Mê đắm những làn điệu dân ca

Ông Trần Khánh Cẩm (quê ở xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh) năm nay 74 tuổi. Mái tóc đã bạc trắng nhưng đôi mắt ông Cẩm vẫn rất tinh anh, đôi tay vẫn rắn rỏi gẩy đàn ghi ta, đặc biệt là khi đắm mình trong những làn điệu hát ru, hát ví thì ở ông vẫn toát lên phong thái, cốt cách của một người nghệ sỹ thực thụ.

Trần Khánh Cẩm sinh ra trong một gia đình nho học, tuổi thơ gắn liền với những câu hát ru của mẹ, tiếng đàn bầu của cha. Cha ông không chỉ thông thạo chữ Hán, chữ Pháp mà còn giỏi đánh đàn, hát bội. Mẹ là cô đào xinh đẹp, hát chèo kiều hay nức tiếng cả một vùng Kỳ Bắc bấy giờ.

Nghệ sỹ Trần Khánh Cẩm

Nghệ sỹ Trần Khánh Cẩm

Thuở mười tám đôi mươi, chàng thanh niên Trần Khánh Cẩm đẹp trai, đàn giỏi, hát hay nổi tiếng khắp xã Kỳ Bắc và các xã lân cận. Hồi đó, phong trào hát ví O Nhẫn nở rộ, nam thanh nữ tú cứ tối đến là tụ tập nơi hội quán rồi cùng nhau hát đối, hát ví. Nhờ có năng khiếu văn nghệ nên tháng 2/1957, Trần Khánh Cẩm được Ty Văn hóa Hà Tĩnh điều về tham gia Đội tuyên truyền văn hóa lưu động tỉnh. Đội đã tự dàn dựng chương trình đi biểu diễn khắp các huyện trên địa bàn Hà Tĩnh.

Tháng 2/1960, Đoàn văn công Hà Tĩnh được thành lập, ông được mời về đoàn. Trần Khánh Cẩm cùng đoàn đi biểu diễn khắp nơi, sang cả Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn (Lào). Kể về những năm tháng trai trẻ sôi nổi cùng các anh em trong Đoàn văn công Hà Tĩnh, ông xúc động: “Đây là quãng đời đẹp nhất của người nghệ sỹ như tôi. Sống với niềm đam mê hoạt động văn hóa nghệ thuật và cống hiến vì nghệ thuật”.

Sau một thời gian công tác, ông Trần Khánh Cẩm được cử đi học lớp đạo diễn và diễn viên tại trường nghệ thuật sân khấu Hà Nội. Mãn khóa học, trở về Đoàn văn công Hà Tĩnh, ông vừa làm diễn viên vừa sáng tác, vừa tham gia đạo diễn và thiết kế mỹ thuật. Sau đó, do hoàn cảnh gia đình, ông phải xin nghỉ công tác.

Trở về địa phương, ông tham gia phong trào văn nghệ và được cử làm Đội trưởng Đội văn nghệ xã Kỳ Bắc. Ông sáng tác và dàn dựng cho Đội văn nghệ xã Kỳ Bắc nhiều hoạt cảnh, tiểu phẩm hay. Vừa hoạt động văn hóa văn nghệ, vừa chụp ảnh, vẽ truyền thần để kiếm sống, ông Cẩm còn vẽ tranh cổ động, viết khẩu hiệu ở các biển tường, cổng chào phục vụ tuyên truyền động viên kháng chiến trong toàn huyện.

Ông Cẩm nhận được nhiều phần thưởng cao quý từ Trung ương đến địa phương như: Huân chương kháng chiến hạng Nhì, huy chương vì sự nghiệp văn hóa, huy chương vì sự nghiệp giáo dục, huy chương vì thế hệ trẻ, huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, giải A cuộc thi Dân ca Việt Nam 2011, giải nghệ nhân cao tuổi trình diễn xuất sắc nhất Liên hoan dân ca ví dặm xứ nghệ 2012, nghệ nhân dân gian dân ca ưu tú 2012 và nhiều bằng khen khác.

Ông Cẩm là người góp công rất lớn trong việc làm sống lại điệu hát sắc bùa và các làn điệu khác như hát ru, ví O Nhẫn. Ngoài đam mê sáng tác và biểu diễn, ông còn say mê sưu tầm các làn điệu hát ru, hát ví. Ông gom nhặt, chắt lọc vốn ca từ phường vải Đan Du quê ông và vốn ca từ dân ca xứ nghệ thành kho dân ca của một nghệ nhân thực thụ. Vốn liếng quý giá đó ông sưu tập và bây giờ truyền lại cho các thế hệ trẻ.

Giờ ở tuổi xế bóng, ông vẫn hoạt động không mệt mỏi cho phong trào văn nghệ ở địa phương. Cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào có yêu cầu nhờ sáng tác, biểu diễn là ông đều gật đầu đồng ý. Với ông đó không còn là kế mưu sinh kiếm sống mà là niềm say mê cống hiến.

Hiện ông là hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh, hội viên CLB sáng tác Văn học Nghệ thuật Việt Nam, chủ nhiệm CLB thơ xứ Voi đã 20 năm…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast