Thong dong đi lễ đầu xuân

Bất chợt sáng nay trong ánh nắng non của những ngày xuân mới lòng tôi hân hoan khúc hát yêu đời. Mùa xuân của đất trời bao giờ cũng về trong sắc thắm lá hoa còn mùa xuân của lòng người lại về cùng những nghi thức thiêng liêng thành kính và những lễ hội tao nhã, thong dong…

Gần đây trên các trang mạng xã hội xôn xao những bàn luận quanh ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân rằng Việt Nam nên bỏ Tết cổ truyền mà nhập vào cùng với Tết tây. Với hằng hà sa số lý do, người thì cho là nên giữ, người bảo cần bỏ. Riêng tôi, Tết cổ truyền vẫn là một nét văn hóa độc đáo cần gìn giữ và phát huy. Những tập tục truyền thống thành kính và thiêng liêng trong dịp đầu xuân chính là chiếc neo neo buộc tâm hồn con người với bản sắc văn hóa dân tộc.

Mùa xuân cùng với những lễ nghi thành kính đẩy lòng người về chốn bình yên còn là nơi hò hẹn những nô nức hội hè, đình đám. Theo thống kê của Sở VH – TT & DL, mỗi năm Hà Tĩnh có 28 lễ hội, trong đó chủ yếu tập trung vào mùa xuân. Thường lễ hội diễn ra sau Tết Nguyên Đán và tản mạn cho đến tận cuối “tháng ăn chơi”, ra cả tháng 2 tháng 3 âm lịch. Thực hiện những quy định về tổ chức lễ hội trong Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị và mới đây là Chỉ thị 20 của Tỉnh ủy, thời gian gần đây những lễ hội ở Hà Tĩnh được tổ chức theo tinh thần văn minh, tiết kiệm mà vẫn đảm bảo đúng những nghi thức truyền thống. Vấn nạn mê tín dị đoan, đốt vàng mã, hình nộm … ở các đền, chùa, miếu, mạo và các khu di tích đã được hạn chế tối đa. Đó chính là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của những lễ hội ở Hà Tĩnh đối với khách thập phương.

Thành kính trước điện thờ Hoàng Hậu Bạch Ngọc - chùa Am (Đức Thọ)
Thành kính trước điện thờ Hoàng Hậu Bạch Ngọc - chùa Am (Đức Thọ)

Sở hữu rất nhiều đền, chùa cổ kính thiêng liêng, Hà Tĩnh tự hào mang đến cho người dân bản địa và khách thập phương rất nhiều lựa chọn cho chuyến du xuân của mình. Được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, Chùa Hương Tích (Can Lộc) với huyền tích linh thiêng, với phong cảnh mây núi phiêu bồng hàng năm đã đón hàng nghìn lượt du khách. Khai hội từ mùng 6 tháng Giêng, cũng là thời điểm những lễ nghi của Tết cổ truyền đã xong, Chùa Hương trở thành địa chỉ du xuân đầu tiên của du khách xa gần. Chẳng quản đường đi ngái ngôi, núi cao cheo leo, người người đã theo dòng lịch sử, theo dòng tâm linh đến trẩy hội Chùa Hương Tích cầu may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Diễn ra vào 12 tháng Giêng, gần đây lễ hội báo ân Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ (Hồng Lĩnh) được phục dựng thành công cũng là một lựa chọn thú vị cho nhân dân trong chuyến du xuân của mình. Cũng trong dịp đầu xuân, người dân Hà Tĩnh còn được hòa mình trong lễ hội Đền Loan nương thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu. Với những giá trị văn hóa, lịch sử linh thiêng, với địa thế đẹp và những nghi lễ thành kính, lễ hội đền Bích Châu năm nào cũng thu hút một lượng lớn du khách.

Lễ tế giỗ Loan nương Thánh Mẫu tại đền Bà Hải (Kỳ Ninh - Kỳ Anh) hàng năm thu hút đông đảo du khách
Lễ tế giỗ Loan nương Thánh Mẫu tại đền Bà Hải (Kỳ Ninh - Kỳ Anh) hàng năm thu hút đông đảo du khách

Hà Tĩnh còn là miền đất của những anh hùng và danh nhân. Du xuân ở Hà Tĩnh, ngoài việc được hòa mình trong những lễ hội vừa thành kính vừa tao nhã, vui vẻ, ta còn được trải lòng trong những phút ngưng đọng của cảm xúc khi đến thắp hương ở các khu di tích Nguyễn Du, Ngã Ba Đồng Lộc, Trần Phú, Hà Huy Tập, Phan Đình Phùng v.v… Những năm gần đây để thu hút và phục vụ du khách tốt hơn, BQL các di tích này đã không ngừng đầu tư hàng trăm triệu đến hàng chục tỉ đồng xây dựng các công trình mới phục vụ bà con. Hệ thống cáp treo hiện đại ở chùa Hương, bãi đỗ xe rộng rãi, tiện nghi, khu rửa lễ sạch đẹp, khang trang ở đền Bích Châu mới được đầu tư và đưa vào sử dụng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách thập phương. Anh Trần Đình Ước – Trưởng BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Hàng năm trong dịp đầu xuân, Ngã ba Đồng Lộc đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí có cả khách quốc tế. Chính vì thế, vấn đề phục vụ du khách trước, trong và sau Tết Nguyên Đán được chúng tôi rất chú trọng. Vừa qua BQL đã đầu tư 700 triệu đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng trong toàn bộ khuôn viên. Hiện nay chúng tôi cũng đang tiến hành chỉnh trang khuôn viên, treo băng cờ, khẩu hiệu và xếp lịch trực tết để đảm bảo phục vụ du khách chu đáo tronh những ngày đầu năm mới”. Những bước chân dập dìu đi lễ vì thế cũng như vui hơn trong nắng ấm ngày xuân. Trong khói nhang tịch lặng, ngày xuân thêm thành kính trong niềm biết ơn các anh hùng dân tộc. Và chắc hẳn mỗi người đều thêm một lần ý thức về trách nhiệm công dân của mình đối với quá khứ cũng như tương lai của đất nước.

Hệ thống cáp treo hiện đại ở chùa Hương Tích (Can Lộc)
Hệ thống cáp treo hiện đại ở chùa Hương Tích (Can Lộc)

Mùa xuân còn là mùa của những lễ hội tâm linh đậm đặc văn hóa vùng miền hay nghề truyền thống. Thường thì sau Tết Nguyên Đán, người miền biển, miền sông nước thành kính và nô nức trong lễ hội lễ hội cầu ngư, đua thuyền. Người đồng bằng thì thong dong, tao nhã trong hội chơi cờ người, cờ thẻ v.v… Xen kẽ các lễ hội đó là những tiết mục văn nghệ dân gian như ca trù, chèo Kiều, sắc bùa… Người dân lao động quanh năm quen ăn nắng, nằm sương, lễ hội mùa xuân vì thế còn là cách họ trút bỏ những nỗi nhọc nhằn để được hưởng thụ những ngày tháng thong dong…

Thực hiện những lễ nghi truyền thống trong dịp Tết Nguyên Đán và đi lễ đầu xuân là niềm ngóng đợi của rất nhiều trái tim Việt Nam yêu quê hương. Thành kính và náo nức – những cảm xúc đầu tiên của năm mới vừa nhắc nhớ bản sắc văn hóa dân tộc vừa khởi tạo trong lòng người những hạt mầm mới của sức sáng tạo, sự cống hiến cho đất nước này càng ngày càng xuân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast