Công nhận đền Cô, đền Cậu là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

(Baohatinh.vn) - Sáng 2/4, Phòng VH-TT&DL huyện Nghi Xuân phối với UBND xã Xuân Hội tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đền Cô, đền Cậu tại thôn Hội Tiến.

Các tiết mục văn nghệ tái hiện cảnh chèo cạn của ngư dân địa phương

Các tiết mục văn nghệ tái hiện cảnh chèo cạn của ngư dân địa phương

Cũng như ngư dân các vùng ven biển khác, ngư dân vùng Hội Thống (Xuân Hội) có niềm tin mãnh liệt vào sự linh thiêng của cá Ông (cá voi). Người dân vạn chài tin rằng, cá Ông bị chết trên biển trôi dạt vào làng nào thì làng đó muôn đời ấm no và luôn được may mắn trong những chuyến đi biển.

Mỗi lần cá Ông trôi vào Xuân Hội đều được ngư dân làm lễ mai táng tại các đụn cát ven biển thôn Hội Tiến. Từ những năm 1960 - 1970, đã có 3 lần cá voi dạt vào bờ biển. Lần thứ nhất là một con cá voi lớn, người dân tiến hành tổ chức tang lễ và lập đền thờ gọi là đền Ông. Lần thứ 2 là hai con cá nhỏ hơn, một đực và một cái, người dân lập hai đền thờ gọi là đền Cô và đền Cậu.

Lễ rước bằng di tích
Lễ rước bằng di tích

Lễ rước bằng di tích

Chiến tranh và sự xâm thực của các trận bão cát nên cả ba ngôi đền đều bị vùi sâu trong cát. Đến năm 1982, người dân vạn chài ven biển Xuân Hội mới cùng nhau quyên góp xây dựng lại đền Cô, đền Cậu trên nền đất cũ.

Đền cá được khôi phục lại theo kiến trúc chữ đinh, ngoảnh mặt về hướng đông và nằm gọn trong lòng cồn cát. Điện chính thờ cá Cô, trong điện có hơn chục tiểu sành đựng hài cốt các loại cá voi đã trôi dạt vào bờ biển Nghi Xuân.

Đại diện Sở VH-TT&DL và huyện Nghi Xuân trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cho lãnh đạo địa phương.

Đại diện Sở VH-TT&DL và huyện Nghi Xuân trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cho lãnh đạo địa phương.

Từ khi khôi phục lại nay, các điện thờ luôn có người bảo vệ hương khói, ngư dân mỗi khi ra biển lại về đền Cô, đền Cậu làm lễ cầu thần cho chuyến đi thuận lợi, sóng yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền.

Vào khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân quy tụ về đây làm lễ cầu ngư để cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió những lúc ra khơi đánh bắt. Sau lễ cầu ngư, người dân địa phương tổ chức hội chèo bơi nhộn nhịp.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast