Gìn giữ gia đình Việt trước sự xâm lăng văn hóa

(Baohatinh.vn) - Khác với một số quốc gia, dân tộc, người Việt Nam có truyền thống gắn kết gia đình trong mối quan hệ với cộng đồng và rộng hơn là đất nước.

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6

Nhà - làng - nước là 3 yếu tố gắn liền với nhau trong suốt chiều dài lịch sử, giúp dân tộc ta chống lại họa xâm lăng, phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Hạnh phúc gia đình. Ảnh minh họa từ internet
Hạnh phúc gia đình. Ảnh minh họa từ internet

Trong 3 yếu tố đó, gia đình là nền tảng, là nguồn cội, là xuất phát điểm. Bao nhiêu người con ưu tú dũng cảm, ngoan cường hy sinh cho Tổ quốc, học hành khoa bảng làm rạng danh non sông, thông minh, sáng tạo, đóng góp nhiều công trình, đề tài khoa học để mở mang trí tuệ cho xã hội… đều xuất phát từ những gia đình có truyền thống văn hóa và cách mạng. Như mạch nguồn chảy từ đời này sang đời khác, truyền thống gia đình trở thành truyền thống dòng họ, truyền thống dân tộc:

Con người có cố, có ông

Như cây có cội, như sông có nguồn

Gia đình với nhiều người con là điểm tựa thiêng liêng. Gia đình là nơi con người được sinh ra, nuôi dưỡng để lớn lên, được tắm táp trong tình yêu thương của mẹ cha, ông bà, người thân. Mọi vui buồn được san sẻ, mọi đau đớn được xoa dịu, mất mát được bù đắp. Tài năng và trí tuệ được phát hiện, thắp sáng. Những lỗi lầm sẽ được nhận ra và sửa chữa. Bản lĩnh, trí tuệ được hun đúc để những người con vững bước trên chặng đường gian nan, khó nhọc đạt đến đỉnh vinh quang. Biết bao người lính trước khi ra trận còn viết lại những dòng thư, nhật ký cho mẹ cha, cho vợ. Biết bao người con khi ngã xuống, lời gọi cuối cùng dành cho mẹ thân yêu. Vì quê hương, đất nước bình yên, họ phải từ giã gia đình mặc dù hình ảnh mẹ cha và người thân luôn đằm sâu trong trái tim họ. Biết bao người con đi khắp góc bể, chân trời mưu sinh và kiếm tìm sự nghiệp nhưng luôn nhớ về mái nhà, dòng sông, con đò, bến nước, cánh đồng tuổi thơ, nơi ghi dấu bao kỷ niệm thời thơ ấu, nơi chở mang tình yêu gia đình sâu sắc và khó nhạt phai. Đó cũng chính là tài sản vô giá giúp họ biết sống có ích, làm việc có ích cho gia đình, quê hương và đất nước.

Người Việt Nam rất coi trọng gia phong, gia phép, biết ơn tổ tiên, ông bà, mẹ cha. Một gia đình giữ được nền nếp gia phong sẽ giống như một thành lũy vững chắc, mọi tệ nạn xã hội không thể xâm nhập. Ngược lại, một gia đình “dột từ nóc”, người lớn thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật, dối trá, lừa lọc, điêu toa thì con cái sẽ ngỗ ngược, lười học, không coi trọng cô thầy, mẹ cha, sớm sa chân vào tệ nạn xã hội. Cố nhà văn Băng Sơn từng viết: Khi gia phong bị mất đi thì phép nước phải dùng đến. Điều đó cũng có nghĩa là luật pháp sẽ không bao giờ phải chạm đến những gia đình nền nếp, kỷ cương đất nước sẽ cường thịnh khi mọi gia đình đều chấp hành đúng pháp luật.

Ảnh minh họa từ Internet

Ảnh minh họa từ Internet

Tuy nhiên, hiện nay, sự hội nhập quốc tế thông qua “thế giới phẳng” cùng với mặt trái của cơ chế thị trường đã khiến cho văn hóa Việt Nam bị “xâm lăng”, bản sắc văn hóa ít nhiều bị phai nhạt, nhiều giá trị truyền thống của gia đình bị lung lay. Nhiều người không thích khuôn phép gia đình ràng buộc, không muốn ăn chung với ông bà, mẹ cha, chỉ thích túm tụm bạn bè vui chơi quên cả giờ giấc. Cái tôi cá nhân được đề cao cùng phong cách tự do, phóng túng của một bộ phận giới trẻ khiến nhiều người nhầm lẫn các giá trị cuộc sống. Từ những biểu hiện bên ngoài như đầu tóc đủ màu vàng, đỏ, quần bò “rách tả tơi” đến những đêm nhạc ồn ã thâu đêm, những lời “dô, dô” chúc tụng, nhiều ngôn từ lạ được sử dụng cho ngôn ngữ chát, facebook. Rồi nói năng tục tĩu nơi công cộng, đua xe trái phép, coi thường người già, sống buông thả… Tệ hại hơn là sử dụng các chất ma túy, trộm cắp, đánh người vô cớ…

Nhiều người lý giải những biểu hiện đua đòi lố lăng, nói năng tục tĩu của con cái là do “chúng đua đòi bạn bè bên ngoài”. Chưa hẳn là như thế nếu cha mẹ nghiêm khắc với những biểu hiện ban đầu trong lời ăn tiếng nói của con, quản lý chặt chẽ giờ giấc, lịch trình của con, không nuông chiều con thái quá. Sẽ không có những đứa con vô cảm, không quan tâm đến gia đình, cộng đồng và đất nước nếu như mẹ cha luôn là những người biết chăm lo cho người khác, thường xuyên lo lắng cho phong trào chung, thắc thỏm trước họa xâm lăng... Nếu cha mẹ biết chăm lo gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, yêu nguồn cội tổ tiên, có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, sôi nổi thì chắc chắn con cái họ cũng sẽ biết tôn trọng và gìn giữ truyền thống ông cha.

Giá trị truyền thống của gia đình Việt sẽ luôn luôn tỏa sáng bởi sự gắn kết, sẻ chia và tình yêu thương của ông bà, mẹ cha, con cái. Đức hy sinh, tính bản thiện, sự quan tâm tới mọi người và nhân cách cao thượng của ông bà, mẹ cha có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ. Những kỷ niệm ấu thơ, món quà sinh nhật, bữa cơm đoàn viên ngày cuối tuần và ngày tất niên, những chuyến tham quan du lịch, đêm trắng bên người thân bị ốm đau, nỗi lo lắng cho người con sắp đi xa, niềm vui đón con trở về, niềm hạnh phúc khi con thành đạt… sẽ là những món quà vô giá cho cuộc đời của mỗi con người, làm cho hai tiếng gia đình luôn lung linh, tỏa sáng như những ngọn nến trong đêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast