Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời

Mỳ tôm Miliket, xe đạp Thống Nhất, quạt con cóc, kem đánh răng Hynos... là những sản phẩm gắn liền với nhiều thế hệ người Việt Nam. Khi vào thời hoàng kim, những cái tên này là lựa chọn tất yếu của đa số khách hàng, là kỷ niệm gắn bó suốt nhiều năm. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà những sản phẩm ấy chỉ còn là những thương hiệu vang bóng một thời...

Lửa Thống Nhất, Xưa và Nay

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời

Diêm Thống Nhất xưa dần được thay thế bằng những chiếc bật lửa

Thắp đèn dầu bằng que diêm Thống Nhất là kỷ niệm đã trở thành quen với người Hà Nội xưa. Bởi từ đó, mới có lửa thắp sáng, châm lửa nấu cơm, hay đôi khi đơn giản chỉ là để hút điếu thuốc.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - tác giả những cuốn sách như Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội – nhớ lại: "Bao diêm hiếm tới mức có giai đoạn bán những gói diêm gọi là diêm tiết kiệm. Những que hỏng, chập làm 2, ít diêm sinh cho vào 1 gói bán. Nhưng mà cũng không phải lúc nào cũng có để mà bán cho người tiêu dùng. Có những trường hợp không may bị ẩm không đánh được. Bằng mọi cách phải đặt lên chỗ ấm cho khô, còn nếu bỏ đi thì là lãng phí và tiếc nuối".

Ngày ấy, cũng như bao sản phẩm khác, bao diêm được bán phân phối, không dễ dàng có được, nên tiết kiệm trở thành thói quen của người tiêu dùng bấy giờ.

Nhà máy diêm Thống Nhất trải qua bao thăng trầm vẫn tồn tại cho tới tận ngày nay. Chiếc bao diêm còn lại duy nhất của một thời để nhớ vẫn được ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất gìn giữ như một kỷ niệm.

Vị giám đốc này chia sẻ: "Trước khi bao diêm bằng gỗ, dán giấy chung quanh. Đầu màu đen, ngắn. Còn nay làm bằng giấy carton, đầu màu đỏ thì mọi người rất thích".

Thế nhưng, những nỗ lực đổi thay mẫu mã dường như vẫn chưa đủ khi thói quen dùng diêm chẳng còn như xưa. Những bảng nội quy từ hàng chục năm về trước, những cỗ máy gần 30 năm tuổi đời rất có thể, rồi một ngày sẽ không còn cần tới nữa. Khi doanh thu bán diêm, vốn có thời điểm đạt 200 triệu bao/năm thì tới nay, sau 5 năm, chỉ còn một nửa.

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời

Những bảng nội quy từ hàng chục năm về trước rồi một ngày sẽ không còn cần tới nữa

Ông Nguyễn Hưng cho biết: "Khi mở cửa, kinh tế thấp trăm hoa đua nở vì nhu cầu rất cao, nhưng hiện tại nhu cầu không còn nữa, bật lửa, điện thay thế, diêm dùng rất ít. Có lúc người ta hỏi tại sao vẫn còn diêm Thống Nhất".

Những chiếc bật lửa Thống Nhất ra đời đang dần thế chỗ của bao diêm Thống Nhất một thời. Khi doanh số bật lửa tăng trưởng gấp 7 lần trong vòng 4 năm qua. Que diêm năm nào có thể đang dần tắt nhưng ngọn lửa Thống Nhất vẫn tiếp tục cháy.

Miliket – Sự tích Mì tôm

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời

Mì ăn liền vẫn thường được người tiêu dùng Việt Nam gọi tắt là mì tôm. Vậy cái tên đó có nguồn gốc từ đâu?

Ngày ấy, vào trước những năm 1975 có một loại mì có tên là mì tôm Colusa của Xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Colusa. Khoảng hơn 10 năm sau, vào năm 1985, Xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket được thành lập. Sau đó, vào năm 2004, 2 xí nghiệp này được sáp nhập thành Xí nghiệp Chế biến lương thực thực phẩm Colusa – Miliket. Mì tôm Miliket ra đời từ đấy. Đây cũng là thương hiệu nắm vị trí thống lĩnh trên thị trường thực phẩm, với nhãn hiệu 2 con tôm, cũng vì thế đến tận bây giờ người dân vẫn quen gọi là Mì tôm.

Những năm 80, mì Miliket được coi là món ăn hảo hạng, có giá từ 500 đến 1.000 đồng, mức giá đắt đỏ thời bấy giờ. Vì thế không phải lúc nào cũng được ăn mì miliket. Thậm chí chỉ khi ốm mới được "tẩm bổ" bằng mì tôm.

Rồi đến những năm 90, khi kinh tế khấm khá hơn, mì Miliket trở nên phổ biến, là món ăn khoái khẩu của mỗi gia đình. Đặc biệt, nó là thứ lương khô không thể thiếu trong thùng đồ của từng thế hệ sinh viên. Đầu tháng, bố mẹ chưa kịp gửi tiền, ăn tạm mì tôm. Giữa tháng, đãi bạn đến chơi cũng mì tôm. Cuối tháng, hết tiền, lại mì tôm.

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thờiSố phận những con tôm Miliket đã thay đổi

Việt Nam hội nhập, đón những ông lớn trong ngành thực phẩm bước chân vào thị trường. Hàng loạt các loại mì khác ra đời. Số phận những con tôm Miliket đã thay đổi. Thị phần của Colusa-Miliket bắt đầu bé lại, chỉ còn chưa đến 4%, chủ yếu ở nông thôn.

"Oẳn tù tì ra cái gì ra gói mì" - Bây giờ, ít ai còn đọc những câu vè như thế. 30 năm, 2 con tôm Miliket vẫn chụm đầu vào nhau, an phận. Những con tôm không đủ sức cạnh tranh nơi biển lớn, ngày càng bơi giật lùi về phía ao làng, để lại chuyện sự tích mì tôm.

Quạt Con cóc điện cơ Thống Nhất

Những vòng quay dần tắt

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời

Quạt con cóc - chiếc quạt một thời là thứ chống nóng xa xỉ của nhiều gia đình

Thời xưa, đồ điện là những thứ xa xỉ, chỉ những gia đình khá giả mới có. Quạt con cóc - chiếc quạt một thời là thứ chống nóng xa xỉ của nhiều gia đình. Nếu có thì trong những ngày nắng nóng cũng chỉ ưu tiên cho người già hay trẻ con dùng, chứ thanh niên, người khỏe mạnh ít khi được hóng gió từ quạt con cóc.

Đã 20 năm nay, thỉnh thoảng ông Dân lại mang chiếc quạt ra lau chùi, chỉnh sửa, tra dầu mỡ. Ông Dân xem như là của hiếm. Vì ông bảo, nó chính là một trong những chiếc quạt con cóc đời đầu mà ông may mắn có được. Gọi là quạt con cóc vì thân quạt gồm hai mảnh nhựa ốp vào nhau, bọc lấy phần lõi đồng bên trong. Hình dáng giống y như con cóc.

Ông Dân nói: "Quạt này vẫn mua được nhưng là quạt con cóc khác chứ không phải 2 mảnh như này, đây là 2 mảnh tách ra được. Nếu so độ bền thì quạt bây giờ sao chạy bằng quạt ngày xưa được. Chất lượng kém rồi, không thể bằng thời bao cấp được. Chính thức của nó là quạt 35 đồng, còn nếu cánh nó đảo nó nhảy thì người ta mới gọi là quạt con cóc".

Xưa, Liên Xô có quạt "tai voi", thì Việt Nam có quạt "con cóc". Quạt do Xí nghiệp điện cơ Thống nhất sản xuất. Quạt con cóc hay còn gọi quạt 35. Bởi giá bán thời đó là 35 đồng. Tính ra đến cả nửa tháng lương của một cán bộ công chức. Chiếc quạt trở thành thứ hàng Việt có tiếng nhất thời bấy giờ.

Dù được sản xuất khá đơn giản, nhưng ông Dân vẫn xuýt xoa mãi về chất lượng của những Con cóc thời ấy: "Thời bao cấp làm bằng đồng bạc rất tốt, đến giờ vẫn chạy chứ đến bây giờ thì không bao giờ chạy được như thế mà nó chỉ chạy được chậm chứ không chạy tít được như thế vì ngay xưa thời bao cấp người ta quấn những cuộn dây mà dây cực tốt chứ không phải như dây bây giờ, dây bây giờ nó là cũng là dây đồng cũng là dây dẫn điện nhưng không thể bằng dây ngày trước được cho nên nó chạy được mấy chục năm rồi mà nó vẫn chạy được như thế… Dưới này là bộ chân đứng, trong quá trình lâu quá thì nó hỏng thì lại chế ra thế này chứ ngày trước có 3 cục cao su để chạy khỏi rung lắc. cánh nhựa là nhựa tốt đến nay vẫn chạy được".

"Quạt con cóc không lồng không nóc" chạy ro ro ở cuối giường một thời, chỉ sợ ngủ quên đá vào cánh quạt. Nhưng thời bao cấp hàng hoá khan hiếm, những mặt hàng gia dụng như chiếc quạt con cóc điện cơ Thống nhất luôn là thứ tài sản lớn của mỗi gia đình. Mỗi nhà thường cũng chỉ có một chiếc. Nên không phải ai trong nhà cũng được dùng quạt. Cũng không phải quạt lúc nào cũng được bật. Chỉ ưu tiên trưa, tối hay những lúc thật nóng.

Ông Nguyễn Tiến Khuê kể lại: "Quạt này bán là phải theo phân phối đến cơ quan và những người người ta được gắp thăm thì mới mua được cái quạt này chứ còn ngoài ra thì không bao giờ mua được cả. Nhìn nó tưởng tượng ra được nhiều thứ, trông về hình thức, về chất lượng nó khác hẳn những dòng quạt đời mới bây giờ".

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời"Con cóc điện cơ" lùi vào một góc, thay vì thổi gió mát khi xưa, giờ thổi lửa cho bếp than tổ ong…

Sau này, những năm đầu sau khi đã xoá bỏ cơ chế bao cấp. Hàng hóa trên thị trường phong phú hơn. Quạt Trung Quốc giá rẻ ùa vào. Sau nữa, xí nghiệp mà nay là Công ty cổ phần điện cơ Thống nhất cũng cho ra đời hàng loạt các loại quạt khác nhau. Rồi hàng loạt các loại quạt nhập ngoại. Những vòng quay của quạt con cóc đình đám một thời cứ chậm dần, chậm dần. Không biết lúc nào, "con cóc điện cơ" lùi vào một góc, thay vì thổi gió mát khi xưa, giờ thổi lửa cho bếp than tổ ong…

Giày Thượng Đình loay hoay tìm cách bước tiếp

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời

Với những người công nhân thời bao cấp, được phát 1 đôi giày Thượng Đình là lựa chọn không thể thiếu trong bộ đồng phục bảo hộ lao động. Hàng chục năm trôi qua, hình ảnh chiếc giày Thượng Đình màu xanh năm nào vẫn gần như không thay đổi.

Phổ biến hơn, vào những năm 80, gần như nhà nào cũng có 1 đôi giày Thượng Đình màu đen sọc cam, hoặc màu trắng sọc xanh. Nhẹ và có cảm giác thật chân, với không ít người công nhân năm nào, như ông Hùng, thì đôi giày này đã dần trở thành 1 thói quen khó bỏ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ: "Phải nói là đôi giày Thượng Đình bao quát được đời sống trong 1 giai đoạn. Những hôm trời giá buốt không thể thiếu đôi giày. Vói đôi tất sợi nữa thì đảm bảo rằng giữ được sức khỏe, nhất là trẻ con đi học không sợ ốm, sợ cảm là gia đình yên tâm".

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời

Vẫn đôi giày năm nào, vẫn khiêm tốn gọi tên là đồ bảo hộ lao động. Dù có thêm những mẫu mã mới, nhưng kệ hàng giày Thượng Đình đang dần vắng khách hơn trước cơn bão hội nhập. Dù doanh thu hàng trăm tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm. Đôi giày màu xanh năm nào đang loay hoay tìm cách bước tiếp.

Khóa Minh Khai: Cú vấp 1 thương hiệu

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời

Năm 1972, bom giặc Mỹ tàn phá thủ đô. Nhà máy khoá Minh Khai được thành lập dưới bàn tay của những người công nhân vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Những chiếc khoá Minh Khai đầu tiên ra đời dần chiếm trọn tình cảm của người dân qua nhiều thời kỳ.

Từ thời tem phiếu, đến thập niên 90 rồi cả những năm 2000 từ nhà phố đến tập thể, khoá Minh Khai được ưa dùng, vững vàng trên thị trường và trở thành 1 trong những thương hiệu khoá lớn nhất cả nước. Thậm chí, có nhiều chiếc khoá đã vượt được biên giới, sang châu Âu. Người dân miền Bắc một thời tin tưởng khoá Minh Khai, coi đó là niềm tự hào.

Thế nhưng, tháng 1/2008, hàng nghìn ổ khoá giả bị phát hiện trong nhà máy. Khoá Trung Quốc được nhập về, thay vỏ, đội lốt khoá Minh Khai với giá bán tăng gấp đôi. Khoá Minh Khai tự làm giả mình, tự rũ bỏ niềm tin của người dùng sau hàng chục năm gầy dựng tên tuổi.

Trong 1 bức tâm thư được đăng vào thời điểm đó, những người công nhân đã viết: "Người lao động chúng tôi biết tin mà đau, đau vì sự gục ngã của cả một thương hiệu mạnh. Đến bao giờ khóa Minh Khai mới lại vực dậy mình, trở lại góp mặt như một trong những thương hiệu khóa lớn nhất cả nước? Hãy cho chúng tôi thời gian để làm lại".

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời

Hơn 20 năm bán khoá, hàng chục năm theo nghề, những người cựu công nhân đã chứng kiến những ngày hoàng kim và cả những ngày ổ khoá Minh Khai nép mình trong gian tủ. Cạnh tranh với đối thủ nội, đối thủ ngoại không khó bằng giành lại niềm tin của người dùng.

Niềm tin về sự an toàn của ngôi nhà được trao cả vào ổ khoá. Nhưng nếu chiếc khóa không giữ lại được niềm tin người dùng, thì chính nó sẽ bị khoá chặt tương lai.

Cuộc đời chìm nổi của anh Bảy Chà Hynos

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời

Những năm 60-70 của thế kỷ trước, ở miền Nam đã xuất hiện hình ảnh của anh Bảy Chà - một người đàn ông với nước da ngăm đen nhưng nổi bật với hàm răng trắng. Các quảng cáo về anh Bảy Chà thời đó đều rất thú vị, chẳng hạn như mẩu quảng cáo này: về sự liên quan giữa việc trồng lúa và chăm sóc răng.

Anh Bảy Chà "sinh" năm 1965 tại Sài Gòn. Ông Vương Đạo Nghĩa là người có công lớn giúp anh nổi tiếng và cũng là người tiên phong trong tiếp thị kiểu phương Tây với việc bỏ ra hơn 50% lợi nhuận để dành cho quảng cáo – một con số và những cách làm chưa từng có thời bấy giờ.

Chỉ một thời gian ngắn, anh Bảy Chà đã gây ấn tượng với hàm răng trắng và khuôn mặt đen.

Diễn viên Mai Thanh Dung chia sẻ: "Làn da của anh Bảy Chà thì đen thiệt là đen, đen nhánh luôn còn hàm răng thì trắng bóc luôn thì đủ nói lên chất lượng của kem đánh răng này. Mỗi một buổi trưa, cái giờ nhạc từ 11 - 12h luôn luôn quảng cáo có xuất hiện kem Hynos. Cô nhớ bài hát quảng cáo kem Hynos, cái kết của bài hát: Anh Bảy Chà nhà ta đen, Hynos".

Thời bấy giờ, mọi góc phố đều xuất hiện hình ảnh anh Bảy Chà, lấn át các thương hiệu Việt cùng thời như Perlon, Leyna và thậm chí là hơn cả các tên tuổi ngoại thời đấy như Colgate.

Thời hoàng kim chỉ kéo dài 10 năm. Sau 1975, hãng Hynos sáp nhập với Kolperlon - đối thủ trước đó - thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan. Đến năm 1978 anh Bảy Chà cũng không còn xuất hiện nữa, thay vào đó là sản phẩm P/S.

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thờiAnh Bảy Chà giờ cũng đã xuất hiện nhưng khiêm nhường hơn trước rất nhiều

Năm 2002, sau khi bán thương hiệu P/S cho Unilever, công ty P/S quay lại hồi sinh anh Bảy Chà với việc sản xuất kem Hynos. Anh Bảy Chà giờ cũng đã xuất hiện nhưng khiêm nhường hơn trước rất nhiều. Không còn những tấm biển quảng cáo cỡ lớn mà chỉ chiếm vị trí nhỏ trên vỏ hộp. Vị trí cũng khó thấy hơn trên kệ hàng trong siêu thị.

Đã không còn thời kì hoàng kim giờ chỉ còn thế hệ 5x, 6x mới nhận ra người quen cũ: Anh Bảy Chà - Hynos.

Cao su Sao Vàng - Nỗ lực để không bị hụt hơi

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời

Ngày xưa, nhớ một thời bao cấp xe đạp còn tràn ngập trên các con phố Hà Nội thì bộ phận dễ hỏng nhất của chiếc xe ngày ấy luôn là săm và lốp, cũng là khi Cao Su Sao Vàng là lựa chọn duy nhất của người tiêu dùng.

1 cái bơm, 1 chậu nước, dụng cụ vá chín hay vá nguội – đây là những món đồ nghề quen thuộc của gia đình ông Vũ Thành Công, vốn làm nghề sửa xe đạp từ những năm 60. Ông nhớ lại, nhà có điều kiện thì vá 3-5 lần là thay săm mới, còn kém hơn thì có khi phải tới gần chục lần.

Ông Công cho biết: "Ví dụ những đoạn đường đá dăm thì bê xe lên, qua đoạn đường ấy rồi để xe xuống rồi mới đạp. Có đôi lốp quý lắm. Vận chuyển về nhà thì không buộc vào xe đâu vì sợ nó vênh, mà khoác vào vai mang về, giữ lắm".

Ngày xưa, lốp xe cũng có nhiều phẩm cấp, mỗi cấp có 1 con dấu riêng để phân biệt. Loại 1 là tốt nhất, có dấu hình bầu dục. Loại 2 đóng dấu hình thoi. Loại 3 - loại tiết kiếm có dấu hình chữ nhật. Còn cuối cùng là loại F, loại phế phẩm, đóng dấu hình tròn.

Từ việc đáp ứng nhu cầu xe đạp, rồi sau đổi mới là tới xe máy, ô tô tải trọng nhỏ, rồi tải trọng lớn, thậm chí là máy bay. Từ 1 vài kiểu dáng, nay đã có hàng trăm mẫu mã. Cao Su Sao Vàng vẫn tồn tại. Thế nhưng, từ vị trí độc nhất, thì nay chỉ là 1 trong hàng trăm thương hiệu săm lốp lớn bé trên thị trường. Biên lợi nhuận năm ngoái giảm 1 nửa so với năm trước, chỉ xấp xỉ khoảng 3%.

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng cho biết thêm: "Trong vài năm qua thị trường lốp cạnh tranh rất khốc liệt, ngay cả trong và ngoài nước. Nên chúng tôi ngày càng phải cải tiến về chất lượng, công nghệ, làm sao giá cả hạ, cạnh tranh với thị trường".

Những chiếc săm vá chằng vá chịt một thời nay không còn nữa. Giờ chỉ cần 1 vết thủng là thay săm mới. Xe giờ lúc nào cũng căng hơi nhưng săm Cao su Sao Vàng lại đang cố để không hụt hơi...

Ai còn nhớ mỳ Miliket, quạt con cóc... - những thương hiệu vang bóng một thời
Theo VTV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast