Đi lễ chùa - tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống

(Baohatinh.vn) - Trong tâm thức người Việt, tháng Giêng là quãng thời gian để thực hiện những chuyến du lịch, hành hương, tham gia các lễ hội tâm linh để cầu an bình, may mắn. Để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các chùa, đền và người đi lễ cần hiểu đúng và có tâm thế đúng khi tham gia các lễ hội tâm linh.

Đại đức Thích Hạnh Minh - trụ trì chùa Phổ Độ (Lộc Hà): Người đi chùa không nên mang nhiều lễ vật

di le chua ton vinh cac gia tri van hoa truyen thong

Để đáp ứng nhu cầu lễ chùa của bà con phật tử và người dân, nhà chùa luôn chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện. Sự chuẩn bị chu đáo còn để tạo nên nét văn hóa phục vụ của nhà chùa. Ví như, người đi lễ chùa không phải mang lễ vật tới vì nhà chùa đã chuẩn bị hương đăng đầy đủ. Tất cả mọi người đến chùa đều được đón tiếp, hướng dẫn chu đáo và được nhận hương đăng để cúng Phật.

Chuẩn bị cho lễ hội xuân năm nay, nhà chùa đã sắp xếp người phục vụ. Từ ngày mồng 1 đến mồng 10 tháng Giêng, mỗi ngày sẽ có 30 người phục vụ hương đăng và hướng dẫn tại chùa, là bà con phật tử thuộc 2 xã Hộ Độ (Lộc Hà) và Thạch Long (Thạch Hà). Tết năm nay, thay vì trang trí 7 bông hoa sen từ cổng vào như trước đây, nhà chùa làm 12 chiếc cổng trang trí 12 con giáp. Khuôn viên nhà chùa cũng sẽ được trang trí thật đẹp, tạo không khí đón tết trong niềm hoan hỉ, phục vụ chúng sinh.

Ông Lê Văn Huân - Phó Trưởng ban quản lý di tích đền Bà Hải (Kỳ Ninh - TX Kỳ Anh): Tăng cường quản lý, tránh “buôn thần bán thánh”

di le chua ton vinh cac gia tri van hoa truyen thong

Trước mùa lễ hội năm nay, Ban Quản lý (BQL) đã tổ chức sắp xếp lại nơi dâng lễ, tạ lễ và hành lễ; xây dựng hoàn chỉnh 3 cung mới theo phê duyệt của Bộ VH-TT&DL, tạo không gian đẹp và thoáng hơn. Ngày 27/12/2017, BQL đã tổ chức thi tuyển đội ngũ thầy lễ với yêu cầu đảm bảo kiến thức làm lễ theo phong tục truyền thống và ứng xử văn hóa.

BQL đã quán triệt tinh thần đổi mới, tiến bộ, đáp ứng yêu cầu lễ hội tâm linh và tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách về hành hương tại đền, sắp xếp lại tất cả hàng quán trong phạm vi quản lý, cho đấu thầu các ki-ốt và ký cam kết không cho phép hoạt động mê tín dị đoan, tránh “buôn thần bán thánh”… BQL cũng đã phối hợp với Công an thị xã Kỳ Anh, Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu và Công an xã Kỳ Ninh triển khai các phương án đảm bảo an ninh tuyệt đối.

Ông Trần Nguyên Phú - phường Bắc Hà (thành phố Hà Tĩnh): Người dân cần nhận thức đúng khi đi lễ chùa

di le chua ton vinh cac gia tri van hoa truyen thong

Đi đền, chùa là nhu cầu tâm linh của phần lớn người dân Việt Nam và đã trở thành một hoạt động thường ngày. Đặc biệt, vào dịp đầu năm mới, đây là một nhu cầu không thể thiếu của mỗi người dân để cầu mong một năm mới bình an, sức khỏe. Ngoài ra, với nhiều người, đi lễ chùa còn giúp họ hóa giải những trăn trở, bất an trong lòng.

Tuy nhiên, xu hướng bây giờ, nhiều người đi chùa, nhất là vào dịp đầu năm mới để cầu tài, cầu lộc hay trẩy hội có những biểu hiện thái quá như quá vui nhộn hoặc thể hiện sự bon chen, tham lam, tham vọng. Điều này là sai, đi lệch với bản chất văn hóa vốn có. Thiết nghĩ, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và có nhận thức đúng đắn khi đi lễ chùa, các lễ hội tâm linh.

di le chua ton vinh cac gia tri van hoa truyen thong

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast