Nhà hát Nghệ thuật truyền thống - Bảo tồn không gian diễn xướng dân ca ví, giặm

(Baohatinh.vn) - Cùng sự biến thiên của lịch sử, từng ngành nghề gắn với dân ca ví, giặm mai một dần khiến không gian diễn xướng thu hẹp và thay đổi đáng kể. Tuy vậy, ví, giặm luôn có một sức sống mãnh liệt trong nếp sống của người dân Xứ Nghệ. Để mạch nguồn ấy phát huy đúng giá trị, ngoài công tác khôi phục, bảo tồn làn điệu thì việc phát huy không gian diễn xướng cũng được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh coi trọng...

Lối hát độc đáo mang tính cộng đồng

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh sản sinh từ sinh hoạt, lao động sản xuất gắn với từng ngành nghề cụ thể. Người dân Xứ Nghệ xưa kia hát ví, giặm mọi lúc, mọi nơi, cả khi làm việc hay ngơi nghỉ. Bởi vậy mà có ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví trèo non, ví mục đồng… Từ những câu ví linh hoạt mà biến thiên sang những làn điệu giặm có tiết tấu rõ ràng như giặm xẩm, giặm nối, giặm vè, giặm kể… Từng câu ví, câu giặm mang tính ứng khẩu cao, đầy sáng tạo, không có nhạc đệm nhưng vẫn chuyển đổi linh hoạt mà không kém phần tự nhiên, khéo léo.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống - Bảo tồn không gian diễn xướng dân ca ví, giặm ảnh 1

Ca sĩ, nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh trong buổi luyện tập tiết mục dân ca ví, giặm “Kháp mặt, hẹn dạ nên duyên” (đạo diễn Hoàng Vinh).

Gắn liền với lao động, sinh hoạt, ví, giặm cất lên từ chính ruộng đồng, núi non, từ những buổi chiều làm nón hay những buổi tối trăng thanh, gió mát ngồi xe sợi. Ấy là không gian tự do, hòa quyện cùng thiên nhiên và thời gian không gò bó. Người ta say mê ví, giặm cũng bởi trong cuộc hát lúc nào cũng đông vui, từ người làng mình sang làng khác, từ nhà nho, trí thức đến phụ nữ, bình dân. Và cũng chính từ những cuộc hát mà trai gái nên duyên vợ chồng, bè bạn thêm tình thâm giao. Không khó để nhận thấy, ca từ trong ví, giặm vừa mang nét thuần nông chân chất, vừa bộc lộ tính uyên bác sâu sắc. Sự tinh tế, độc đáo của dân ca Nghệ Tĩnh nói chung và ví, giặm nói riêng là đưa chuyện cá nhân mà cố kết cộng đồng và từ cộng đồng mà gắn kết cá nhân.

Khôi phục và phát huy không gian diễn xướng dân ca ví, giặm

Trong nhịp sống đương đại, dân ca ví, giặm không còn tồn tại với không gian vốn có của nó nhưng người Nghệ An, Hà Tĩnh luôn nâng niu, trân trọng như một món quà vô giá. Được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hơn bao giờ hết, việc khôi phục, phát huy không gian diễn xướng dân ca ví, giặm là điều đáng quan tâm nhất. Riêng ở Hà Tĩnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống đảm nhiệm vai trò, chức năng hết sức to lớn trong việc phục dựng các chương trình.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh - Giám đốc Nhà hát cho biết: “Việc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca ví, giặm luôn được đội ngũ nghệ sỹ chú trọng. Hai năm đi vào hoạt động, nhà hát đã phục dựng 7 không gian diễn xướng dân ca ví, giặm gồm: ví phường nón, phường vải, phường cấy; các tiết mục: “O hàng bán rượu”, “Cõng chồng đi chơi”, “Gái phường vải, trai phường nhủi Đồng Môn”, “Kháp mặt, hẹn dạ nên duyên”. Đặc biệt, trong năm 2014, cán bộ Phòng Nghiệp vụ và Hành chính tổng hợp đã sưu tầm 2 làn điệu gốc mới là giặm “Xay lúa” ở Kỳ Anh và xẩm “Tìm thuốc” ở Cẩm Xuyên. Hiện nay, nhà hát đang hoàn thiện về thể thức nghệ thuật cho 2 làn điệu này.

Là loại hình nghệ thuật dân gian, dân ca ví, giặm không tránh khỏi sự dị bản, trùng lặp. Để có được một tiết mục trọn vẹn, anh chị em nghệ sĩ phải đi thực tế tại cơ sở, tìm gặp các nghệ nhân để vừa tìm hiểu làn điệu, vừa học hát. Việc sưu tầm ví, giặm ngay tại địa phương để làm tăng tính xác thực cho ca từ và làn điệu nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Nhạc sĩ Văn Vượng - người chịu trách nhiệm chính trong việc sưu tầm dân ca ví, giặm bộc bạch: “Công tác sưu tầm được tiến hành cẩn thận từ ghi chép đến thu hình, ghi âm lời hát. Khi nghe nghệ nhân truyền thụ, điều quan trọng là phải nhận ra được cái chất trong ca từ, điệu bộ mà người nghệ sỹ thể hiện. Công đoạn khó khăn không kém là tìm và xác định đúng lời cổ, từ ngữ cổ rồi xây dựng cốt truyện sao cho phù hợp”.

Phục dựng dân ca ví, giặm cần sự hỗ trợ của nhiều nhạc cụ như piano, ghi-ta, sáo trúc, đàn bầu, trống… Bởi vậy, mỗi ca sĩ, nghệ sĩ phải có sự truyền thụ hợp lý, phân chia rõ ràng, đồng thời, kết hợp nhuần nhuyễn với bộ phận âm thanh để tiết mục đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh phục dựng không gian diễn xướng, đã có nhiều ca khúc mới được sáng tác dựa trên sự khai thác chất liệu dân ca ví, giặm như: “Lá thư đảo xa”, “Nghĩa tình câu hát hai quê”…

Hiện nay, dân ca ví, giặm đã đi vào đời sống bằng các phong trào văn nghệ quần chúng và sân khấu chuyên nghiệp. Trên chất liệu cũ kết hợp với âm hưởng mới, dân ca ví, giặm phát triển phong phú, mới mẻ hơn, phù hợp hơi thở thời đại mới. Nhạc sĩ Ngọc Thịnh tâm sự: “Với các di sản văn hóa thì bảo tồn và phát huy tuy là hai nhưng lại là một, chúng phải được đặt song song với nhau. Các ca khúc bây giờ viết trên chất liệu dân ca ví, giặm có sức sống lâu bền trong lòng công chúng cũng bởi lẽ đó”.

Với sự hoạt động hiệu quả của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cũng như nhiều câu lạc bộ, các làn điệu dân ca ví, giặm đã và đang được phục dựng trên không gian diễn xướng đầy sáng tạo. Gìn giữ, bảo tồn phải đi đôi với khôi phục, phát huy thì mới thực sự đưa ví, giặm trường tồn cùng năm tháng, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast