Bài học từ thiên tài Nguyễn Du vẫn còn đó

(Baohatinh.vn) - Bản chất của lao động nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng là sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo. Trong sáng tạo có chuyện cũ, mới. Trong đổi mới thì có cái mới lạ nhưng cũng còn cái vĩnh hằng. Đó là căn cứ để trong dịp đón Tết, vui xuân Đinh Dậu này, đề nghị người cầm bút hôm nay hãy cùng tôi tìm lại bài học từ thiên tài Nguyễn Du trong sáng tác văn chương. Mặc dù Nguyễn Du thuộc phạm trù văn học trung đại, còn chúng ta thuộc phạm trù văn học hiện đại, cách nhau thời gian, khác nhau nhiều phương diện.

bai hoc tu thien tai nguyen du van con do

Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du

Ở đây, chính từ vấn đề cũ mới và trong đổi mới vẫn có những giá trị vĩnh hằng mà tôi muốn quý vị cầm bút hôm nay cùng tôi tìm lại bài học từ thiên tài Nguyễn Du. Vậy bài học đó là gì? Với tôi, thì đó là bài học về chuyện chống và xây trong sáng tác văn chương của thiên tài Nguyễn Du.

Trong cuộc sống cũng như trong văn chương, nói đến chống là nói đến sự bất bình, chê bai, đả kích, lên án, nguyền rủa, kết tội những thứ người ranh ma, quỷ quyệt, hại dân, hại nước, những hiện tượng xấu xa, bỉ ổi giữa cuộc đời. Còn xây là sự vun đắp, tài bồi, ngợi ca những con người tử tế, thánh thiện, những hành động tốt lành có lợi cho bản thân, gia đình, xã hội, nhân quần. Đó là những giá trị người hoặc đã lộ rõ, hoặc còn ẩn náu, hoặc đang nhú mầm trong cuộc sống.

Chống thì đi đôi với tiếng chửi. Xây thì đi đôi với tiếng hát. Chửi và hát thường cũng có mặt trái, mặt phải. Đành là cuộc sống có khi cần tiếng chửi hơn tiếng hát nhưng nhìn chung cuộc sống vẫn cần tiếng hát hơn tiếng chửi cũng như cần tiếng cười hơn tiếng khóc. Không phải là một người chuyên nghề theo dõi tình hình văn chương cũng như phim ảnh của đất nước hiện nay nhưng tôi đã mạo muội nói những điều sơ khoáng như trên. Đến đây lại muốn được nói thêm rằng, với nền văn học hiện thời của đất nước, phần chống đã có độ bề thế nhưng phần xây thì xem ra còn èo ọt, lơ phờ lắm. Thậm chí, có thứ xây mà lại là phá như truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện của LVL được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, được chuyển thể lên phim chiếu đi, chiếu lại nhiều lần.

bai hoc tu thien tai nguyen du van con do

GS Nguyễn Đình Chú (thứ hai từ phải sang) và các học giả, nhà nghiên cứu tại lễ ra mắt Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh

Gần đây, trong phim ảnh như Ma làng, Đồng tiền quỷ ám, Gia phả của đất, Lựa chọn cuối cùng… thì quả thật thấy nổi lên vẫn là màu đen, vẫn là chuyện chống, xem thì thích đấy, thì phục các tác giả đấy nhưng rồi lại buồn cho cuộc sống, cho đất nước. Thảng hoặc mới có được chút vui khi với phim Bỗng dưng muốn khóc thấy một con bé lạc cha, lạc mẹ phải bỏ quê lên Sài Gòn sống cù bơ cù bất với nghề bán sách báo ngoài đường mà đã cứu được thằng con của một gia đình khá giả, ăn chơi trác táng trở lại thành người lương thiện. Giá trị người đâu cứ phải ở những gì cao siêu, to tát. Chỉ ở cuộc sống bình dị ở những con người bình thường mà có được như thế đã là cần và quý lắm rồi. Nếu những giá trị bình thường như thế mà trở thành phổ cập trong toàn dân thì đó mới là sự sống tốt lành của đất nước.

Đừng quá lo chuyện công đức mà coi nhẹ tư đức trong khi chính tư đức là gốc rễ của công đức. Tôi cầu mong các văn sỹ hôm nay hãy có thêm hướng đó mà bằng tài năng sáng tạo của mình xây thêm bề dày nhân bản cho đất nước. Hãy tìm lại bài học từ Nguyễn Du thiên tài chống, xây trong sáng tạo văn chương. Truyện Kiều chống, ai chống những gì là điều đã quá quen thuộc với chúng ta, chẳng cần nói lại. Còn chuyện xây thì Nguyễn Du đã để lại cho đất nước một nàng Kiều mà người Việt Nam ta xưa nay ai cũng thương, cũng quý. Bởi ở nàng Kiều, tuy cũng có điều này, điều khác có thể bị chê bai nhưng nàng Kiều vẫn là một hình ảnh hội tụ nhiều giá trị người nhất, không một nhân vật nữ nào trong văn học Việt Nam xưa nay sánh kịp.

Nàng Kiều đẹp từ hình hài, nhan sắc đến tấm lòng nhân thế… Đẹp trong đau khổ. Đẹp trong hoạn nạn, làm đĩ về thể xác, chứ không làm đĩ trong tâm hồn, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” . Đẹp trong khi mình là người đắc thắng trước đối phương thù địch của mình. Đẹp trong khi mình phạm sai lầm. Đẹp cả khi hạnh phúc đã trở lại với mình sau bao năm bị đầy đọa, ê chề. Năm 1962, một bà cụ già người Tiên Điền, hơn 80 tuổi, không biết chữ nhưng thuộc lòng cả Truyện Kiều đã nói với tôi: “Con Kiều khổ nhất nước Nam và cũng đẹp nhất nước Nam, bầy tui thương nhất con Kiều”. Tôi hỏi lại bà cụ: sao không nói bà Trưng, bà Triệu lại nói con Kiều đẹp nhất nước Nam. Bà cụ đáp: “Bầy tui nỏ biết chi mô. Chỉ thấy rứa thì nói rứa”.

Thiên tài Nguyễn Du đã xây cho đất nước một tượng đài hội tụ bao nhiêu giá trị người là Thúy Kiều như thế. Trong những giá trị nhân bản này có vấn đề mà hôm nay hậu thế đang lắm người nhiệt tâm theo đuổi. Nguyễn Du chẳng đã tung ra bức tượng khỏa thân độc nhất vô nhị là nàng Kiều trong văn học trung đại Việt Nam bằng thủ pháp nghệ thuật là hở nhưng vẫn kín, dành phần cho người đọc tự suy tưởng Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Với Nguyễn Du, sex là như thế. Hậu thế có nên nối tiếp cụ Nguyễn không nhỉ?

Trong kho báu nhân bản của nàng Kiều cũng đã xuất hiện cái Tôi – cá thể mà hôm nay nó cũng đã trỗi dậy như ngựa không cương, mặc sức tung hoành mà xem ra chưa ổn chút nào, bởi có chuyện văn học phải đến với cái tôi hết cỡ nhưng lại phải tường minh thế nào là cái Tôi chân chính, thế nào là cái Tôi bất chính, kể cả vấn đề quan hệ giữa cái Tôi và cái Ta là thế nào. Chứ chỉ chạy theo một bề cái Tôi thì chông chênh, bất ổn là điều cầm chắc. Ở vấn đề này, Nguyễn Du qua hình tượng Thúy Kiều cũng đã để lại cho hậu thế bài học quý giá về sự hài hòa giữa cái Tôi và cái Ta. Thúy Kiều rất vị kỷ mà cũng rất vị tha. Chúng ta đã rõ. Có thể nói thêm cái Tôi trong Truyện Kiều mới ló mặt nhưng xinh đẹp hơn cái Tôi của văn học lãng mạn về sau do đã tạo được sự hài hòa rất đẹp Tôi - Ta.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast