Giải mã hệ thống chữ viết trên chiếc la bàn cổ

Sau khi Hà Tĩnh Online đăng tin “Thêm một chiếc la bàn độc đáo làm từ ngà voi”, ngày 10/12/2010, ông Bùi Văn Chất trú tại số nhà 04, đường Nguyễn Kiệm, thành phố Vinh (Nghệ An) đã chuyển đến tác giả lời bàn về “Chữ trên một chiếc la bàn cổ”. Để cung cấp thêm những thông tin chiếc la bàn, xin chuyển lời bàn trên đến Hà Tĩnh Online để các bạn tham khảo.

>>Thêm một chiếc la bàn độc đáo làm từ ngà voi

La bàn là dụng cụ định hướng trên trái đất nhờ có chiếc kim nam châm (tức kim chỉ nam) có thể quay tự do trên một trục cố định và luôn quay về hướng Bắc - Nam. Theo đó, ta xác định được các hướng Đông - Tây - Bắc - Nam, hay bất kỳ một phương vị nào tuỳ theo yêu cầu của người sử dụng.

La bàn có nhiều loại chuyên dụng: đi biển, vào rừng, qua sa mạc, bay trên bầu trời... Xưa nhất và cầu kỳ nhất là loại dùng để tìm hướng đất tốt nên còn gọi là địa bàn.

Để tìm hướng đất người ta dựa vào các ký tự có trên địa bàn đã được chia đều các cung theo từng vòng, mỗi vòng có một ý nghĩa nhất định.

Chiếc la bàn của cụ Lương Hữu Dụng ở xã Sơn Mỹ (Hương Sơn) đã được chuyển về Bảo tàng Hà Tĩnh để bảo quản
Chiếc la bàn của cụ Lương Hữu Dụng ở xã Sơn Mỹ (Hương Sơn) đã được chuyển về Bảo tàng Hà Tĩnh để bảo quản

Đơn cử như chiếc la bàn có hộp hình vuông bằng ngà voi, được biết là của cụ Lương Hữu Dụng, người Hương Sơn (Hà Tĩnh), nay được chuyển về Bảo tàng Hà Tĩnh. Chiếc la bàn này có 4 vòng tròn đồng tâm O (1,2,3,4), tâm của vòng tròn (V0).

0 là hộp kim la bàn, các cụ ngày xưa gọi là “Tróc long” (bắt long mạch) chứa kim nam châm và mặt tròn khắc dấu cố định chỉ hướng. Linh kiện này nếu là sản phẩm của phương Tây sẽ có các ký hiệu: N (North: chính Bắc); S (South: chính Nam); E (Eats: chính Đông); W (West: chính Tây), hoặc chỉ có 2 ký hiệu N và S như la bàn trên (xem ảnh); nếu do phương Đông chế tạo sẽ có ký tự: 北 南 東 西 (Bắc - Nam - Đông - Tây). Đang dùng tốt là những chiếc la bàn có đường ON kéo dài qua tâm cung Tý (子), ứng với 00/3600., Theo đó OS kéo dài sẽ qua tâm cung Ngọ (午) ứng với 1800/3600. Nếu không, phải chỉnh lại thì mới dùng được.

V1 có 24 cung, ở giữa có một chấm biểu thị của 24 sơn.

V2 là ký tự của 24 sơn tương ứng, cứ 2 sơn ứng với 1 cung của Thập nhị địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi (ngày nay có người gọi Thập nhị địa chi là 12 con giáp là không có cơ sở). Theo sách xưa chỉ có lục giáp: Giáp Tý, Giáp Tuất, Giáp Thân, Giáp Ngọ, Giáp Thìn và Giáp Dần. Từ đó suy ra Lục thập hoa giáp. 24 sơn (tính theo chiều kim đồng hồ) là: Nhâm - Tý - Quý: ứng với cung Khảm trong bát quái, là phương chính Bắc; Sửu - Cấn - Dần: ứng với cung Cấn trong bát quái, là phương Đông Bắc; Giáp - Mão - Ất: ứng với cung Chấn trong bát quái, là phương chính Đông; Thìn - Tốn - Tý: ứng với cung Tốn trong bát quái, là phương Đông Nam; Bính - Ngọ - Đinh: ứng với cung Ly trong bát quái, là phương chính Nam; Mùi - Khôn - Thân: ứng với cung Khôn trong bát quái, là phương Tây Nam; Canh - Dậu - Tân: ứng với cung Đoài trong bát quái, là phương chính Tây; Tuất - Càn - Hợi: ứng với cung Càn tròng bát quái, là phương Tây Bắc.

V3 gồm 72 cung, tức 72 hầu, 72 hầu được hình thành bởi: Lục thập hoa giáp (từ Giáp Tý đến Quý Hợi); Bát can (Thập can trừ Mậu, Kỷ); Tứ duy (Cấn, Tốn, Khôn, Càn).

72 hầu nói trên được sắp xếp cũng theo chiều kim đồng hồ:

- Hệ Lục thập hoa giáp: Giáp Tý, Bính Tý, Mậu Tý (trên tia 00), Canh Tý, Nhâm Tý; Ất Sửu, Đinh Sửu, Kỷ Sửu, Tân Sửu, Quý Sửu; Bính Dần, Mậu Dần, Canh Dần, Nhâm Dần, Giáp Dần; Đinh Mão, Kỷ Mão, Tân Mão, Quý Mão, Ất Mão; Mậu Thìn, Canh Thìn, Nhâm Thìn, Giáp Thìn, Bính Thìn; Kỷ Tỵ, Tân Tỵ, Quý Tỵ, Ất Tỵ, Đinh Tỵ; Canh Ngọ, Nhâm Ngọ, Giáp Ngọ, Bính Ngọ, Mậu Ngọ; Tân Mùi, Quý Mùi, Ất Mùi, Đinh Mùi, Kỷ Mùi; Quý Dậu, Ất Dậu, Đinh Dậu, Kỷ Dậu, Tân Dậu; Giáp Tuất, Bính Tuất, Mậu Tuất, Canh Tuất, Nhâm Tuất; Ất Hới, Đinh Hợi, Kỷ Hợi, Tân Hợi, Quý Hợi.

- Hệ Bát Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Nhâm, Quý được xen vào các vị trí sau: Giáp xen giữa Giáp Dần và Đinh Mão; Ất xen giữ Ất Mão và Mậu Thìn; Bính xen giữ Đinh Tỵ và Canh Ngọ; Đinh xen giữ Mậu Ngọ và Tân Mùi; Nhâm xen giữ Bính Thìn và Giáp Tý; Quý xen giữ Nhâm Tý và Ất Sửu.

- Hệ Tứ duy: Càn xen giữa Nhâm Tuất và Ất Hợi; Cấn xen giữa Quý Sửu và Bính Dần; Tốn xen giữ Bính Thìn và Kỷ Tỵ; Khôn xen giữa Kỷ Mùi và Nhâm Thân.

Ẩn trong 72 hầu nói trên là Hành (theo Ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ), của mỗi cung theo dịch lý.

Muốn biết hành của mỗi hầu, đối với la bàn có đường kính lớn, hành được ghi ở vòng kế tiếp. Nếu không như chiếc la bàn này phải tra theo bảng có sẵn trong sách hoặc tính nhẩm theo luật vận hành được ghi nhớ bằng 4 câu thơ sau: “Tý Ngọ: Ngân - Đăng - Giá - Bích - Câu; Tuất Thìn: Yên - Mãn - Tự - Chung - Lâu; Dần Thân: Hán - Địa - Thiêu - Sài - Thấp; Lục giáp luân lưu bất ngoại cầu”.

子 午:銀 - 燈 - 架 - 壁 - 溝

戌 辰: 煙 - 滿 - 寺 - 鍾 - 樓

寅 申: 漢 - 地 - 燒 - 柴 - 濕

六 甲 輪 流 不 外 求

V4 gồm 12 hình vẽ của 12 con vật, biểu tượng của 12 địa chi: Tý - Chuột; Sửu - Trâu; Dần - Hổ; Mão – Mèo (đây là dấu hiệu cho biết hộp la bàn này được chế tác tại Việt Nam, nếu là sản phẩm của phương Bắc thì Mão được thể hiện hình con Thỏ); Thìn - Rồng; Tỵ - Rắn; Ngọ - Ngựa; Mùi - Dê: Thân - Khỉ; Dậu - Gà; Tuất - Chó; Hợi - Lợn.

Dựa vào lý thuyết cơ bản, ông Bùi Văn Chất bổ sung một số kiến thức ban đầu và làm rõ thêm một vài điều cần biết khi sử dụng cũng như giá trị của chiếc la bàn bằng ngà voi được phát hiện ở xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast