Đi lễ nhà thờ họ mùng 1 Tết - Nét đẹp đầu xuân mới

(Baohatinh.vn) - Thờ cúng tổ tiên là một nét văn hoá truyền thống của người Việt, chính vì thế dòng họ nào, chi tộc nào cũng xây dựng nhà thờ làm nơi cho con cháu dòng tộc tưởng nhớ tổ tiên của mình. Hàng năm, ngoài ngày giỗ họ, thường là rằm tháng giêng, tháng 6 hoặc tháng 7 thì tục đi lễ nhà thờ vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch cũng là một nét đẹp văn hoá truyền thống mà nhiều nơi còn giữ gìn và phát huy.

Đi lễ nhà thờ ngày mùng 1 Tết là một nghi lễ thiêng liêng đối với nhiều người
Đi lễ nhà thờ ngày mùng 1 Tết là một nghi lễ thiêng liêng đối với nhiều người

Năm nào cũng vậy, cúng giao thừa xong là ông Phăn Văn Hữu (Tổ dân phố 1 – thị trấn Đức Thọ) –Trưởng ban bảo tộc họ Phan Tùng Mai (nhà thờ giáp phái) lại xắm nắm cầm khoá lên mở cổng nhà thờ, bởi con cháu trong chi tộc Phan Tùng Mai có thói quen đi lễ nhà thờ họ ngay sau thời khắc giao thừa. Ông Hữu cho hay: “Con cháu trong chi tộc chúng tôi, kể cả người ở bản quán hay người đi xa trở về đều giữ thói quen này. Nhà thờ là nơi để con cháu thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên, cũng là nơi gặp nhau trong ngày đầu năm mới, dành những lời chúc tốt đẹp cho nhau. Đây cũng là dịp để con cháu ôn lại lịch sử dòng họ, tự hào về những tấm gương tiêu biểu của dòng tộc, từ đó nỗ lực học tập, rèn luyện vươn lên trong cuộc sống”.

Cũng giống như họ Phan Tùng Mai, nhiều dòng họ khác ở khắp các vùng quê Hà Tĩnh vẫn còn giữ nếp đi lễ nhà thờ ngày mùng 1 Tết như một trong những nghi thức trang trọng nhất trong các hoạt động trong những ngày Nguyên đán. Ông Nguyễn Lý ở Sơn Châu (Hương Sơn) cho biết: “Giữ nếp đi lễ nhà thờ ngày mùng 1 Tết là một trong những cách dạy con cháu sự hiếu đễ với tổ tiên, với ông bà, cha mẹ. Tất cả các gia đình trong dòng họ chúng tôi đều chọn hoạt động đi lễ nhà thờ là hoạt động đầu tiên trong năm mới”.

Không chỉ đi lễ nhà thờ họ nội, nhiều người còn đi lễ nhà thờ bên ngoại

Không chỉ đi lễ nhà thờ họ nội, nhiều người còn đi lễ nhà thờ bên ngoại

Thắp một nén hương lên ban thờ tổ tiên, cầu chúc cho anh linh những người đã khuất được siêu thoát, phù hộ độ trì cho quê hương, cho con cháu dòng tộc những điều tốt đẹp nhất, trò chuyện cùng anh em dòng tộc khiến cho Tết trở nên linh thiêng hơn trong tâm thức bao người, khiến cho mối quan hệ máu mủ thêm phần gắn kết. Chính vì thế, sau khi đi lễ nhà thờ họ nội, nhiều người còn đi lễ nhà thờ họ ngoại bởi đó cũng là dịp họ bày tỏ sự biết ơn, tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên và gặp gỡ với anh em họ ngoại.

Anh Phạm Thanh Bình (Sơn Mỹ - Hương Sơn) cho biết: “Quê nội và quê ngoại tôi cách nhau một con đê, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong việc đi lễ nhà thờ đầu năm. Sáng mùng 1 năm nào cũng vậy, sau khi thắp hương cúng tế tổ tiên dòng họ, anh em chúng tôi cũng sang nhà thờ họ ngoại để thắp hương. Nghi lễ đó là hoạt động không thể thiếu trong ngày đầu tiên năm mới của gia đình tôi”.

Nhà thờ họ được coi như điểm hội tụ, thờ cúng tổ tiên, ông bà, những người anh hùng, những danh nhân, những người có công với đất nước, làm lưu danh dòng họ trong sử xanh của đất nước, của dân tộc. Nhà thờ họ luôn có một vị trí đặc biệt trong thế giới tâm linh của những người con trong dòng tộc bởi đó là nơi giúp họ nhớ lại những đỉnh cao vinh quang của dòng họ, tự hào về những tấm gương sáng của tổ tiên đồng thời là nơi gửi gắm những ước vọng của cháu con về một cuộc sống êm ấm, bình an. Đi lễ nhà thờ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán là một nghi lễ văn hoá thiêng liêng cần được duy trì và phát huy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast