Danh nhân văn hóa Nguyễn Du và việc tổ chức Festival về Đại thi hào

(Baohatinh.vn) - 1. Hà Tĩnh, vùng “đất cổ nước non nhà” nổi tiếng địa linh nhân kiệt, với một nền tảng văn hóa lâu đời, đặc sắc. Tiêu biểu cho những người con ưu tú của xứ sở núi Hồng - sông La là Nguyễn Du, Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

danh nhan van hoa nguyen du va viec to chuc festival ve dai thi hao

Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du

Giá trị văn hóa nào cũng bao gồm 2 khía cạnh: Tính độc đáo và tính phổ quát. Giá trị văn hóa càng lớn thì tính độc đáo càng cao và đương nhiên, tính phổ quát càng sâu rộng. Việc tổ chức các lễ hội văn hóa (festival) là một phương thức và phương tiện quan trọng để các di sản văn hóa được sự kiện hóa, được sống động trong đời sống thực tiễn của mọi cộng đồng, dân tộc hôm nay. Bởi vậy, việc tổ chức festival Nguyễn Du chính là tạo ra một sự kiện xứng tầm với danh nhân để phát triển văn hóa - du lịch cho quê hương, đất nước.

Đáng tiếc là đến nay, trừ Hội Kiều học Việt Nam (một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tính chất, tôn chỉ và thực trạng hoạt động không như các viện nói trên) được thành lập cuối năm 2011, chưa có một tổ chức văn hóa tương tự mang tên Nguyễn Du được thành lập ở Việt Nam, ở Hà Tĩnh quê ông. Từ đó, chúng ta lại càng thấy rằng, việc tổ chức Festival Nguyễn Du là một việc làm có ý nghĩa. Ở Hà Tĩnh, việc tổ chức tuần lễ văn hóa Nguyễn Du vào dịp kỷ niệm 240, 245 và 250 năm ngày sinh của ông đã là những sự kiện được nhân dân trong và ngoài tỉnh hào hứng đón nhận.

Năm 2009, nhân chuẩn bị kỷ niệm 245 năm ngày sinh Nguyễn Du, Hội Hữu nghị Việt - Nga Hà Tĩnh và một nhóm trí thức, văn nghệ sĩ đại diện cho cộng đồng người Hà Tĩnh tại Liên bang Nga đã có sáng kiến đề xuất với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh khởi động tổ chức Festival Nguyễn Du bằng việc làm đầu tiên là tổ chức Festival Nguyễn Du - Pushkin năm 2011 nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh. Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ra Thông báo số 390/TB-TU ngày 8/4/2009, trong đó có nội dung về việc triển khai xây dựng, thực hiện đề án “Festival Đại thi hào Nguyễn Du - Pushkin”. Sau đó, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp và ra nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, Festival Nguyễn Du không được tổ chức thực hiện.

2. Giao lưu văn hóa tích cực nhất, có tính chất năng động và hiệu quả nhất vẫn là thông qua con đường phát triển du lịch. Ngược lại, phát triển du lịch muốn được bền vững và có hiệu quả cao, tránh được các hệ lụỵ về môi trường và xã hội, tất yếu phải thông qua giao lưu văn hóa bình đẳng và có tổ chức một cách khoa học. Có thể xem Festival Nguyễn Du như một trung tâm, một cầu nối để thực hiện các giao lưu văn hóa với các vùng, miền, dân tộc, quốc gia, khu vực khác. Xây dựng đề án tổ chức Festival Nguyễn Du không chỉ để tạo ra một sự kiện văn hóa - du lịch diễn ra theo định kỳ mà quan trọng hơn, là tạo ra một ý thức thường trực về việc không ngừng củng cố và nâng cao môi trường văn hóa, trình độ văn hóa cho mỗi thành viên trong cộng đồng để có thể tiếp biến tốt nhất các yếu tố văn hóa tích cực du nhập từ bên ngoài.

Vì vậy, phải đặt việc xây dựng đề án Festival Nguyễn Du trong quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn trước mắt và lâu dài. Ở một quy mô nhỏ hơn là phải đặt việc xây dựng đề án Festival Nguyễn Du trong quy hoạch xây dựng Khu du lịch Nguyễn Du với mục tiêu là tạo ra một trung tâm du lịch đạt tiêu chí sinh động nhất, độc đáo nhất và hấp dẫn nhất. Trên cơ sở đó, kết nối trung tâm này với các khu văn hóa - du lịch khác trên địa bàn tỉnh, trong khu vực cũng như trong phạm vi cả nước và quốc tế. Muốn tạo ra một trung tâm du lịch độc đáo như vậy thì phải có hạ tầng phù hợp, phải có sự tương ứng giữa không gian khu du lịch và các hình thức của lễ hội.

Xuất phát từ những quan điểm nói trên, việc xây dựng đề án phải định hướng được các chủ đề cho từng kỳ lễ hội. Theo đó, Festival Nguyễn Du sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần. Mỗi lần tổ chức sẽ có một chủ đề riêng với một kế hoạch cụ thể.

Năm 2009, theo sự đề xuất của Hội Hữu nghị Việt - Nga và cộng đồng người Hà Tĩnh hiện đang sinh sống tại Liên bang Nga, Festival Nguyễn Du lần thứ I, sẽ có chủ đề là “Festival Nguyễn Du - Pushkin”. Các kỳ Festival Nguyễn Du tiếp theo có thể sẽ tổ chức kết hợp với những danh nhân văn hóa của các quốc gia khác như Đỗ Phủ (Trung Quốc), Kuwataba (Nhật), Goethe (Đức), Mic-kê-ê-vich (Ba Lan), Fê-tô-phi (Hung-ga-ri)... Như trên đã nói, sau đó kế hoạch này chưa được triển khai. Năm nay, 2017, trong kế hoạch hoạt động của Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, việc xây dựng đề án Festival Nguyễn Du - Pushkin đã được khởi động lại. Người viết bài này đã từng được giao làm việc trong tổ thư ký giúp việc lãnh đạo ngành xây dựng đề án này vào năm 2010, thực sự lấy làm vui mừng, phấn khởi.

3. Tổ chức Festival là một công việc đầy khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đối với Hà Tĩnh chúng ta, vốn còn ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này lại yếu về tiềm lực kinh tế. Mặt khác, việc kết nối với các nước có các danh nhân tương xứng với Nguyễn Du để phối hợp tổ chức Festival không hề đơn giản, thậm chí, phải nói là đầy khó khăn. Tuy nhiên, nếu thực hiện thành công thì sẽ mang lại hiệu quả lớn trên nhiều mặt của đời sống KT-XH, đóng góp to lớn vào việc đưa đất nước hội nhập quốc tế nhanh chóng, vững chắc, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua lễ hội về danh nhân, chúng ta có chiếc cầu nối văn hóa sang trọng, thân thiện để đến với nhân loại yêu chuộng hòa bình, tự do trên khắp các châu lục. Hơn thế, thực hiện thành công các kỳ Festival Nguyễn Du sẽ tạo khí thế hào hứng cho toàn xã hội, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Hà Tĩnh phát triển, tăng trưởng vững bền.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast