Bật mí việc lưu giữ báu vật vua Hàm Nghi của các cố đạo Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong không khí rộn rã, vui tươi của lễ rước sắc phong Vua Hàm Nghi ở xã Phú Gia (Hương Khê - Hà Tĩnh) diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng Mậu Tuất, các cố đạo (người giữ báu vật) cũng tất bật các hoạt động lễ nghi rước, đón với niềm hạnh phúc, đức tin và trách nhiệm giữ gìn báu vật giang sơn.

bat mi viec luu giu bau vat vua ham nghi cua cac co dao ha tinh

Nguyên cố đạo Lưu Văn Xân đã giữ gìn, bảo vệ cẩn thận các báu vật và thực hiện tốt việc thờ phụng trong 2 năm qua.

Ngày đầu xuân, cố đạo chủ Lưu Văn Xân thành kính sửa soạn lễ vật, hương đăng trang nghiêm hành lễ tại bàn thờ Đức Vua và đền Thánh mẫu Trầm Lâm. Nghi thức này đã được cố đạo Xân thực hiện một cách chu tất không chỉ trong 5 dịp lễ lớn mỗi năm: Khai hạ mùng 7 tháng giêng), Thượng nguyên (15 tháng giêng), Kỳ phúc (15 tháng sáu), Trung nguyên (15 tháng bảy), Hạ nguyên (15 tháng chạp) mà cả ngày tết, mùng 1, ngày rằm.

“Tôi đã được bà con nhân dân, được giang sơn, Đức Vua cho phép giữ báu vật trong 2 năm qua. Công việc không nặng nhọc nhưng phải hết sức chu đáo, tinh tươm, đòi hỏi mình không chỉ biết cách thờ cúng bài bản mà còn rất cần sự hỗ trợ của gia đình. May mắn là bà nhà tôi cũng rất thành kính, tỉ mẩn trong việc giúp tôi sắm sửa, bày biện lễ vật vào ngày rằm, mùng 1 hàng tháng cũng như chăm lo nơi thờ tự luôn được sạch sẽ, tôn nghiêm” - ông Xân chia sẻ.

Ông cũng cho biết, tại lễ rước sắc diễn ra vào ngày mùng 7 tháng giêng năm Mậu Tuất này, ông bàn giao báu vật vua ban cho cố đạo chủ mới cất giữ, còn sau này, khi xã cần, nhân dân tin và thánh thần đồng ý, ông luôn sẵn sàng nhận trọng trách.

bat mi viec luu giu bau vat vua ham nghi cua cac co dao ha tinh

Tân cố đạo chủ Trần Văn Nhung thực hiện lễ đặt mâm chuẩn bị đón các báu vật vua ban.

Còn ở gia đình tân cố đạo chủ Trần Văn Nhung - người được lựa chọn giữ báu vật năm Mậu Tuất, từ ngày 26 tháng chạp năm Đinh Dậu đã thực hiện lễ đặt mâm để thờ vọng nhà vua, chuẩn bị cho lễ rước sắc vào mùng 7 tháng giêng. Cố đạo Nhung năm nay đã 95 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn và là người đã từng nhiều năm trước được chọn giữ báu vật vua ban.

Ông chia sẻ: “Phú Gia chúng tôi tự hào là đất lành chim đậu, là đất thiêng đã từng được Vua Hàm Nghi chọn dừng chân xây dựng thành lũy chống giặc. Những báu vật và sắc phong của đức vua mãi mãi là niềm vinh dự, tự hào của chúng tôi. Vì vậy, tuy tuổi đã cao nhưng được lãnh đạo xã động viên, bà con tin tưởng và thánh thần đồng ý, tôi vẫn nguyện gắng sức giữ gìn, bảo vệ tế khí của giang sơn xã tắc. Từ đây, mong được góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa địa phương và giáo dục những thế hệ sau biết trân trọng, tôn kính và phát huy truyền thống, làm nên những thành quả mới cho quê hương, đất nước”.

bat mi viec luu giu bau vat vua ham nghi cua cac co dao ha tinh

Lễ rước sắc phong Vua Hàm Nghi.

Trong câu chuyện đầu năm với chúng tôi, các cố đạo đều chung tâm niệm rằng, khi việc thờ phụng nhà vua và báu vật vua ban được thực hiện trang trọng, chăm lo chu tất thì sẽ góp phần để quốc thái dân an, đất nước, tỉnh nhà phồn vinh, xã nhà ngày càng phát triển.

Theo anh Lê Xuân Sang - cán bộ văn hóa xã Phú Gia, những người được tin tưởng chọn làm cố đạo giữ báu vật vua ban ở địa phương phải hội tụ cả đạo đức, năng lực thờ phụng, kiến thức văn hóa; gia đình đang có ông bà song toàn, con cháu hiền lành, hiếu thảo và khi xin keo trước bàn thờ vua phải được quẻ. Hơn 100 năm qua, nhiều thế hệ cố đạo ở Phú Gia đã tâm huyết, trách nhiệm, nối tiếp nhau làm tròn trọng trách bảo vệ nguyên vẹn các báu vật vua ban.

Theo các cố đạo kể lại: Năm Ất Dậu (1885) - Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương, đắp lũy, xây thành Sơn Phòng, chiêu binh, tuyển tướng, bảo vệ dinh lũy, đánh giặc. Trước sự tấn công quyết liệt của giặc Pháp, vua buộc phải rời khỏi thành Sơn Phòng.

Lúc rời thành, vua sai Tôn Thất Thuyết vào tạ lễ cho đền Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm 2 con voi bằng vàng, ban 2 đạo sắc, các thanh bảo kiếm, áo Hoàng bào của vua, nghê vàng, lục lạc bằng đồng đen. Hiện nay, các báu vật đó vẫn được lưu giữ và quần thể khu di tích lịch sử thành Sơn Phòng Hàm Nghi, đền Công Đồng Hội Sở, đền Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm tại xã Phú Gia đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Hàng năm, đến ngày mùng 7 tháng giêng, các báu vật của Vua Hàm Nghi đều được rước từ nhà cố đạo cũ, qua đền Công Đồng Hội Sở, thành Sơn Phòng thờ Vua Hàm Nghi và đền Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm rồi mới tới nhà cố đạo mới để lưu giữ, bảo quản.

Gắn với lễ Khai hạ của địa phương, lễ rước sắc phong ở Phú Gia nhằm tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc tới công lao to lớn của Vua Hàm Nghi và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast