Bảo tàng Hà Tĩnh tiếp nhận mặt trống đồng cổ Đông Sơn

(Baohatinh.vn) - Bảo tàng Hà Tĩnh vừa hoàn tất thủ tục tiến hành thỏa thuận, tiếp nhận một mặt trống đồng cổ Đông Sơn nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giữ gìn và trưng bày.

Trước đó, trong quá trình đào đất tại khu vực vườn nhà, một gia đình ở xã Thuần Thiện (Can Lộc) đã phát hiện được một mặt trống đồng cổ Đông Sơn nằm ở độ sâu dưới lòng đất gần 1m.

Mặt trống đồng cổ Đông Sơn vừa được Bảo tàng Hà Tĩnh tiếp nhận

Mặt trống đồng cổ Đông Sơn vừa được Bảo tàng Hà Tĩnh tiếp nhận

Trên bề mặt của trống đồng rộng hơn 40cm, trọng lượng khoảng 3-5kg, được chạm khắc nổi rất nhiều hoạ tiết, hoa văn hình học tinh xảo đẹp mắt, từ trong ra ngoài có tất cả 9 vòng hoa văn đồng tâm bao bọc lấy nhau.

Phần giữa mặt trống là đường tròn rộng hơn 10cm, bên trong chạm khắc nổi hoạ tiết hoa văn ngôi sao hình mặt trời 10 cánh, xen giữa được điểm xuyến bằng những đường vạch chéo có hình tam giác lồng vào nhau. Bao xung quanh tâm là vòng tròn chạm khắc hoa văn hình chữ J gãy khúc, còn lại là biểu tượng khắc nổi hình 3 con chim lạc đang bay theo chiều ngược kim đồng hồ. Tiếp đến là các đường viền tròn kích cỡ nhỏ, to khác nhau được chạm nổi các hoạ tiết hoa văn như, xoắn ốc hình quả trám, răng cưa và các vạch ngắn song song đều nhau.

Được biết, đây là mặt trống đồng Đông Sơn cổ rất độc đáo, quý hiếm, lần đầu tiên được phát hiện tại địa bàn Hà Tĩnh với niên đại cách ngày nay khoảng hơn 2.000 năm, thuộc vào loại trống đồng Đông Sơn Heger II, nhóm B.

Tuy nhiên, do nằm dưới lòng đất đã quá lâu khiến cho một phần bề mặt bị ô xi hoá, hoen gỉ không còn nguyên vẹn…

Việc phát hiện mặt trống đồng Đông Sơn một lần nữa minh chứng rằng nơi đây là vùng đất có người Việt cổ sinh sống từ hơn 2.000 năm trước, góp phần khẳng định địa bàn khu vực phân bổ trống đồng Đông Sơn ở Hà Tĩnh.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast