Gìn giữ cho muôn đời sau

(Baohatinh.vn) - Từ lâu, người già đã được xem là vốn quý. Họ cất giữ ký ức thời đại để tiếp sức cho thế hệ tiếp theo. Bằng vốn hiểu biết và tâm niệm đối với quê hương, đất nước, nhiều người già đã đóng góp lớn cho quá trình khôi phục sức sống của di sản, làm tươi đẹp thêm, sinh động thêm nét bản sắc của mỗi vùng quê Hà Tĩnh.

Gìn giữ cho muôn đời sau ảnh 1
Ông Nguyễn Viết Lượng mở hòm đựng sắc phong tại Di tích văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Nguyễn Viết Phúc (xã Quang Lộc) để kiểm tra.

Cụ Dương Xuân Định (97 tuổi) ở xã Thạch Lạc được nhiều người dân vùng bãi ngang huyện Thạch Hà biết đến không chỉ với quá trình tham gia hoạt động tại xã qua nhiều chức vụ mà còn với vốn Hán học sâu sắc và lòng nhân từ, độ lượng.

Học chữ Hán từ năm 1929-1935 tại nhà thầy Dương Khắc Hoàn ở Thạch Khê, cụ khá am tường từng tên gọi xã cũ, làng cũ thuộc vùng bãi ngang huyện Thạch Hà. Đến nay, cụ đã dịch hàng trăm sắc phong cho các di tích lịch sử và các nhà thờ họ. Mỗi việc cụ làm đều xuất phát từ thiện tâm, thành ý. Đặc biệt, cụ có đóng góp lớn cho việc dịch, quảng bá, bảo lưu các di tích lịch sử trên địa bàn xã Nam Trị cũ.

Cụ kể: qua quá trình tham gia hoạt động, cụ biết tại đền Sắc (nằm trong quần thể di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc) còn lưu giữ nhiều sắc phong, song không mấy ai quan tâm, tìm hiểu. Cụ xin ý kiến xã, được tiếp cận hòm sắc. Đó là năm 1982, khi ấy, trong hòm sắc có cuốn Luận tích thần Tam Lang; sổ lệ đền Trung; cuốn ghi các đạo sắc qua các đời; cuốn phó úy của chùa Tăng Phúc và 2 chỉ thị cầu đảo (tức cầu mưa) thuộc đời Minh Mệnh năm thứ 8 và Tự Đức năm thứ 3.

“Tôi nói với các ông lãnh đạo xã, mấy tài liệu này rất quý giá, nếu để ở đền thì mối mọt sẽ làm hư hỏng. Vì thế, tôi xin các ông mang về để chỉnh sửa, dán nối, có thứ tôi mua giấy về ghi lại và dịch dần dần, rồi đóng thành bìa cho dễ bảo lưu. Tổng số có 58 đạo sắc” – cụ nhớ lại.

Từ những đóng góp này, những tài liệu về các di tích quan trọng tại xã đã dần được tuyên truyền trên loa truyền thanh để nhân dân hiểu.

Tiếp cận từ các tài liệu do cha ông để lại, cụ cho hay, đền Sắc thực chất là đền thờ thần Tam lang, được xây dựng vào thế kỷ XVI. Tại xã có 3 đền thờ thần Tam lang. Địa điểm hiện nay của đền trước đây thờ ông Hai, tức là đền Trung, 2 đền thờ khác thờ ông Một và ông Ba (đền Thượng và đền Hạ) nay không còn dấu vết. Còn cuốn phó úy chùa Tăng Phúc trong bản tấu đầu tiên có cho biết năm làm chùa: năm Bính Dần niên hiệu Khai Thái (1326) đời vua Trần Minh Tông, chùa làm bằng tre nứa. Hiện trạng chùa như hiện nay là do quá trình tôn tạo, tu sửa qua nhiều thời đại mà thành.

Không chỉ tiếp cận qua các đạo sắc, cụ Xuân Định còn tích hợp kiến thức qua những thao tác tìm hiểu, đối chứng khác nhau để hiểu về di tích trên địa bàn xã. Năm 2013, cụ dịch sắc phong cho đền Tam Lang ở xã Thạch Hải, gồm 17 đạo sắc, nay đã được xếp hạng di tích, thì thấy đền này trước đây xin rước thần Tam lang về thờ. Tương tự là đền Phú Sơn (Tượng Sơn), đền Tam Lang (Thạch Khê) thờ ảnh thần Tam Lang. Từ đó, cụ kết luận, đền thờ thần Tam Lang ở xã Thạch Lạc được làm khá sớm, được nhân dân nhiều xã lân cận rước về thờ vì mong muốn sự linh thiêng, che chở của thần.

Tìm hiểu nhiều di tích trong khu vực, cụ còn cho hay, đền Ao (tức Miếu Ao) xưa kia thuộc làng Phúc Kiêng (xã Nam Trị), không được dân toàn xã thờ như thờ đền Tam Lang. Nơi đây, ban đầu thờ bản xứ thành hoàng, đến Thành Thái năm thứ 6, xã được cấp 3 đạo sắc, làng Phúc Kiêng xin 1 đạo rước về đền Ao. Hiện nay, đền Ao đang còn 2 tấm bia, bằng đá và gỗ thuộc Duy Tân tam niên và Khải Định cửu niên. Còn chùa Giang Xá, chính là ngôi chùa của làng chài sống trên sông. Chùa này ban đầu có vị sãi, tên là Mao về trông coi, nên còn gọi là chùa Sãi Mao. Chùa nằm bên bờ sông Hữu Ngạn, giáp xã Tượng Sơn.

Quá trình tìm hiểu và dịch các sắc phong này, cụ nhớ nhiều lần được làm việc với các đoàn của trung ương, tỉnh. Năm 1982, đoàn của Bộ VH-TT&DL do ông Hoàng Văn Khoán về làm việc, Bí thư Đảng ủy xã Hồ Mạnh Hưởng đã mời cụ lên dịch, trao đổi với đoàn. Cũng nhiều lần, Sở VH-TT&DL, VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, phóng viên một số cơ quan báo chí đã đến tìm gặp cụ để khai thác tư liệu khu vực chùa Sò và tìm hiểu di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc.

Việc giữ gìn di sản cho hậu thế, bên cạnh những cá nhân am hiểu Hán học như cụ Dương Xuân Định còn nhiều người cao tuổi khác. Ông Nguyễn Viết Lượng (78 tuổi) và ông Nguyễn Viết Chính (69 tuổi) là những người trong Ban Quản lý di tích văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Nguyễn Viết Phúc, thuộc thôn Thượng Lội, xã Quang Lộc (Can Lộc). Đây là di tích lịch sử văn hóa duy nhất tính đến thời điểm hiện tại của xã Quang Lộc được xếp hạng.

Theo gia phả để lại mà các cụ đưa cho chúng tôi xem, cụ Nguyễn Viết Phúc xưa kia được gọi là cụ Đô Lối, tham gia quân đội nhà Lê dẹp giặc ở các tỉnh phía Bắc, được phong chức Đô đốc chỉ huy sứ. Cụ bị tử trận bên đất Trung Quốc, được vua ban tước công thần phụ quốc, cho lập đền gọi là đền Đô Lối, tức đền Cả. Về sau, đời vua Khải Định đã có 2 sắc phong, phong cho Nguyễn Viết Phúc là Thượng đẳng thần và làm Đương cảnh thành hoàng làng Thượng Lội. Với trách nhiệm trông coi của ông Nguyễn Viết Lượng và Nguyễn Viết Chính, nhà thờ được bảo lưu, gìn giữ qua nhiều năm tháng. 2 đạo sắc đã được ông Đặng Thanh Lương nay đã 93 tuổi dịch để lưu giữ. Hai ông cho hay, những năm chiến tranh, nhà thờ là nơi chứa đạn dược.

Từ những dẫn chứng trên cho thấy, vai trò của người già trong quá trình bảo tồn, phục dựng giá trị di sản là vô cùng quan trọng. Đấy cũng là một cách để chúng ta tiếp cận đầy đủ thêm về di sản cũng như hiểu rõ hơn tiềm năng trong mỗi người già.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast