi, ngân ngấn nước mắt. Cái chất ấy còn thể hiện ở không khí, khung cảnh chung, cụ thể là thiết kế sân khấu, đạo cụ, chẳng hạn như: áo tơi, nón lá, núi Hồng, sông Lam, là khung cảnh đượm màu ký ức... Và trên hết, đó là khí chất, tính cách người Nghệ.

Để nghệ thuật thực sự lắng đọng và lan tỏa ảnh 3

Ngoài lực lượng quần chúng tâm huyết, có trách nhiệm thì đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp của Hà Tĩnh còn nhiều hạn chế.

Người Nghệ trọng tình, mộc mạc và sâu lắng, không hào hoa, đa tình như xứ kinh Bắc, không vồn vã như nhiều nơi khác. Điều này giải thích tại sao, nhiều tình tiết sân khấu, khi diễn tả tâm trạng lúc gặp gỡ (sau tháng ngày chờ đợi), diễn viên cũng chỉ… cầm tay, ca lên vài câu, thế mà làm nức lòng già, trẻ. Từ đây, đòi hỏi lớn nhất của người làm nghệ thuật là phải biết tuyển lựa chi tiết tiêu biểu để diễn tả cái khí chất này. Phải làm sao cho nội dung gần gũi mà cách thể hiện thì phù hợp. Tất nhiên, trong chương trình, cần phải kết hợp các đòi hỏi mới về nghệ thuật như: diễn xuất, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng… nhưng phải đảm bảo độ vừa phải, phù hợp.

Trên thực tiễn, đội ngũ sáng tạo nghệ thuật ở Hà Tĩnh những năm qua vẫn miệt mài sáng tạo, đã có những đóng góp nhất định. Thế nhưng, việc sử dụng đội ngũ này như thế nào vẫn là những câu hỏi chưa được trả lời thấu đáo. Đội ngũ tác giả am hiểu dân ca, có khả năng đạo diễn tốt vẫn luôn sẵn lòng để được đặt niềm tin, đem tiềm lực của mình phục vụ công chúng. Lại nữa, với nghệ thuật, phải biết tranh thủ những cá nhân am hiểu, dầu cho họ tuổi đã cao, không còn công tác trong cơ quan hành chính.

Trong chương trình nghệ thuật, đội ngũ diễn viên là nơi chuyển tải và tỏa bóng các thông điệp, giá trị. Tuy nhiên, ngoài lực lượng quần chúng luôn sôi nổi và mê say, có trách nhiệm thì lực lượng diễn viên chuyên nghiệp của chúng ta còn nhiều hạn chế. Tuổi đời cao, lực lượng mỏng… đó là những rào cản không nhỏ. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cùng bàn bạc, có giải pháp để tạo nguồn đội ngũ. Đây là đội ngũ chuyên biệt, đòi hỏi lớn về tố chất, không như nhân lực trong các lĩnh vực khác, đôi khi muốn có thể có.

Từ phân tích trên, có thể thấy, để có chương trình nghệ thuật lắng đọng và lan tỏa là việc không dễ, đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó, có sự cầu thị của các nhà đạo diễn và nghệ sĩ. Về lâu dài, để Hà Tĩnh có thể tự chủ được việc sản xuất các chương trình, đi vào chuyên nghiệp thì bên cạnh đội ngũ làm nghệ thuật vẫn cần những cơ chế trong công tác quản lý.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast