Mùa xuân vẫy gọi

(Baohatinh.vn) - Rồi ngày đông giá lạnh cũng lùi lại phía sau, nhường chỗ cho mùa xuân ấm áp với bao cảm xúc khó nói. Dẫu bộn bề công việc của những ngày kết thúc năm cũ, dẫu cái rét ngọt đang bao trùm lên vạn vật, ta cũng có thể nhận ra tín hiệu của mùa xuân như những đốm lửa lấp lánh trong không gian bàng bạc.

Ấy là khi bờ đê hun hút gió đã gợn lên màu cỏ non tơ. Dưới dòng sông kia, tiếng mái chèo vội vã hơn cho những chuyến hàng từ thượng nguồn về xuôi mang theo bao sản vật vùng sơn cước cùng tiếng nói cười tan vào tiếng sóng vỗ. Ấy là khi phiên chợ quê rực rỡ bao nhiêu quần áo mới khiến những ánh mắt con trẻ háo hức mong chờ... Ấy là khi người già bấm ngón tay nhẩm tính đến đốt 12, hết tiết Đông chí đến tiết Lập xuân, chờ đợi khoảnh khắc cả nhà quây quần dưới bàn thờ tổ tiên với bao trân trọng thành kính. Ấy là khi những cuộc chuyện trò của nam thanh, nữ tú trên Facebook đã giăng kín những hẹn hò hội ngộ, nồng nàn yêu đương…

Thành phố Hà Tĩnh trên đường đổi mới. Ảnh: Quốc Khánh
Thành phố Hà Tĩnh trên đường đổi mới. Ảnh: Quốc Khánh

Mùa xuân vẫy gọi bao ước mơ và khát vọng. Khát vọng được hòa mình trong khí thiêng của đất nước, hồn cốt của quê hương. Khát vọng chinh phục đỉnh cao của tri thức khoa học, được đi tới những miền xa làm giàu đẹp thêm cho Tổ quốc, khát vọng được sống trong hòa bình và tình thân ái bao la, nhân hòa. Khát vọng vạn vật sinh sôi, con người dạt dào sức sống.

Đất nước đã qua bao gian lao, khó nhọc để có mùa xuân hòa bình đổi mới hôm nay. Xẻ chiếc bánh chưng xanh, nhớ chàng Lang Liêu thắp lửa bao đêm để làm nên biểu tượng mặt đất vuông, bầu trời tròn. Đốt nén trầm hương, nhớ nguồn cội tổ tiên Vua Hùng dựng nước ở đất Phong Châu. Nhìn mai đào nở càng thêm nhớ thương, cảm phục, tự hào và biết ơn các anh hùng liệt sỹ, những người con trung hiếu của quê hương đã hy sinh tuổi xuân cho đất nước. Linh hồn của các bậc tiên hiền tiên liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, anh hùng Lý Tự Trọng, Phan Đình Giót, 10 nữ TNXP Đồng Lộc… vẫn sống mãi cùng đất nước và quê hương. Như một lời hẹn ước tự nhiên và chân thành, tết đến, xuân về, hàng vạn bước chân đã về với các khu di tích, khu tưởng niệm để thắp lên nén nhang thành kính, để thấu hiểu hơn những giá trị cuộc sống mà mình đang có và thể hiện quyết tâm tiếp nối sự nghiệp cách mạng của cha anh, chống đói nghèo và lạc hậu, xây dựng đất nước hùng cường.

Mùa xuân gọi dậy trong mỗi trái tim Việt một tình yêu nồng nàn mà đằm sâu. Yêu dải đất hình chữ S với hơn 3.000 km bờ biển và hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ từng trải qua bao binh lửa, gió dập, sóng dồi vẫn hiên ngang bên bờ biển Thái Bình Dương. Yêu mảnh đất Lam Hồng đã đi vào lịch sử như một dấu son, qua bao gian lao, khó nhọc vẫn bền bỉ, dẻo dai chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước và là nguồn cảm hứng vô tận của những câu hò, điệu ví, câu hát tâm tình khiến người “đi xa lại nhớ về, khổ đau càng muốn về”. Yêu mái tóc bạc như mây của mẹ già bao năm đợi chờ mòn mỏi mà chồng con không trở về. Yêu màu áo lính đã sờn mà trái tim luôn đỏ thắm của những người cựu binh một đời trai trẻ lăn lộn trên khắp chiến trường để giữ cho đất nước bình yên. Yêu đàn em nhỏ, ánh mắt long lanh, tâm hồn trong sáng với bao mơ ước đang từng ngày được thầy cô chắp cánh dưới những mái trường. Yêu những người lính đang ngày đêm thầm lặng chắc tay súng bảo vệ biển trời và biên cương Tổ quốc. Yêu các chị, các anh, những người công nhân, kỹ sư, bác sĩ, thầy cô giáo, những người nông dân một nắng hai sương đang ngày đêm bằng bàn tay và khối óc dựng xây, tô điểm cho Tổ quốc, quê hương đẹp giàu.

Mùa xuân nhắc ta biết sống đẹp hơn, trong sáng và nhân hậu hơn. Mùa xuân vẫy gọi, thôi thúc chúng ta đem bàn tay, khối óc, nghị lực và sức mạnh để cùng cả cộng đồng viết tiếp trang sử cho công cuộc đổi mới, “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như nguyện ước lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast