“Mộ gió” – bộ phim điện ảnh đầu tiên về những người lính biển

“Mộ gió” là bộ phim đề cập trực tiếp đến những hoạt động của ngư dân và lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

“Biển thời nào cũng vậy: hung dữ và đầy nguy hiểm. Trước biển, sinh mạng con người thật mong manh. Làng chài bây giờ có thể đã đổi khác, cuộc sống người dân cũng sung túc hơn nhưng những ngôi Mộ gió vẫn mãi tồn tại. Nó kể câu chuyện về những ngư dân khao khát bám biển ra khơi và những người chiến sĩ với quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia” – đó cũng là lý do mà đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thực hiện bộ phim “Mộ gió”.

Cảnh trong bộ phim "Mộ gió"
Cảnh trong bộ phim "Mộ gió"

PV đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần về quá trình làm bộ phim “Mộ gió” này.

PV:Đây là lần đầu tiên có một bộ phim Việt Nam về chủ đề hải đảo được thực hiện kỹ thuật số và chiếu tại các rạp. Vì sao trước đây không có những bộ phim như “Mộ gió”?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Trong thời gian Trung quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhiều văn nghệ sĩ cũng đã thể hiện thái độ, tình cảm của mình. Chúng tôi, những người làm điện ảnh cũng phải góp tiếng nói.

Thực ra, trước đây cũng đã có những bộ phim tài liệu về chủ đề biển, đảo. Tuy nhiên, để quay một bộ phim truyện lại là việc hoàn toàn khác. Nếu như ở nước ngoài, họ có trường quay biển riêng, có các thiết bị tạo sóng, tạo bão và xử lý kỹ xảo thì chúng ta hoàn toàn phải quay cảnh thật. Quay ở biển gặp rất nhiều khó khăn cũng như nguy hiểm cho đoàn làm phim, kinh phí lại đội lên rất nhiều. Cho đến giờ, chỉ có “Mộ gió” là bộ phim duy nhất hoàn thành.

PV: Bộ phim chỉ làm với kinh phí vỏn vẹn 400 triệu đồng. Đạo diễn và đoàn làm phim đã phải xoay xở như thế nào?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: “Mộ gió” thuộc thể loại phim Miền núi và Hải đảo nên khung tối đa chỉ có 400 triệu đồng, đoàn làm phim đã tiêu tốn nhiều vào việc di chuyển từ Hà Nội vào Bà Rịa – Vũng Tàu để có bối cảnh thích hợp. Tuy nhiên, chúng tôi được sự giúp đỡ đặc biệt của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Bộ chỉ huy Vùng Cảnh sát biển 3 về việc tàu bè, phí di chuyển và các thiết bị bảo vệ an toàn cho đoàn làm phim.

Riêng ekip làm phim, đến giờ chúng tôi không nhận một đồng tiền thù lao nào. Cát-xê trả cho các diễn viên cũng vô cùng thấp. Khi lựa chọn ekip và diễn viên, tôi có hỏi họ là: “Anh/chị có sẵn làm phim bằng lòng yêu nước hay không?”. Phải có lòng yêu nước, phải say nghề mới có thể tham gia “Mộ gió” bởi sự thật là chúng tôi không đủ kinh phí trả cho họ. Các diễn viên cũng rất ủng hộ và tự nguyện đóng góp cả về công sức và của cải. Thế mới thấy, tình yêu đất nước, sức hấp dẫn của đề tài biển đảo lớn thế nào.

PV:Bộ phim có đề cập trực tiếp đến những hoạt động của ngư dân và lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trên tại Biển Đông cũng như những ngôi Mộ gió?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Tôi xây dựng bộ phim dựa trên kịch bản của sĩ quan Mạnh Thường thuộc Lực lượng Cảnh sát biển VN. Nội dung phim kể về một thanh niên làng chài có cha là ngư dân chết mất xác ngoài biển. Ông nội lo cho người nối dõi nên nhất định bắt cháu thề không được đi biển. Nhưng sau này, vì mối duyên nợ với biển, người cháu đã bỏ học Đại học trở về quê hương và xin vào lực lượng Cảnh sát biển.

Đầu phim, tôi giúp khán giả hiểu được phong tục về Mộ gió bằng phân cảnh đám tang. Mộ gió là những ngôi mộ không có hài cốt để táng những ngư dân và người bị nạn trên biển mà không tìm được xác. Cuối phim là phân cảnh những đứa trẻ bắt chước người lớn làm Mộ gió bởi đời nào cũng sẽ có người bỏ mạng ở biển. Đó là số phận mà người dân biển phải đối mặt.

Tôi cố gắng tái hiện lại chân thực nhất cuộc sống ở làng chài, những suy nghĩ và tâm tình của họ. Đặc biệt là phản ánh những khó khăn trên biển cùng hoạt động dũng cảm và mưu trí của cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển với quyết tâm khẳng định chủ quyền quốc gia. Tôi tự tin nói rằng, trong phim sẽ có những phân cảnh khiến khán giả có thể xúc độn rơi nước mắt.

PV: Như ông đã nói, khi quay trên biển phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Trong quá trình quay “Mộ gió”, ekip làm phim đã gặp phải những trở ngại gì?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Đầu tiên là chúng tôi không hề có kinh nghiệm gì về việc quay trên biển. Những gì chúng tôi tưởng tượng và viết trong kịch bản lại không hề giống với thực tế. Để đến được một hòn đảo, phải tính con nước, tính thủy triều, tính cả thời tiết... Những cảnh mưa gió bão táp hay những cảnh diễn viên lặn sâu dưới nước đều không thể thực hiện được bởi rất nguy hiểm. Do vậy, chúng tôi phải tìm cách khắc phục bằng kỹ xảo.

Thứ hai là yếu tố an toàn, tất cả mọi người đều phải mặc áo phao, đi dép chống trơn trên boong tàu. Cách 2-3 tiếng, chúng tôi lại kiểm quân số một lần bởi rơi xuống biển, mất tích là… chuyện bình thường. Rất may, không có thiệt hại nào về người.

Những cảnh giả mưa, chúng tôi phải dùng vòi phun nước mặn từ dưới biển khiến máy quay và máy ảnh hỏng rất nhiều. Đoàn làm phim giống như bị… lột một tầng da vì bị nước mặn xối. Cả ekip và các diễn viên cũng say sóng kinh khủng, đến nỗi không thể quay khi sóng mạnh. Có như thế mới hiểu được sự vất vả và nguy hiểm của dân chài và các cảnh sát biển.

PV:Những bộ phim chiếu rạp thường có nội dung hấp dẫn hoặc có sự tham gia của diễn viên nổi tiếng để thu hút khán giả. Vậy, điều gì ở “Mộ gió” sẽ thu hút người xem đến rạp?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Tôi có thuận lợi là tuyển được một đội ngũ diễn viên “chất”. Diễm Thơ là diễn viên trẻ, người Phan Thiết. Cô có gương mặt hiền hòa và có sự hiểu biết về biển. Nam diễn viên chính do Huỳnh Trường Thịnh đóng, rất giỏi bơi lội và giỏi võ. Ngoài ra, còn có sự tham gia của diễn viên gạo cội Nguyễn Châu.

Chúng tôi vừa quay vừa dựng “Mộ gió” trong chưa đầy một tháng. Bộ phim kéo dài 92 phút sẽ chiếu ở các rạp từ giữa tháng 8/2014. Chúng tôi không đặt nặng yếu tố kinh tế như các bộ phim khác bởi vé bán rất rẻ. Bộ phim chiếu miễn phí cho các đơn vị quân đội, động viên các trường cho học sinh, sinh viên đến xem, nhằm giúp các em hiểu biết hơn về cuộc sống của người dân và lính biển. Tôi nghĩ, trong tương lai, điện ảnh Việt Nam nên làm nhiều phim hơn nữa về chủ đề biển, đảo.

PV:Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

Theo Thanh Thanh/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast