Cần khôi phục các giá trị nguyên bản của lễ hội

(Baohatinh.vn) - Mùa xuân, các lễ hội dân gian được khai mở. Tuy nhiên, ở đâu đó, trong công tác tổ chức và tâm lý người dân còn những hạn chế khiến cho các lễ hội chưa thực sự mang lại những giá trị tinh thần lành mạnh như nguyên bản.

Phóng viên Báo Hà Tĩnh có cuộc trò chuyện với ông Bùi Đức Hạnh – Giám đốc Sở VH-TT&DL xung quanh vấn đề này.

Cảnh lộn xộn, chen lấn thậm chí cả những hành vi thiếu văn hóa vẫn diễn ra tại đền Bà Hải

Cảnh lộn xộn, chen lấn thậm chí cả những hành vi thiếu văn hóa vẫn diễn ra tại đền Bà Hải

- Nhiều ý kiến cho rằng, các lễ hội đã được khôi phục ở Hà Tĩnh hiện chưa đầy đủ các yếu tố nguyên bản, hơn thế nữa, người tham gia lễ hội cũng chưa hiểu hết các tập tục truyền thống dẫn đến những hành động chưa đúng mực, xin ông nói rõ hơn về điều này?

So với các tỉnh, Hà Tĩnh là địa phương có ít lễ hội. Hiện nay, mới chỉ có một số lễ hội được khôi phục và phát huy giá trị văn hóa tâm linh trong đời sống nhân dân như: lễ hội đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu và tục dâng bánh chưng thờ ngày tết ở huyện Kỳ Anh; lễ hội đền Lê Khôi, chùa Chân Tiên (Thạch Hà, Lộc Hà); lễ cầu ngư và hội đua thuyền ở làng Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên); tục thờ thần và lễ cầu ngư ở làng Hội Thống (Nghi Xuân); lễ hội Chùa Hương, lễ kỳ phúc và hội thi vật làng Thuần Thiện (Can Lộc); lễ hội Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ, hội đua thuyền truyền thống làng Trung Lương (TX Hồng Lĩnh); hội đua thuyền sông La (Đức Thọ); lễ hội đánh cá ở Xuân Hoa (Nghi Xuân); lễ hội Chăm cha bới ở bản Rào Tre (Hương Khê); lễ hội Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn)…

Còn rất nhiều lễ hội dân gian gắn với các di tích lịch sử văn hóa, gắn với các dòng họ đã bị mai một. Khôi phục các lễ hội đó là nhiệm vụ của ngành văn hóa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thống kê, khôi phục thêm các lễ hội.

Hiện nay, các lễ hội đều có nghi lễ truyền thống, tuy nhiên, hầu hết đều chưa khôi phục đúng nguyên bản, chính vì thế, lễ nghi còn kém phần trọng thể, văn hóa truyền thống chưa được phát huy. Trong thờ cúng cần có 3 yếu tố: người thiêng, vật thiêng và lời thiêng nhưng văn hóa thờ cúng hiện nay chưa hội đủ các yếu tố này. Một số đền, miếu, thầy giúp lễ không thông hiểu văn hóa thờ cúng, thậm chí, đạo đức, nhân cách có vấn đề, hơn nữa, họ chủ yếu làm việc này vì mục đích thương mại.

Bên cạnh đó, người đi lễ chùa, đền chưa hiểu về vấn đề vật thiêng nên còn nặng tâm lý càng cúng nhiều càng có lợi, đưa vàng mã lễ chùa, đền để đốt, thậm chí, đưa cả lợn, gà để cúng tế. Rồi tâm lý muốn thắp thật nhiều hương, muốn tiếp cận thật gần tượng Phật, tượng thánh để cầu khấn cũng là điều cần thay đổi. Việc viết tấu sớ, bài cúng ở các di tích cũng rất tùy tiện, thầy cúng cũng làm việc với tinh thần thiếu nghiêm túc, nhiều khi đọc sai tên tín chủ, vừa cúng, vừa nghe điện thoại.

Để khắc phục vấn đề này, chúng tôi đã có các văn bản hướng dẫn, quy định về việc tổ chức các lễ hội, tuy nhiên, hiệu quả chưa cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hướng dẫn nhân dân cách thức hành lễ đúng với văn hóa cổ truyền; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho các ban quản lý di tích.

- Hiện nay, ở các đền chùa vẫn còn tình trạng thương mại hóa việc xóc xăm, giải thơ, hay múa đồng thiếu lành mạnh, Sở VH-TT&DL có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Theo tôi, xóc xăm, giải thơ lấy tiền là một biến tướng của mê tín dị đoan mà trong nguyên bản các lễ hội truyền thống không có. Sở VH-TT&DL đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh công tác tổ chức các lễ hội, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có chế tài xử lý. Hơn nữa, vấn đề này đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân nên để khắc phục cần phải có thời gian.

Còn việc hát chầu văn và múa đồng ở các đền thực chất là một sinh hoạt văn hóa dân gian, tuy nhiên, hiện nay, dư luận lên án việc người múa đồng vung tiền trong điện thờ cho người xem bắt lộc. Đó là hành động trái với thuần phong mỹ tục, nếu trong quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện, chúng tôi sẽ xử lý.

- Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast