Hà Nội khai hội nghìn năm

8h sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thắp ngọn lửa thiêng, giữa âm thanh hào hùng của dàn trống, cồng, chiêng, mở màn cho ngày khai hội đại lễ 1000 năm. Hàng nghìn khách mời, người dân đã có mặt ở Hồ Gươm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thắp ngọn lửa thiêng. Ảnh: Hoàng Hà.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thắp ngọn lửa thiêng. Ảnh: Hoàng Hà.

Thời tiết khu vực Hà Nội hôm nay khá mát mẻ, chỉ một số nơi có mưa nhỏ. Đường phố quanh Hồ Gươm và trên các phố lân cận thoáng đãng, lòng đường không có ôtô đỗ như ngày thường. Các phương tiện bị cấm vào phố Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ Điện lực Hà Nội và ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay và từ đoạn khách sạn Metrophole, Cung thiếu nhi Hà Nội.

Từ 6h sáng nhiều người dân tập trung bên ngoài hàng rào bảo vệ để chờ xem lễ khai mạc, tuy nhiên, chỉ có khoảng 1.000 khách mời được tham dự.

Tại 5 sân khấu quanh hồ người dân háo hức chờ đón xem các chương trình nghệ thuật. Tại đây cũng đã tập trung hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên chuẩn bị cho các chương trình nghệ thuật lễ khai hội.

Trên đường phố Hà Nội, nhịp sống của người dân sớm hơn thường nhật, lo ngại tắc đường, 7h sáng nhiều con phố thủ đô đã khá đông đúc, lực lượng cảnh sát giao thông được tăng cường. Không chỉ các công sở, cửa hàng treo cờ, băng rôn, nhiều xe buýt, taxi cũng cắm cờ tổ quốc.

Theo ghi nhận của VnExpress, những người dân đổ về hồ Hoàn Kiếm sáng nay đa số là người ngoại thành và học sinh, sinh viên. Đưa đứa cháu nhỏ đi cùng với mấy người trong xóm, ông Đỗ Viết Hoàn (64 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, xem tivi thấy khu vực hồ trang trí rất đẹp nên muốn đến tận nơi chiêm ngưỡng. "Một nghìn năm mới có một lần, lại là lễ khai mạc nên rất đặc biệt, tôi muốn ghi lại giờ phút này", bác Hoàn chia sẻ.

Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra tiếc nuối vì khi được vào khu vực sân khấu chính, chương trình văn nghệ tại đây đã chấm dứt. Những sân khấu khác ở quanh hồ biểu diễn vào trời nắng nên không thu hút được khán giả.

Trong khi đó, nhiều bạn trẻ rủ nhau lập nhóm để dạo quanh hồ chụp ảnh. Toàn bộ xe cộ đều bị cấm lưu thông qua khu vực hồ nên những tuyến phố quanh rất thoáng đãng và thoải mái cho mọi người bách bộ, ngắm tháp Rùa, đền Ngọc Sơn...

Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO và bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao bằng chứng nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thể giới cho ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.

Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO và bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao bằng chứng nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thể giới cho ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.

Sân khấu chính tại vườn hoa Lý Thái Tổ được mô phỏng theo Chiếu dời đô với 2 gam màu chủ đạo là vàng và đỏ. 8h sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thắp ngọn lửa thiêng trên đài lửa mở màn cho đại lễ.

Phát biểu tại lễ khai hội, ông Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội ôn lại lịch sử của thủ đô, từ khi vua Lý Thái Tổ chọn đất Thăng Long làm nơi định đô, thành Đại La vốn được thế rồng cuộn hổ ngồi, tiện hướng nhìn sông tựa núi. Cuộc dời đô lịch sử về châu thổ sông Hồng khẳng định xây nền độc lập, thống nhất quốc gia, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của nước Đại Việt.

Lịch sử 1000 năm Thăng Long Hà Nội không ngừng được bồi đắp bằng những kỳ tích oai hùng, trải qua nhiều biến cố thăng trầm, nước Đại Việt không ngừng lớn mạnh. Truyền thống oai hùng của Thăng Long - Hà Nội luôn được tiếp nối bằng những chiến công hiển hách: Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Điện Biên Phủ trên không...

Thăng Long - Hà Nội là nơi tập trung những anh hùng hào kiệt lưu danh cùng sông núi, lắng đọng những giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam, kết hợp với giá trị văn hóa, văn minh nhân loại.

"Chúng ta tự hào với di sản văn hóa lâu đời, thiêng liêng và đặc sắc, với những áng văn bất hủ, mang hào khí dân tộc như Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình ngô, Tuyên ngôn độc lập", ông Nghị nói.

Sau phát biểu của lãnh đạo Hà Nội, bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO và bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã bước lên sân khấu trao bằng chứng nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thể giới cho ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội.

Bà Irina Bokova bày tỏ ngưỡng mộ Hà Nội đã gìn giữ tốt di sản thế giới qua nghìn năm lịch sử. "Rất ít nước giữ được di sản qua nghìn năm mà không bị mai một theo thời gian, tôi ngưỡng mộ các bạn. Trung tâm Hoàng thành được chứng nhận là một vinh dự song cũng là một cam kết của các bạn. Các bạn có trách nhiệm với nhân loại, bảo vệ, quảng bá di sản này cho các thế hệ tương lai", bà Irina Bokova nói.

Kết thúc phần nghi lễ là màn thả chim bồ câu từ một quả cầu hình trái đất bên cạnh sân khấu chính.

Biểu diễn văn nghệ tại lễ khai hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Biểu diễn văn nghệ tại lễ khai hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Phần Hội diễn ra tại 5 sân khấu khu vực xung quanh Hồ Gươm và Quảng trường Cách mạng tháng Tám.

Sân khấu 1 (tại vườn hoa Lý Thái Tổ) với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng”. Sau khi kết thúc chương trình tại đây, dàn quân nhạc sẽ di chuyển về phía sân khấu quảng trường Cách mạng tháng Tám, vừa đi vừa biểu diễn những tác phẩm, ca khúc về Thăng Long – Hà Nội.

Sân khấu 2 (tại Đền Bà Kiệu) với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến”. Sân khấu 3 (tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, thành phố vì hòa bình.” Sân khấu 4 (tại ngã 3 Lê Thái Tổ - Hàng Trống) với chủ đề “Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển”. Sân khấu 5 (ngã 4 Hàng Khay - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài) với chủ đề “Hà Nội, trái tim của cả nước".

Nhóm phóng viên

Nguồn: vnexpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast