Quê mẹ...

Tiếng xe tải vừa đỗ xịch trên con đường làng ở đầu ngõ dẫn vào nhà, thì đã thấy dáng mẹ hớt hải bước thấp bước cao ra đón cháu, sau gần một ngày lo lắng dõi theo từng đoạn đường con qua. Rồi cả cái làng nhỏ Yên Trạch ( Quang Lộc, Can Lộc) của mẹ bỗng rộn lên bởi những tiếng chào xen tiếng hỏi thăm của bà con xóm giềng: “Mẹ nhà Hạnh đã về đấy ư? quý hoá quá!” cùng với tiếng đáp từ “vâng ạ” còn e dè của một đứa con dâu lần đầu tiên về thăm quê, thăm mẹ. Đứa con mà những người quê mẹ thường gọi là “người miền Nam”...

Nhà mẹ đây rồi, ngôi nhà nhỏ 3 gian có nền đất nện có liếp lá cọ đầu hiên mà đã bao năm con vẫn mong ngóng được về. Quê hương của mẹ đây rồi, cái quê hương “đất cằn đá sỏi” mà mỗi khi lời bài hát của nhạc sỹ trứ danh Nguyễn Văn Tý cất lên đã làm thổn thức bao trái tim của những người con đất mẹ xa quê, rằng “đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”…những hồi hộp, lo lắng trong con chợt tan biến ngay khi con đặt chân đến nhà bởi những tình cảm ấm áp của cha, của mẹ và những người thân mà con chưa một lần được gặp.

Bữa cơm tối đầu tiên với gia đình nhà chồng được mẹ nấu từ chiều đã đưa con về với những ngày tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ. Bát cơm gạo trắng từ cánh đồng làng quê ta, con cá chép kho đậm và bát canh dưa của mẹ sao mà ngon đến lạ. Sau bữa cơm tối vội vã, anh tiếp tục chuyến công tác tại Thủ đô, chỉ còn con và các cháu ở lại với mẹ, với quê hương. Những ngày thu muộn ở nhà, con được trải lòng với nắng, với gió, với cái tiết trời khắc nghiệt mà con chưa một lần được cảm nhận ở trời Nam. Những trận gió Lào như quất vào mặt người từng ngọn lửa đến rát mặt. Trời nóng như thiêu như đốt. Cha cầm chiếc quạt lá cọ vừa quạt cho cháu vừa chậm rãi: “Nắng tháng tám quê ta đấy con ạ! Nắng tháng tám rám quả bưởi mà các cụ thường nói là rứa đấy”.

Chiều xuống cũng là lúc hơi lạnh từ dãy núi sau nhà được dịp toả ra những làn hơi lạnh buốt, làm con phải trở giấc khi thiếu thiếu chăn giữa ngày đông giá rét năm nao. Càng về khuya cái lạnh càng tăng dần, con chỉ có thể thiếp đi sau lớp chăn mẹ lén đắp cho.Những đêm trăng không ngủ, con lại được dịp trải lòng với quê hương. Đúng dịp rằm tháng 7 của năm nhuận, quê mẹ thường giỗ lớn. Từ tối mười bốn, con đã nghe tiếng trống từ các nhà thờ họ dội về lúc nhặt lúc thưa, khi gần, khi xa xăm vô tận. Tiếng trống lan đi ánh trắng bàn bạc soi bóng những ngôi nhà nằm chen lẫn trong những vườn cọ trăm tuổi. Chốc chốc lại nghe tiếng lá cọ, lùm chuối đập phành phạch bên hiên nhà sau những đợt gió Lào thoảng qua. Cánh đồng làng quê mẹ đang mùa lúa chín như được thắp sáng lung linh, soi mình trong ánh trăng bàn bạc của những đêm rằm tháng 7… như bức tranh thuỷ mạc, huyền ảo đến nao lòng. Những hình ảnh như quen, như lạ mà con đã nhiều lần bắt gặp trong ký ức tuổi thơ mà lâu lắm rồi con mới tìm lại được.

Lần đầu tiên con về nhà, cha và anh Cả tổ chức bữa cơm họp mặt gia đình và họ hàng để con dâu một lần ra mắt họ nhà chồng, ông bà ở quê được biết con, biết cháu. Ba mâm cơm đạm bạc với bát canh quả bin mà con quen gọi là bí chanh, đĩa thịt luộc, bát thịt ngan nấu mặn và cơi trầu. Chỉ đơn giản thế nhưng lại chất chứa nghĩa xóm tình làng sâu nặng, đã làm cho con hiểu hơn về tình cảm nồng ấm, về sự chia ngọt sẻ bùi của người dân đất mẹ.

Những ngày ở quê, con có dịp được đi chợ phiên. Mười ngày 3 phiên, phiên chợ Lối của làng bao đời nay vẫn thế. Mẹ bảo: “dân quê ta vẫn đi chợ 3 hôm 1 lần, lấy tiền mô mà đi nhiều”. Mỗi phiên chợ cũng chỉ đơn giản vài nong thịt lợn, dăm rổ cá đồng được nuôi trong ruộng lúa và vài rá rau mà cũng chỉ toàn là cải xanh cay xè. Nhiều nhất trong chợ vẫn là đậu. Lạ thay! Cái giống đậu chiện, hạt nhỏ, chắc, với những chấm hoa li ti trông khá lạ mắt, nửa giống đậu xanh, nửa như đậu đỏ nhưng lại bùi và thơm phức nơi đầu lưỡi. Mẹ bảo: “chỉ có cái giống nớ thì may ra mới trồng được ở đất ni con ạ”.

Chiều quê. Ảnh: Đình Thông

Những ngày ở quê, con có dịp được sống lại những năm tháng lịch sử ác liệt trên đất mẹ. Ngã ba Đồng Lộc, con đường máu ra tiền tuyến ở quê mẹ nằm cach làng chừng 15 phút xe đạp. Ngôi mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong của quê mẹ đây rồi. Những cô gái đang tuổi hai mươi của những năm 68 có những cái tên rất bình dị như đang nhìn con với lời chào và nhắn gửi: “Quê mẹ từng ác liệt là thế nhưng cái quê hương đất cằn đá sỏi này đang vẫn còn nghèo, nghèo lắm!” vâng cũng chính nơi các cô đã nằm là nơi mà cha và mẹ đã bao lần đi qua trong 2 cuộc chiến, là lối mòn đưa anh đến trường trong những năm trung học, ăn khoai cheo thay cơm và môi tím ngắt vì không đủ áo rét trong những ngày đông giá. Những hố bom trên con đường Đồng Lộc, đường khe giao, nơi thấm máu của hàng vạn thanh niên xung phong vẫn còn đó, bên cạnh là những tấm biển được dựng lên để nhắc nhở những người hậu thế. Trên những đồi trọc năm nào giờ được phủ bằng những đồi thông xanh hun hút gió, những đồi thông thấm đẫm mồ hôi của bao thế hệ người dân quê mẹ.

Những ngày ở quê, con được trở về với ngôi trường mang tên Đồng Lộc, nơi anh đã trải qua những tháng ngày cuốc bộ hơn 7 cây số đến trường. Những dãy nhà cấp 4 được xây dựng cách đây hơn 30 năm đang yên lặng dõi theo từng bước chân của bao thế hệ học trò và cả bước chân con. Ba dãy trường lầu vừa được xây dựng mới cao ngất bên cạnh ba gian phòng thấp của những năm 50, nơi in dấu những thế hệ học trò Đồng Lộc đã rạng danh và đang góp sức mình ở khắp mọi miền Tổ quốc. nhưng mẹ lại bảo: “đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh!”. Chính mảnh đất này, tình người này mới hun đúc nên những con người như rứa.

Những ngày ngắn ngủi ở quê rồi cũng qua mau. Con phải tạm biệt mẹ! Tạm biệt quê hương! Con mang theo bóng mẹ còm và dáng cha đã quắt đi vì những năm tháng dãi dầu trên cánh đồng làng những ngày mưa dầm nắng lửa. Xa quê, con nhớ lắm lời dặn dò với theo của mẹ nhỏ dần, nhỏ dần sau tiếng còi xe: “Mần ít thôi con nhé!”.

Cảm ơn trời đã cho con một quê hương! Cảm ơn mẹ đã sinh anh để bây giờ cho con! Con sẽ lại về thăm quê, thăm mẹ!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast