Một cây đại thụ đã ngã xuống!

(Baohatinh.vn) - Nhận được tin nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy từ trần, dẫu biết rằng quy luật sinh lão bệnh tử không riêng ai và ông đang ở tuổi 92 “xưa nay hiếm” song không ít cán bộ đảng viên và người dân Hà Tĩnh vẫn bàng hoàng nuối tiếc.

Một khoảng trống lớn trong tâm hồn những người làm công tác văn hóa, văn nghệ và giới trí thức, bởi từ nay họ sẽ không còn bắt gặp bóng dáng hiền từ, điềm đạm, gương mặt sáng đẹp và vầng trán thông tuệ, giọng nói nhỏ nhưng rành rẽ của một bậc thức giả dù cao tuổi nhưng vẫn còn minh tường chữ nghĩa.

Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy (ngoài cùng bên trái) tại Hội thảo quốc tế về Nguyễn Du

Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy (ngoài cùng bên trái) tại Hội thảo quốc tế về Nguyễn Du

Nhớ mỗi lần đến thăm ông trên căn gác nhỏ nhưng gọn gàng ngăn nắp, hình ảnh tôi thường bắt gặp trên chiếc bàn làm việc cạnh giưởng ông bên trái là những chồng sách, cuốn ông vừa đọc xong, cuốn đọc dở đang được đánh dấu bằng chiếc bút bi nhỏ, sách chữ Hán, chữ Việt, có khi là cả tờ báo Hà Tĩnh. Một hình ảnh quen thuộc khác là trên chiếc bàn nhỏ sát giường, người bạn già của ông thường đặt sẵn quả chuối, chùm nho, thuốc và nước.

Gần 70 năm chung sống và 25 năm về sống ở thành phố Hà Tĩnh, bà Hược chăm sóc ông từng ly từng tý, cùng với các con giữ cho sức khỏe ông đến được như ngày hôm nay. Nhưng từ giờ phút này, bà sẽ không còn được chăm sóc ông mỗi ngày nữa. Căn gác ấy từ nay đã vắng hẳn hình ảnh người trí thức già miệt mài bên ánh đèn. Những trang sách sẽ không còn bàn tay quen thuộc lần giở mỗi ngày. Và các con các cháu ông, mỗi lần về thăm sẽ không còn gặp người cha già tận tụy, người ông hiền từ mẫu mực và thân thương.

Ông Võ Hồng Huy sinh năm 1925 ở Thịnh Lộc, Lộc Hà. Ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia tích cực vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, từng giữ nhiều chức vụ từ xã, đến huyện và tỉnh. Chức vụ cao nhất của ông là Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh.

Nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên những năm 1970-1980 thế kỷ trước vẫn còn nhớ đến hình ảnh người cán bộ kiểm tra của Đảng nghiêm minh mà nhân từ, thanh liêm và gần gũi. Dường như trong con người ông, cốt cách của một cán bộ kiểm tra Đảng hòa vào phẩm chất của một nhà văn hóa rất nhuần nhuyễn. Cương và nhu, kỷ luật đi đôi với giáo dục bằng tình cảm, lắng nghe để thấu hiểu, thấu hiểu để định hướng hành động theo đúng kỷ cương. Sau này càng gặp ông, tôi càng hiểu hơn điều đó.

Hồi ấy, chúng tôi có duyên may được gặp ông là nhờ thỉnh thoảng đi với đám bạn cùng học lớp chuyên Văn với anh Võ Hồng Hải lên bố anh chơi. Trong căn phòng vừa làm việc vừa ở của ông, chúng tôi đã được gặp người cán bộ kiểm tra Đảng rất hiền từ và dễ gần. Ông trò chuyện thân tình với chúng tôi như con cái trong nhà. Rồi sau đó, những lần gặp ông tại căn nhà ngói cũ cuối làng Cương Gián có rất nhiều sách cũng như tại căn nhà nhỏ ở thị trấn Xuân An (Nghi Xuân), ông vẫn vậy, nhẹ nhàng và điềm đạm hỏi thăm chúng tôi, kể về lịch tích các vùng miền, các ngọn núi con sông với chất giọng êm ái dịu dàng. Những lần sau này, biết chị em tôi cũng yêu mến và bước đầu nghiên cứu về văn hóa Hà Tĩnh, ông thường động viên khen ngợi. Có lần ông bảo chồng tôi: “Chú tạo điều kiện cho cô ấy đi nhiều để biết nhiều thêm và viết được nhiều hơn”.

Gần 70 năm chung sống và 25 năm về sống ở thành phố Hà Tĩnh, bà Hược chăm sóc ông Huy từng ly từng tý

Gần 70 năm chung sống và 25 năm về sống ở thành phố Hà Tĩnh, bà Hược chăm sóc ông Huy từng ly từng tý

Là người đam mê với việc nghiên cứu, khám phá vốn cổ và viết báo, viết sách, dịch thuật để truyền lại vốn cổ cho đời sau, ông đã xin nghỉ hưu trước tuổi hai năm để được sống với niềm đam mê của mình. Ông đã cùng với các ông Thái Kim Đỉnh và các nhà địa phương học tìm tòi sách cổ, đi điền dã, khảo cứu nhiều ngọn núi, dãy núi, đặc biệt là dãy Hồng Lĩnh “giang sơn tụ khí” để tìm ra nguồn gốc của những tên gọi những ngọn núi, những câu chuyện huyền thoại gắn với tên một con truông, định danh nhiều vị trí và viết thành địa chí để lại cho đời sau…

Giới văn nghệ sĩ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mệnh danh ông là “Kẻ sĩ Ngàn Hống”. Ông cũng tìm hiểu về các loại hình văn nghệ dân gian ở Nghệ - Tĩnh, lịch sử các di tích văn hóa, các danh nhân, nhà thơ nhà văn lớn ở Hà Tĩnh. Hàng chục đầu sách của ông đã xuất bản là tư liệu quý, tiêu biểu như: “Non nước Hồng Lam”; Địa chí huyện Can Lộc, Nghi Xuân và các tập: “Tập thơ văn non Hồng”, “Nghi Xuân địa chí”, “Thơ Bùi Dương Lịch” (dịch từ chữ Hán)…

Một thời gian dài cách đây 10 năm, ông bị ốm, sức khỏe giảm sút, việc đọc và viết lách bị gián đoạn. Nhưng khoảng ba năm lại nay, như có ngọn lửa bùng cháy trở lại từ bên trong, ông lại miệt mài đọc sách cổ, lại say sưa viết. Hai năm lại nay, ông xuất hiện nhiều hơn ở các hội thảo khoa học, sự kiện văn hóa như Hội thảo quốc tế về Nguyễn Du, Hội thảo 100 năm ngày sinh Xuân Diệu, kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng…

Đặc biệt, tôi đã chứng kiến cả hai ông bà ngồi dưới cái giá lạnh và làn mưa lất phất mùa đông để dự lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du diễn ra tại Quảng trường Hà Tĩnh vào tháng 12/2015. Trong dáng vẻ của ông toát lên một sự thanh cao và đẹp đẽ như một ông tiên, chỉ khác là không có bộ râu dài và chiếc áo choàng trắng. Nhiều người, trong đó có tôi, soi vào ông để thấy mình thật thiếu khuyết, cần phải vươn lên nhiều hơn nữa.

Anh Võ Hồng Hải kể: Mới đầu năm nay thôi, như một điềm báo, ông đòi chở về thăm quê cũ Thịnh Lộc vào dịp rằm tháng Giêng. Một mình một gậy, ông đi khắp làng hỏi thăm những người cùng trang lứa, rồi ra nghĩa trang dòng họ. Dịp ra Vinh giỗ người thông gia gần đây, rất lạ, ông cầm cốc bia đi chúc khắp mọi người như lời chào lần cuối. Ông bổ bệnh vào buổi trưa cách đây 4 ngày, tai biến mạch máu não. Dù được chở đến bệnh viện rất kịp thời và đã dùng đến kỷ thuật tiêu sợi huyết song ông không qua khỏi và trút hơi thở cuối cùng vào tối 25/3 giữa vòng tay người vợ hiền và con cháu, người thân.

Ai đó nói rằng: Một cây lớn ngã xuống làm trống vắng cả một cánh rừng. Không chỉ trống vắng mà cả sự nuối tiếc vì mất đi một tài năng, mất đi một người đảng viên mẫu mực, mất đi một nhân cách văn hóa lớn. Nhưng quy luật tạo hóa, có cày xới, vun trồng, gieo hạt thì đời sau sẽ có cây lớn và quả ngọt. Những gì ông để lại là vốn quý để đời sau tiếp tục khai phá. Một đời gắn bó với núi Hồng sông La, linh hồn ông sẽ mãi hòa quyện cùng sông núi quê hương và hình ảnh ông sẽ sống mãi trong lòng người Nghệ Tĩnh .

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast