Đưa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) vào cuộc sống

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, với 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp lớn, cùng với Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng, là chiến lược văn hóa của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Là vùng đất có truyền thống văn hóa và cách mạng lâu đời, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã bắt nhịp nhanh chóng với tinh thần của nghị quyết. Ngày 5/10/1998, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã họp và ban hành Nghị quyết số 11-NQ/T.U (gọi tắt là NQ 11) về xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh theo tinh thần NQ T.Ư 5 (khóa VIII). Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 11 đã thực sự thấm vào cuộc sống, góp phần tạo nên sự phát triển nhanh, bền vững trên mọi mặt KT - XH...

TS Võ Hồng Hải – Giám đốc Sở VH–TT&DL: Thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế

Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) đã góp phần to lớn giải quyết những vấn đề về xây dựng con người mới, môi trường văn hóa, bảo tồn các giá trị truyền thống... Tuy nhiên, để văn hóa làm tròn sứ mệnh cao cả là “nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực của sự phát triển”, theo tôi, cần tập trung cao cho việc nghiên cứu, hoạch định và thực thi 2 nhóm chính sách quan trọng: kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế.

Chính sách kinh tế trong văn hóa nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa. Ví dụ như mở rộng các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; cải tiến chế độ tài trợ, đặt hàng; quy định chế độ đặc thù cho các doanh nghiệp (DN) trong ngành Văn hóa; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, liên doanh, liên kết… Bài học rõ nhất cho nhóm giải pháp này là việc phát triển các ngành công nghiệp giải trí, điện ảnh, thời trang, truyền thông… thành ngành kinh tế chủ lực như ở Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Singapore… Và trên thực tế, nó không chỉ đơn thuần là lợi nhuận của DN mà còn có giá trị quảng bá thương hiệu quốc gia, dân tộc.

Chính sách văn hóa trong kinh tế bảo đảm cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, từ việc hoạch định chiến lược kinh tế (vĩ mô) và các hoạt động cụ thể (vi mô). Ví dụ như việc xây dựng các mục tiêu, giải pháp kinh tế phải gắn với mục tiêu, giải pháp văn hóa, chăm lo con người, nêu cao đạo đức trong SXKD (văn hóa doanh nhân, DN…); chú ý tính thẩm mỹ, bản sắc dân tộc, địa phương hài hòa với yêu cầu hiện đại trong quy hoạch, xây dựng, kiến trúc các khu đô thị, khu công nghiệp..; trong việc xây dựng các công trình lớn phải tính đến một số thiết chế văn hóa, đồng thời đảm bảo cảnh quan môi trường cho các di tích, danh thắng. Nghiên cứu ban hành, thực hiện một số chính sách miễn giảm thuế cho các DN, cá nhân vào sự phát triển văn hóa…

Đối với Hà Tĩnh, tôi nghĩ rằng đây là thời điểm thuận lợi nhất cho việc xây dựng, ban hành và thực hiện 2 nhóm chính sách này và trong thực tiễn quản lí, điều hành, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhất là người đứng đầu bộ máy hành chính nhà nước đã nhận thức được và có quyết tâm rất cao, vấn đề còn lại là trách nhiệm của các cơ quan tham mưu như Kế hoạch, Tài chính, Xây dựng… và ngành VH-TT&DL.

Anh Nguyễn Xuân Hùng - Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh: Ngăn ngừa sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong giới trẻ

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), các cấp bộ đoàn đã duy trì và đẩy mạnh hoạt động phong trào, qua đó thực hiện tốt công tác giáo dục, giúp thanh niên tìm hiểu, xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống cách mạng, tăng cường giáo dục các giá trị truyền thống dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn được chú trọng. Hoạt động tại chi đoàn từng bước có những chuyển biến, nắm bắt được nhu cầu, sở thích của thanh niên, tập hợp được thanh niên tham gia vào các hoạt động của chi đoàn, chi hội. Chủ động tổ chức các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, truyền thống, pháp luật, lối sống và các hoạt động TDTT, VHVN, tình nguyện tại cơ sở.

Tuy còn những mặt hạn chế, nhưng việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thật sự thiết thực góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, khôi phục được những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc như truyền thống tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, cưu mang, đùm bọc nhau trong sản xuất và đời sống… Có tác dụng quan trọng trong việc răn đe, ngăn ngừa sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, ĐVTN.

Nhà văn Phan Trung Hiếu – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh: Tiếp tục xây dựng VHNT Hà Tĩnh trong tình hình mới

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), 15 năm qua, Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động sáng tác, nâng cao chất lượng tác phẩm, quảng bá, phổ biến tác phẩm. Hội cũng hết sức quan tâm đến công tác phát hiện, đào tạo tài năng. Đội ngũ văn nghệ sĩ Hà Tĩnh đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Từ 100 hội viên năm 1998, đến nay, Hội đã có 189 hội viên, trong đó có 50 hội viên chuyên ngành T.Ư.

Các trại sáng tác trong và ngoài tỉnh đã tạo môi trường sáng tác, sáng tạo cho văn nghệ sĩ. Đến nay, đã có hơn 240 đầu sách của tập thể và hội viên, CTV được xuất bản. Hàng chục lượt hội viên đã

giành được các giải thưởng, tặng thưởng qua các cuộc thi, các kỳ liên hoan, triển lãm, hội diễn, các đợt vận động sáng tác của T.Ư, khu vực và của tỉnh, đóng góp vào nền VHNT nước nhà những tác phẩm có giá trị. Tạp chí Hồng Lĩnh của Hội từ 3 tháng/kỳ, nay ra 1 tháng/kỳ, là diễn đàn VHNT của hội viên, cộng tác viên trong và ngoài tỉnh. Trung tâm giới thiệu tác phẩm VHNT và Website của Hội đã đưa các sáng tác tới công chúng một cách rộng rãi, trực tiếp. Những hoạt động như Ngày thơ Việt Nam, liên hoan, triển lãm nghệ thuật, xuất bản các ấn phẩm chuyên đề, các CLB thơ nhạc... cũng góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân.

Để tiếp tục xây dựng, phát triển VHNT trong tình hình mới, Hội sẽ nỗ lực chăm lo xây dựng đội ngũ, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về cơ chế, chính sách đối với văn nghệ sĩ, đặc biệt là chú trọng phát hiện, chăm sóc với các văn nghệ sĩ trẻ có tài năng và thế hệ văn nghệ sĩ cao tuổi đã có nhiều cống hiến; khuyến khích nghệ sỹ phát huy sứ mệnh nghệ sỹ - chiến sỹ, nỗ lực phấn đấu sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, góp phần phụng sự công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, đất nước.

Nhà giáo ưu tú Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD-ĐT: Bồi đắp nét đẹp văn hóa truyền thống cho học sinh

15 năm qua, ngành GD-ĐT Hà Tĩnh đã quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 11 của BCH Đảng bộ tỉnh. Đó là việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, các phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Đưa dân ca vào trường học”, chương trình “Rạng rỡ Hồng Lam”, “Theo dòng lịch sử”… và cùng với nhiều hoạt động văn hóa khác được lồng ghép trong các sinh hoạt ở nhà trường.

Đặc biệt, từ năm 2008, khi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát động phong trào nhận chăm sóc, bảo vệ các khu di tích lịch sử, văn hóa của địa phương, nhiều trường học đã có những việc làm hay, ý nghĩa. Thông qua những việc làm ấy, các em hiểu hơn, yêu hơn truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương, các danh nhân văn hóa của quê hương, đất nước…

Hiện nay, toàn ngành đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về GD&ĐT, tiếp tục lồng ghép các hoạt động văn hóa trong tuổi trẻ học đường để các em được học tập và sinh hoạt trong môi trường thân thiện, gần gũi; trường học, lớp học như ngôi nhà chung. Mỗi cán bộ, giáo viên phải thật sự là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Các trường học tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, nhất là đối với môn Văn học và Lịch sử; làm cho học sinh hứng thú học tập, từ đó giáo dục để các em trở thành những con người có tâm hồn, tình cảm trong sáng, có lòng yêu nước nồng nàn, có ý thức tự cường dân tộc và làm chủ xã hội, biết gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của quê hương.

Truyền thống hiếu học vốn là bản sắc của người Hà Tĩnh, giáo dục Hà Tĩnh phải phấn đấu để ngày càng có thêm nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, học sinh đỗ vào các trường đại học; sau khi ra trường, các em có tay nghề cao phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH quê hương, đất nước. Đó cũng chính là sức mạnh của văn hóa trong môi trường giáo dục.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast