Điện ảnh Việt 2009 vượt truyền hình

Trong khi điện ảnh như cô Tấm lột xác khoác váy mới khoe sắc tại các liên hoan phim, thì người chị em của nó - truyền hình - lười nhác mặc lại những bộ cánh cũ từ mùa trước.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận giải Bông sen vàng cho phim "Đừng đốt". Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận giải Bông sen vàng cho phim "Đừng đốt". Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.

2009 là năm xuất hiện hàng loạt tác phẩm điện ảnh có giá trị cao. Các nhà làm phim đã dung hòa được cả hai yếu tố nghệ thuật và giải trí với những thước phim đẹp, âm nhạc tinh tế hỗ trợ nội dung.

Ở dòng nghệ thuật được xem là kén khán giả, Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng, Đừng đốt gây được chú ý không chỉ ở các liên hoan mà còn trụ ở phòng vé 2-3 tuần, điều mà trước đây ít phim làm được. Ba tác phẩm - ba vấn đề - ba thời điểm nhưng đều có cách thể hiện tinh tế, tính biểu tượng cao, chạm vào được cảm xúc của khán giả, không quá khó hiểu và cứng nhắc.

Phim giải trí chú trọng khai thác tối đa yếu tố thị hiếu khán giả nhưng không bị sượng, thể loại phong phú hơn, không xào mãi món cũ là hài. Bẫy rồng với sự xuất hiện của cặp diễn viên hot Johnny Trí Nguyễn - Ngô Thanh Vân đã xóa đi những ác cảm của người xem về việc phim hành động Việt Nam làm chưa tới. Trong khi đó, Khi yêu đừng quay đầu lại, dưới bàn tay của Nguyễn Võ Nghiêm Minh lại là một thế giới liêu trai mang màu sắc huyền bí, lãng mạn, không rùng rợn như Mười hay Chết lúc nửa đêm. Những nụ hôn rực rỡ của Quang Dũng là sự theo mốt kịp thời của dòng phim ca nhạc. Dũng “Khùng” bỏ lại bộ phim hài Nhật ký Bạch Tuyết mà anh làm biên kịch cho Trần Bảo Trung đạo diễn để chứng tỏ sự nhạy bén và có chút liều lĩnh của mình. Thể loại hành động, ca nhạc, liêu trai quá quen thuộc trên thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn là sự “cũ người mới ta”, đem đến cho khán giả nhiều lựa chọn.

Hồng Ánh nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc cho vai diễn trong "Trăng nơi đáy giếng" tại liên hoan phim Cánh diều vàng. Ảnh: Hoàng Hà.

Hồng Ánh nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc cho vai diễn trong "Trăng nơi đáy giếng" tại liên hoan phim Cánh diều vàng. Ảnh: Hoàng Hà.

Hàng loạt tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao trong cả hai năm 2008-2009, đã hội ngộ xôm tụ tại giải Cánh diều vàng và liên hoan Bông sen vàng được tổ chức năm nay. Cánh diều vàng là sự đua tranh của Huyền thoại bất tử, Trăng nơi đáy giếng, Chuyện tình xa xứ, Đẹp từng centimet, Giải cứu thần chết. Chung cuộc, hai đại diện của dòng nghệ thuật là Huyền thoại bất tử, Trăng nơi đáy giếngchung nhau Cánh diều bạc, dòng giải trí nhận giải khuyến khích cho Chuyện tình xa xứ. Trong khi đó, ở Bông sen vàng, dòng nghệ thuật càng áp đảo hơn với cả số lượng tham gia lẫn giải thưởng quan trọng giành được. Đừng đốtgiành Bông sen vàng và Giải thưởng báo chí. Bông sen bạc thuộc về Trăng nơi đáy giếngRừng đen. Bằng khen của BGK được trao cho Trái tim bé bỏng, Huyền thoại bất tử. Bùi Thạc Chuyên được vinh danh là Đạo diễn xuất sắc với Chơi vơi. Phim giải trí an ủi với Giải thưởng do khán giả bầu chọn cho 14 ngày phép.

Điều cả khán giả lẫn các nhà làm phim, nhà phê bình điện ảnh đều hân hoan là sự khẳng định mình của điện ảnh Việt Nam tại một loạt liên hoan phim quốc tế. Với Chơi vơi, lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện ở ngày hội điện ảnh quốc tế lâu đời nhất thế giới như Venice và giành được giải thưởng của Liên đoàn các nhà phê bình phim quốc tế (FIPRESCI). Bộ phim này đã chu du qua các liên hoan phim như Toronto, Vancouver, London, Bangkok, Pusan, nhận được những đánh giá rất cao, có những suất chiếu hàng nghìn người. Hồng Ánh với vai diễn trong Trăng nơi đáy giếng giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc LHP Dubai. Bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh dựa theo cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch chọn làm phim đại diện Việt Nam tham gia tranh giải Oscar của Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ 2010. Đừng đốt từng đoạt giải thưởng duy nhất tại Liên hoan phim Fukuoka tại Nhật Bản, lấy nhiều nước mắt người xem và được mời tham gia trình chiếu trong chương trình Cửa sổ châu Á của Liên hoan phim Pusan Hàn Quốc. Phim cũng được chiếu tại 14 trường đại học của Mỹ. Theo báo Thể Thao Văn Hóa, Giáo sư Bruno Bosacchi, giảng viên Đại học danh tiếng Princeton University, có nhận xét: “Đừng đốt là bộ phim hay nhất về chiến tranh Việt Nam mà tôi từng được xem”.

Phim truyền hình bị Hàn hóa và chưa chuyên nghiệp

Nở rộ phim Việt trên giờ vàng: Lập trình cho trái tim, Xin lỗi tình yêu, Có lẽ nào ta yêu nhau, Cô nàng bất đắc dĩ, Ngôi nhà hạnh phúc… nhưng nhiều phim trong số đó chưa hấp dẫn và bị đánh giá là chưa xứng với giờ vàng. Có lẽ nào ta yêu nhau được khán giả đặt cho cái tên hài hước Có lẽ nào tắt ti viXin lỗi tình yêu theo khán giả nên sửa thành Xin lỗi người xem. Các phim tập trung vào đề tài cuộc sống, tình yêu của một bộ phận thanh niên giàu có, không đa dạng và có tính chất phản ánh, cảnh tỉnh như Chạy án, Ma làng từng gây sốt năm 2008.

Lương Mạnh Hải bị chê về diễn xuất khi vào vai anh chàng lắm điều trong "Ngôi nhà hạnh phúc". Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.

Lương Mạnh Hải bị chê về diễn xuất khi vào vai anh chàng lắm điều trong "Ngôi nhà hạnh phúc". Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.

Việc tiếp tục Việt hóa các kịch bản nổi tiếng nước ngoài: Cô nàng bất đắc dĩ (từ kịch bản Lalola - Argentina), Ngôi nhà hạnh phúc (Full house - Hàn Quốc), Có lẽ nào ta yêu nhau (Anh em sinh đôi - Hàn Quốc) cũng chưa thành công, nhiều yếu tố gượng ép, không thuyết phục được khán giả và vấp phải nhiều sự chê bai của công chúng. Trong khi đó, Những người độc thân vui vẻ Việt hoá từ kịch bản Trung Quốc từng được nhà đài công bốsẽ kéo dài trong 2 năm với khoảng 500 tập đã phải ngừng ở tập 171. Theo nhà văn Phạm Ngọc Tiến, biên tập chính của phim, đây là sự dừng lại tất yếu khi chất lượng bộ phim đi xuống, thất bại trong việc đem tiếng cười của người khác thành của mình và nhất là thất bại về uy tín và danh dự nghề nghiệp.

Những bộ phim hoàn toàn “made in Việt Nam” như Lập trình cho trái tim, Xin lỗi tình yêu không vay mượn kịch bản nhưng vẫn đậm hơi hướng Hàn Quốc từ cách xây dựng tình huống, lựa chọn diễn viên trẻ đẹp, cách thực hiện cảnh quay. Chính vì thế, những phim “vàng” này tỏ ra yếu thế trước các phim Hàn chính gốc không chiếu giờ vàng như Vườn sao băng, Phía đông vườn địa đàng, Nàng Hwangjini.

Quy trình sản xuất những bộ phim truyền hình cũng cho thấy tính không chuyên nghiệp. Với quan niệm lựa chọn người đep, nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực vào phim để tạo sức hút cả về mặt truyền thông lẫn khán giả, êkíp Trần Thủ Độ đã gặp một phen lao đao khi Á hậu Dương Trương Thiên Lý từ vai. Diễn viên chính cho rằng phim có nhiều cảnh nhạy cảm ảnh hưởng đến hình ảnh của cô, trong khi thành viên đoàn làm phim lại cho biết cô không có khả năng đảm nhận vai. Cô nàng bất đắc dĩ cũng gặp nhiều rắc rối khi “thay ngựa giữa đường”. Đạo diễn Hồng Ngân nói, chị bỏ vai trò đạo diễn ở tập 20 vì bị xúc phạm trong khi phía Công ty Kiết Tường, đơn vị đầu tư, cho rằng đây là hợp đồng dịch vụ nên có quyền ngưng hợp đồng "theo yêu cầu của phim truyện" và vì lý do khách quan. Hai bên đưa nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp. Trước đó, bộ phim này cũng gây ra lùm xùm quanh việc một diễn viên trong đoàn kiện đạo diễn vì bị ngừng vai.

Không chỉ nhiều tồn tại về nội dung, cách thực hiện, phim truyền hình còn bị khán giả phàn nàn về việc thời lượng quảng cáo dài ngang thời lượng phim. Phim bị cắt vụn bởi quảng cáo dẫn đến mạch cảm xúc bị ngắt quãng, gây khó chịu cho người xem.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast