Để người trẻ yêu thích dân ca

(Baohatinh.vn) - Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, dân ca ví, giặm vẫn có sức sống bền chặt trong lòng mỗi người dân Việt Nam, là nhịp cầu thời gian để mỗi người dân đất Việt trở về với cội nguồn dân tộc. Để bảo tồn và phát huy dân ca Xứ Nghệ, không có con đường nào khác là truyền thụ vốn âm nhạc cũng như khơi dậy tình yêu, niềm đam mê đối với di sản quý giá của quê hương cho thế hệ trẻ.

Từ năm 1998 đến nay, ngành Văn hóa huyện Nghi Xuân phối hợp với ngành Giáo dục đưa dân ca vào trường học dưới hình thức các tiết học ngoại khóa và lồng vào một số tiết học dân ca địa phương. Nằm trong hoạt động “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đưa dân ca vào trường học không chỉ giúp các em cảm nhận những giá trị to lớn của một loại hình nghệ thuật truyền thống, mà từ đó giúp các em biết trân trọng, yêu quý và đặc biệt là góp phần định hướng thị hiếu âm nhạc đang ngày càng trở nên lệch lạc trong giới trẻ hiện nay.

Việc tổ chức nhiều hơn các liên hoan, hội thi tiếng hát dân ca sẽ góp phấn đưa dân ca đến gần hơn với thế hệ trẻ
Việc tổ chức nhiều hơn các liên hoan, hội thi tiếng hát dân ca sẽ góp phấn đưa dân ca đến gần hơn với thế hệ trẻ

Không chỉ là các tiết học ngoại khóa, cứ 2 năm 1 lần, huyện Nghi Xuân lại tổ chức hội thi tiếng hát dân ca học đường. Trên sân khấu, các em được thể hiện khả năng hát dân ca một cách rất đa dạng. Từ chỗ hiểu rõ các làn điệu và biết nghe dân ca, các em đã yêu và có thể hát thành thạo các loại hình dân ca. Ngoài những hạt nhân xuất sắc được phát hiện và bồi dưỡng tham gia các hội diễn lớn thì đa số học sinh đều biết hát dân ca, ít nhất là những làn điệu đơn giản như ví, hò khoan đi đường, hò bơi thuyền…

Ông Trịnh Ngọc Châu - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Phong trào đưa dân ca vào trường học do huyện Nghi Xuân triển khai là một trong những cách làm hay, nhằm thu hút giới trẻ đến với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Sở VH-TT&DL đang có kế hoạch, năm 2015 sẽ phối hợp với ngành Giáo dục nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, dân tộc”. Cũng theo ông Trịnh Ngọc Châu, để đưa dân ca ví, giặm đến gần hơn với giới trẻ, Sở

VH-TT&DL phối hợp với Đài PT–TH tỉnh tổ chức dạy hát dân ca trên sóng truyền hình, nhưng chưa thu hút được nhiều bạn trẻ. Năm 2015, chương trình sẽ được tổ chức lại với nội dung hấp dẫn hơn.

Đầu năm 2014, Sở VH-TT&DL cũng đã mở hội trại sáng tác về đề tài dân ca ví, giặm. Hội trại thu hút đông đảo những hạt nhân sáng tác chuyên và không chuyên tuổi từ 18–30 tham gia. Ngoài ra, trong các cuộc liên hoan, hội diễn, hội thi của các ngành, địa phương, hát dân ca được thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa nên ngày càng có nhiều người trẻ tham gia...

Thực tế cho thấy, âm nhạc dân gian, đặc biệt là dân ca ví, giặm thời gian qua đã có chỗ đứng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại mang đến nhiều thứ văn hóa đan xen, khiến đại đa số người trẻ không mấy mặn mà với dân ca Xứ Nghệ. Làm thế nào để giới trẻ không “quay lưng” với loại hình nghệ thuật truyền thống này vẫn là câu hỏi khó với những người ngày đêm đau đáu với việc bảo tồn, phát huy di sản dân ca ví, giặm. Chương trình dạy hát dân ca trong trường học chính là giải pháp cơ bản và quan trọng nhất để truyền bá, giáo dục lòng yêu mến và tự hào với những di sản âm nhạc dân gian.

Để đưa dân ca ví, giặm vào trường học, cần sự vào cuộc và nỗ lực thực sự của các cấp, ngành, nhà trường và toàn xã hội. Không chỉ dạy hát, học hát, ngành Giáo dục cần đa dạng hóa các hoạt động để học sinh được tìm hiểu nhiều hơn về dân ca như: sinh hoạt câu lạc bộ, phát thanh măng non, mời nghệ nhân nói chuyện, tổ chức hội thi tiếng hát dân ca... Có thể tổ chức cuộc vận động sưu tầm các làn điệu, bài hát trong kho tàng ca dao, dân ca hay cuộc thi viết lời mới cho các làn điệu dân ca trong học sinh để các em thêm hiểu biết và yêu mến dân ca quê hương mình. Bên cạnh đó, nội dung giảng dạy, biểu diễn cũng cần phong phú và đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy dân ca để thích ứng với đặc thù của nó thì mới thu hút và tạo được hiệu ứng tốt trong các nhà trường.

Trong điều kiện dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm lại đặt ra nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Cách hay nhất, đúng đắn nhất là trao truyền vốn âm nhạc dân gian cũng như tình yêu và trách nhiệm đối với di sản quý của quê hương cho thế hệ tương lai, để các làn điệu, bài hát trong kho tàng ca dao, dân ca luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của lớp trẻ hôm nay và mai sau.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast