Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

(Baohatinh.vn) - “Đã thấy xuân về với gió đông”. Khắp mọi miền quê, trên muôn nẻo đường, lòng người cũng đang rạo rực chờ đón một mùa xuân ấm áp của đất trời. Với ngành VH-TT&DL, 2015 là một năm có nhiều dấu ấn đậm sâu.

Hoạt động nổi bật đầu tiên chính là phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức lễ vinh danh dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngay sau lễ vinh danh tại TP Vinh (Nghệ An) tối 31/1/2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã tiến hành rước bằng ghi danh về Hà Tĩnh. Sự kiện đó đã để lại những xúc cảm sâu sắc, đồng thời, thêm một lần nữa khơi dậy mạnh mẽ phong trào sưu tầm và sáng tác lời mới, hát dân ca ví, giặm trong các tầng lớp nhân dân. Trong rất nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương đã thấy được rất rõ sự sống dậy mạnh mẽ và sinh động của những câu hò, điệu ví, giặm quê nhà.

Giá trị văn hóa của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được phát huy mạnh mẽ trong đời sống nhân dân.

Giá trị văn hóa của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được phát huy mạnh mẽ trong đời sống nhân dân.

Năm 2015 đánh dấu nhiều sự kiện lớn của tỉnh như: kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 85 năm Xô viết Nghệ Tĩnh; Giao lưu “Bình Định – Hà Tĩnh nghĩa nặng tình sâu”; kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du… Đó cũng là cơ hội để ngành văn hóa phát huy các giá trị di sản trong đời sống nhân dân.

Ông Nguyễn Cảnh Thụy - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Trong những chương trình nghệ thuật lớn phục vụ các sự kiện, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo xây dựng các tiết mục đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Làn điệu ca trù, dân ca ví, giặm và những ca khúc dân gian đương đại đã được cất lên bằng chính những nghệ nhân, nghệ sỹ mọi lứa tuổi trên các miền quê Hà Tĩnh. Đặc biệt, trong sự kiện kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, các di sản phi vật thể như trò Kiều, dân ca ví, giặm, ca trù đã được khai thác và sống lại mạnh mẽ trên sân khấu cũng như sinh hoạt văn hóa đời thường của nhân dân”...

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng. Năm 2015, Sở VH-TT&DL tiếp tục phối hợp với Đài PT-TH mở chương trình dạy hát dân ca trên truyền hình; phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch đưa dân ca vào trường học, mở 2 lớp tập huấn các làn điệu dân ca và sáng tác dân ca lời mới cho 720 giáo viên âm nhạc khối tiểu học, tổ chức liên hoan dân ca học đường toàn tỉnh…

Trò Kiều - Một sinh hoạt văn hoá dân gian đã sống dậy mạnh mẽ trên quê hương Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du

Trò Kiều - Một sinh hoạt văn hoá dân gian đã sống dậy mạnh mẽ trên quê hương Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du

Ông Trịnh Ngọc Châu - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa – Sở VH-TT&DL cho biết: “Nếu như năm 2014, toàn tỉnh chỉ mới xây dựng được 8 CLB dân ca ví, giặm điểm thì năm 2015 đã có 32 CLB, ngoài ra, còn có rất nhiều CLB trong các trường học. Những CLB này đã góp phần to lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm trong giai đoạn hiện nay. Sở VH-TT&DL cũng đang tiến hành các thủ tục để xuất bản đĩa nhạc dân ca ví, giặm lời cổ và lời mới do các nghệ nhân Hà Tĩnh thể hiện”.

Được sự đầu tư của Nhà nước và nguồn xã hội hóa, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt việc bảo tồn, tu bổ các di tích lịch sử văn hóa. Năm 2015, ngoài di tích đặc biệt cấp quốc gia Khu lưu niệm Nguyễn Du được đầu tư 26 tỷ đồng để tôn tạo, tu bổ, còn có nhiều công trình được đầu tư trùng tu lớn như đền Chợ Củi, nhà thờ Phan Kính, đền thờ Lê Khôi… Sở VH-TT&DL cũng cấp kinh phí để xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Mộc bản Trường Lưu là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Một năm đã khép lại trong những lắng đọng sâu sắc, trong niềm tự hào và ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị di sản của nhân dân trên miền quê giàu bản sắc văn hóa để mở ra những khát vọng mới, thành quả mới cho quê hương…

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast