Tuôn chảy mạch nguồn thiêng

(Baohatinh.vn) - Cùng với các xã vùng hạ, hệ thống di tích lịch sử văn hóa (LSVH) trên địa bàn các xã vùng thượng là nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại, tuôn chảy mạch nguồn thiêng, tiếp lửa tinh thần để Thạch Hà vững tin hướng tới tương lai.

Được nghe các bậc cao niên nói về những di tích LSVH tiêu biểu, gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của các thế hệ cha ông vùng thượng Thạch Hà, trong đó có những công trình kiến trúc cổ, đền đài, miếu mạo mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh, tôi càng muốn đến để tận mắt chiêm ngưỡng. Ông Nguyễn Bá Chiến – Phó trưởng phòng VH-TT huyện vui vẻ dẫn đường.

Tuôn chảy mạch nguồn thiêng ảnh 1
Đền Truông Bát (Ngọc Sơn)

Trời cuối thu dịu dần sắc nắng. Làng quê vùng thượng Thạch Hà như đẹp hơn với màu xanh cây trái tốt tươi, căng tràn sức sống. Dọc theo tỉnh lộ 3 và đường 21, dưới chân núi Trà Sơn, các xã: Phù Việt, Thạch Tiến, Ngọc Sơn, Thạch Vĩnh, Thạch Đài, Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Điền… là những địa danh có nhiều di tích LSVH tiêu biểu, gắn với tên tuổi các danh nhân, chí sĩ cách mạng. Chúng tôi đến thăm khu chứng tích tội ác chiến tranh thời chống Mỹ ở Thạch Tiến, thắp nén hương thơm cầu nguyện cho linh hồn của 16 học sinh tử nạn do bom đạn giặc Mỹ được siêu thoát; qua Khe Giao, vãn cảnh đền Thánh mẫu Truông Bát trước khi đến các di tích khác.

Theo ông Chiến thì hiện nay, trên dải đất vùng thượng Thạch Hà, hơn 50 di tích và nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị gắn liền với cộng đồng cư dân dưới chân núi Trà Sơn. Trong đó, gần 30 di tích được xếp hạng di tích LSVH cấp quốc gia và tỉnh. Tiêu biểu như: đền Nen, chùa Kim Liên (Thạch Tiến); nhà thờ Lý Tự Trọng (Việt Xuyên); nhà thờ cụ Mai Kính (Phù Việt); đền Thánh mẫu Truông Bát (Ngọc Sơn); đền thờ Tướng quân Nguyễn Hữu Lương (Thạch Điền); chùa Giai Lâm (Thạch Lâm) đã được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân, tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Theo đó, Phòng VH-TT huyện phối hợp Sở VH–TT&DL sưu tầm, khôi phục các lễ hội gắn với di tích như: lễ hội đền Nen, lễ tế bà chúa Thượng Ngàn (Truông Bát) được tổ chức hàng năm, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

Từ ngã ba Khe Giao, dọc theo đường 21, chúng tôi đến đền thờ, mộ Tướng quân Nguyễn Hữu Lương tĩnh tại trên một đỉnh đồi bốn bề núi biếc, bạt ngàn thông reo. Đàn cò trắng ước có đến hàng ngàn con quây quần, chao liệng trong ráng tím trời chiều, làm cho cảnh sắc không gian càng trở nên thơ mộng, hữu tình. Người xưa đặt mộ cụ trên đỉnh Cồn Mối, ngã ba khe Thình Thình, sát với đường 21 (tuyến đường chiến lược quan trọng phục vụ chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ), thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (đội 3, xã Thạch Điền), đầu gối về hướng Đông với ý tưởng để linh hồn vị tướng quân họ Nguyễn được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.

Tuôn chảy mạch nguồn thiêng ảnh 2
Đền thờ Tướng quân Nguyễn Hữu Lương trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.

Tướng quân Nguyễn Hữu Lương đã từng sát cánh với cụ Phan Đình Phùng dấy binh, phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc ngoại xâm và bị giặc bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn không khuất phục… Tương truyền, vị trí mộ cụ do “thiên lập” nên nhân dân sở tại cho đó là điều thiêng, đã xây mộ, lập miếu thờ tại đây. Mãi đến năm 2004, cháu chắt hậu duệ mới biết và trùng tu, tôn tạo thêm phần đền thờ. Năm 2010, đền thờ, mộ Tướng quân Nguyễn Hữu Lương được xếp hạng di tích LSVH cấp tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, cụ Nguyễn Hữu Lý (thị trấn Thạch Hà), một cán bộ quân đội nghỉ hưu khẳng định: “Tôn trọng quá khứ, các địa phương đã quản lý, bảo tồn, tôn tạo, khai thác di tích LSVH theo đúng Luật Di sản, góp phần phát huy giá trị, giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là “chìa khóa” để các địa phương vùng thượng thoát nghèo, vươn lên tạo dựng cuộc sống”. Quả thật, chỉ mới vài năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo các xã vùng thượng từ Thạch Kênh đến Thạch Điền đã đổi thay vượt bậc; tốc độ phát triển KT-XH khá nhanh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể.

Mạch nguồn dải đất dưới chân núi Trà Sơn với trầm tích văn hóa của tiền nhân mang đậm bản sắc dân tộc là nền tảng quý báu để Đảng bộ và nhân dân các xã vùng thượng Thạch Hà phát huy giá trị truyền thống, tạo nền tảng để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, cùng cả nước vững bước trên con đường hội nhập.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast