Vườn đào Hải Thượng Lãn Ông

Cho đến nay không có nhiều tư liệu ghi chép vườn đào Hải Thượng Lãn Ông trồng từ bao giờ, có bao nhiêu gốc, nhưng qua huyền thoại của nhân dân Sơn Quang, Hương Sơn, qua những vần thơ của thi nhân, chúng ta có thể biết rằng: Vườn đào ấy được trồng sau khi Hải Thượng Lãn Ông “ bẻ tên, cởi giáp”, cởi bỏ áo mũ trở về làng quê nuôi mẹ, chăm em. Vườn đào ấy phải được trồng từ sau 1746.

Núi Giả, Hồ Sen trong Vườn Đào

Hai trăm sáu mốt năm đã trôi qua, biết bao thăng trầm của lịch sử, vườn đào ấy chỉ còn trong hoài niệm gắn liền với y đức của một thầy thuốc tài năng lấy việc phụng sự sức khỏe nhân dân làm lẽ sống.

Từ Thị trấn Phố Châu, đến Sơn Diệm, qua sông Phố, chúng tôi đã đến vườn đào của Hải Thượng Lãn Ông. Chúng tôi đã đứng trên mảnh đất mà cách đây gần 3 thế kỷ Hải Thượng Lãn ông đã sống những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời trong thế giới thiên nhiên đầy sắc màu, trong lảnh lót chim ca, trong rì rào suối chảy, trong nghĩa tình đùm bọc của nhân dân Tĩnh Diệm (Sơn Quang bây giờ). Trước mặt vẫn sông Phố trong xanh uốn khúc. Sau lưng trùng điệp núi non. Những rặng tre phía Tây không còn. Thay vào đó là những cây xoan đâu, hàng xà cừ xanh tốt. Vườn thuốc nam của Hải Thương không còn thay vào đó là những vạt sắn, khóm rau, nương khoai của nhân dân trồng trọt, chăm sóc.

Trước đây, vườn cụ Hải (nhân dân vẫn quen gọi Hải Thượng Lãn ông một cách thân mật là cụ Hải) rộng 3 ha. Nhưng bây giờ chỉ còn 1 ha. Ba phía đã được xây dựng tường rào chắc chắn. Nhưng vẫn còn đó núi Giả, hồ Sen. Núi Giả hồ Sen nằm sát góc vườn. Núi cao 4m, diện tíc 42 m2. Hồ Sen hình bán nguyệt ôm chân núi ở phía Tây Bắc. Núi Giả đã được tôn tạo, xanh rì cỏ mật. Hồ Sen đã được kè đá. Nơi đây, Hải Thượng Lãn ông đã dùng làm chỗ quan sát hướng gió, xem thời tiết để bắt mạch, kê đơn, chữa bệnh. Trước đây, trên đỉnh núi Giả còn có cây cột, cụ Hải cắm lá cờ đuôi nheo để biết hướng gió mà đoán thời tiết phục vụ cho việc chẩn trị. Núi Giả hồ Sen cũng là nơi Hải Thượng Lãn ông cùng bạn hữu ngắm trăng thanh, gió mát, đàm đạo văn chương trong những phút thư thái thanh nhàn.

Một góc nhà thờ trong Vườn Đào

Nơi đây trong 44 năm sinh sống, Hải Thượng Lãn Ông đã: “ tầm sư học đạo”, đúc rút, nghiên cứu, sáng tạo viết nên pho sách đồ sộ: “ Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 cuốn bao gồm đủ các mặt: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng… Cũng nơi đây Hải Thượng Lãn ông đã viết những vần thơ tài hoa về cảnh sắc thiên nhiên và nhân sinh thế sự và sống những ngày cuối cùng trong cuộc đời trong đề huề con cháu, trong tình nghĩa của làng xóm, nhân dân… Điều này đã được Hải Thượng Lãn Ông ghi lại trong: “ Thượng kinh ký sự”: “ Gặp lúc trời xuân sáng láng, hoa cỏ tốt tươi, mấy cây ở sân nhà của tôi nở hoa, kết quả, tuyết rủ, hương bay…trong cái ao mé Tây vườn đào cá tung tăng ra đớp những vầng trăng nhấp nhô trên sóng, chim oanh qua lại vun vút như thoi, bay vào làn cây mát rượi, tôi thường dắt tiểu đồng lên núi tha hồ ngắm cảnh khói mây để tiêu khiển. Hoặc ngồi ở đình Nghênh Phong buông câu, hoặc ngồi ở lầu Tỵ Huyên mà gảy đàn, hoặc ngồi ở đình Tối Quang mà đọc sách, hoặc ngủ dưới bàn thờ nhà dì Châu mà tha hồ vui thú thường ngà ngà say mới về nhà”.

Nhân dân Sơn Quang kể rằng: “ Vào khoảng năm 1750 Cụ Hải ươm đào và nhân giống. Đây là giống đào phai của địa phương. Gốc và cành đào có màu đồng hun. Giống đào hoang dại này mọc nhiều ở núi Nen. Cây to, tán rộng, nhiều cành, hoa năm cánh, màu hồng phai. Quả nhỏ, nhiều lông, lúc chín vỏ màu vàng xanh, hạt nhỏ”. Trong gia phả họ Lê cũng ghi rằng: “ Vườn đào rộng 6 mẫu (3 ha) nằm sát bờ phải sông Ngàn Phố”. Hải Thượng Lãn ông trồng đào không chỉ là thú chơi hoa ngắm cảnh chủ yếu đó là những vị thuốc quý. Lá đào sắc chữa nhọt, hạt đào chữa bệnh phụ nữ có trong các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông. Đào mọc quấn quýt trước sân, trước cổng, sau nhà. Mùa xuân, khi hoa nở rộ, ong bướm ríu ra ríu rít tìm hoa hút mật. Ông Lê Hữu Quý - Chủ tịch Hội đông y huyện Hương Sơn -Cháu đời thứ 6 của Hải Thượng Lãn ông cho biết: “ Trước đây, trong khu vườn Hải Thượng Lãn ông có 7 ngôi nhà: Nhà nghinh phong để đón khách, nhà di chân dùng để nghỉ ngơi, nhà bếp và 4 nhà còn lại: Nhà sao sấy thuốc, nhà kê đơn, bắt mạch, khám bệnh, nhà kho đựng thuốc, nhà cho người bệnh nghỉ ngơi”. Bây giờ 7 ngôi nhà ấy đã không còn. Năm 1972 họ Lê Hữu thuộc chi Sơn Hòa đã hiến 3 gian nhà thờ (gỗ xoan mít, tứ trụ, kẻ chuyền chụp có chạm khắc ở đuôi kẻ và cánh cửa panô cảnh xuân, hạ thu, đông và long li quy phượng) để làm nhà thờ, được đặt trên nền nhà cũ. Trong nhà thờ có bàn thờ, có bộ ngũ sự bằng đồng gồm một lư hương to, 2 con hạc, 2 ống đèn thắp dầu lạc, lư hương đốt đồng (do quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng cúng năm 2004). Tượng thạch cao quét nhũ đồng (do Tỉnh hội đông y Nghệ Tĩnh tặng), chuông đồng, trống (do Tỉnh hội đông y Hà Tĩnh tặng) … Còn tất cả di vật của Hải Thượng Lãn Ông trải qua thời gian đã bị mất mát và thất lạc kể cả ống sáo diều chúa Trịnh Sâm ban cho Hải Thượng Lãn Ông (khi chuyển sang nhà thờ Đại tôn ở Sơn Diệm).

Vì vậy, hiện nay, chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 283 năm ngày sinh Hải Thượng, “ Dự án đầu tư tu bổ tôn tạo quần thể di tích Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác” với ngân sách 21 tỷ do Bộ y tế chủ quản đầu tư và Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác làm chủ đầu tư với các hạng mục: Khu mộ, tượng đài, khu đón tiếp; khu đền thờ, trong đó có vườn đào, núi Giả, hồ Sen. Để di tích Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông xứng đáng với tầm vóc, đóng góp to lớn của Người; trở thành khu du lịch tâm linh, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân còn nhiều việc phải làm, trong đó cần thiết sưu tầm các di vật, trước tác của Hải Thượng Lãn ông còn thất lạc, kể cả việc khôi phục lại núi Giả, hồ Sen và vườn đào đúng hiện trạng…

Đã là cuối đông, gió Đông hây hẩy, chẳng có hoa đào, én đã xập xè chao liệng. Trong man mác của giao thời khi xuân sắp đến, trong lãng đãng sương khói, hình như Hải Thượng Lãn Ông đang từ núi Nen trở về.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast