Hồn quê còn mãi

(Baohatinh.vn) - Liên hoan các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016 đã khép lại với nhiều dư âm. Những ngày diễn ra liên hoan, hội trường Trung tâm VH-TT thị xã Hồng Lĩnh có sức chứa gần 500 người lúc nào cũng chật kín, riêng đêm chung kết thì trở nên quá tải.

Trong dòng chảy của nhiều dòng nhạc và không gian giải trí hiện đại, người ta vẫn hướng về ví, giặm bằng tình yêu tự nhiên. Điều đó cho thấy, với người Hà Tĩnh nói riêng, người Nghệ nói chung, ví, giặm thời kỳ nào cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần.

Sức sống mãnh liệt...

Có mặt trong suốt đợt liên hoan, tôi không khỏi ngạc nhiên vì tình yêu ví, giặm Nghệ Tĩnh của nhiều tầng lớp người dân. Tôi thầm nghĩ, người ta đến với ví, giặm có lẽ là để nghe làn điệu dân ca rất đỗi đằm thắm, thân quen, nhưng có lẽ cũng là để sống lại không gian một thời với ký ức về nong nia, mái chèo, tơ lụa...

hon que con mai

Hình ảnh người nông dân trong đời sống nông nghiệp xưa được tái hiện trong tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh của CLB Dân ca ví, giặm xã Hương Vĩnh (Hương Khê).

Hẳn là vậy, vì trong phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Cảnh Thụy - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL đã cho hay: “Yêu cầu của liên hoan là phải đảm bảo 60% yếu tố nguyên gốc ở các môi trường, không gian và hình thức diễn xướng, kể cả trang phục, đạo cụ, bao gồm các thể loại hát chính như ví, giặm... tạo ra những không gian diễn xướng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở nhiều nơi, kể cả dân ca nguyên gốc và dân ca phát triển gắn với việc xây dựng nông nghiệp và nông thôn mới”. Với tính chất đặc thù của ví, giặm trên góc độ thể điệu cũng như diễn xướng, liên hoan đã thu hút gần 500 nghệ sĩ, diễn viên tham gia với gần 80 tiết mục.

Đến từ nhiều địa phương, nói khác hơn là đến từ nhiều vùng quê ví, giặm, các CLB tham gia liên hoan đã mang đến một bức tranh đa sắc màu về ví, giặm trên địa bàn Hà Tĩnh. Người xem khó lòng mà quên được những câu ca thoát lên từ không gian ruộng đồng của CLB Tùng Lộc, hay gắn với không gian sông Ngàn Mọ, làng Đồng Vinh của CLB phường Tân Giang, không gian làng rèn của CLB phường Trung Lương.

Nhiều CLB đã thể hiện được bối cảnh diễn xướng phù hợp với yếu tố địa lý của địa phương như CLB thị trấn Phố Châu (Hương Sơn), xã Xuân Phổ (Nghi Xuân), xã Hương Trạch (Hương Khê), thị trấn Thạch Hà, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ); hay thể hiện nghề nghiệp truyền thống như CLB xã Xuân Giang (Nghi Xuân), xã Sơn Thịnh (Hương Sơn), xã Ân Phú (Vũ Quang). Nhiều CLB cũng đã khai thác tối đa yếu tố dân gian với tính trào lộng, dí dỏm trong hát giao duyên rất gần với thơ ca truyền miệng như CLB xã Kỳ Sơn, Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh), Thạch Tân (Thạch Hà), Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên), Trường Lưu (Can Lộc).

hon que con mai

Liên hoan thu hút đông đảo người xem

Ví, giặm là một thời, nhưng ví, giặm cũng là muôn thuở. Để trở thành muôn thuở, ví, giặm phải chuyển tải hơi thở của cuộc sống hôm nay, gắn với nhịp điệu công trình, xây dựng đô thị văn minh và tinh thần xây dựng nông thôn mới. Tổ khúc dân ca “Nam Hồng khúc hát yêu thương” do nghệ nhân Hoàng Vinh soạn lời là một minh chứng: Gìn giữ môi sinh, môi trường thành phố/ Văn minh đô thị nhắc nhở toàn dân/ Phường phố đẹp - sạch - xanh, an toàn và trật tự/ Bán buôn, dịch vụ, hàng hóa dựng xây/ Phường đạt chuẩn là đây, phường văn minh đô thị.

Điều vui nhất của nhiều đại biểu, khán giả và ban tổ chức là liên hoan lần này đã thu hút khá đông diễn viên “nhí”, khán giả “nhí” tham gia. CLB phường Tân Giang, CLB Trường Tiểu học Nguyễn Du, CLB xã Tùng Lộc... là những đơn vị có nhiều diễn viên “nhí” tham gia. Đặc biệt, 4 diễn viên “nhí” xuất sắc đã nhiều lần được khán giả vỗ tay tán thưởng, đó là Linh Chi (CLB Tùng Lộc - Can Lộc), Phương Nhi (CLB thị trấn Thạch Hà), Bảo Trân (CLB Trường Tiểu học Nguyễn Du) và Hoài Thư (CLB Kỳ Sơn - Kỳ Anh). Giọng dân ca đầy lay động của các em đã thắp lên niềm tin về sức sống mãnh liệt của ví, giặm và ý thức bảo tồn di sản phi vật thể đại diện của nhân loại trong lòng người yêu âm nhạc truyền thống.

... và những băn khoăn

Thành công của liên hoan dân ca ví, giặm lần này đã cơ bản, tuy nhiên, khép lại các màn diễn, vẫn còn những điều cần suy nghĩ và điều chỉnh trong nay mai. Theo ông Mai Quốc Quyền - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Trưởng ban tổ chức liên hoan: “Kế hoạch tổ chức liên hoan được UBND tỉnh ban hành tháng 5/2016, các địa phương có 2 tháng để chuẩn bị và tổ chức liên hoan cấp cơ sở, tuy nhiên, ngoài TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân, các đơn vị còn lại không tổ chức liên hoan ở cấp huyện.

hon que con mai

Nhiều tiết mục được giàn dựng công phu

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phong trào nói chung, hoạt động của các CLB nói riêng; cử CLB đi thi mang tính hình thức nên kết quả mang lại chưa cao”. Ngoài ra, cũng theo yêu cầu của kế hoạch, mỗi địa phương phải cử 2 CLB tham gia liên hoan, tuy nhiên, một số huyện như Cẩm Xuyên, Vũ Quang chỉ cử 1 CLB. Chính vì những lý do này nên sức lan tỏa của liên hoan còn hạn chế; nhiều người dân chưa hề biết đến liên hoan.

Bên cạnh công tác tổ chức, việc soạn lời, tổ chức không gian, kỹ thuật biểu diễn... cũng bộc lộ những hạn chế. Nhiều diễn viên khi xuất hiện trên sân khấu vào vai người nông dân xe lụa, chèo thuyền nhưng vẫn đeo trên tay những phụ kiện thời trang hiện đại như đồng hồ, vòng bạc, lắc, khuyên tai vàng; thậm chí, có diễn viên còn sơ suất mang cả giày da công nghiệp. Về phục trang cũng có những hạn chế nhất định như các trang phục hơi màu mè, thêu thùa làm giảm đi sự nhuần nhị, chân chất của ví, giặm. Việc lẫn lộn tính chất của dân ca nguyên gốc và dân ca phát triển cũng là điều đáng tiếc, dẫn đến cấu trúc chương trình chưa chặt chẽ, nhập nhằng giữa trò diễn xướng cổ và hoạt cảnh dân ca ngày nay.

Nhiều CLB chưa coi trọng sáng tác, không thể hiện được bản sắc riêng của mỗi vùng quê nên thiếu tính đa dạng trong từng câu ví, giặm. Nhạc sỹ Sỹ Chinh - thành viên Ban Giám khảo đánh giá: “Một trong những hạn chế mà nhiều CLB mắc phải là trong xây dựng diễn xướng vẫn sử dụng hình thức, động tác và các tổ hợp múa làm cho không gian diễn xướng bị cường điệu và khiên cưỡng. Nhiều tiết mục quá đông diễn viên, làm chật chội, bức bối sân khấu, gây cảm giác thiếu chân thực về môi trường diễn xướng.

hon que con mai

Không thể vào được hội trường, rất đông khán giả phải xem qua màn hình máy chiếu đặt ngoài sảnh trong đêm bế mạc.

Có những tiết mục mà người lao động và người diễn xướng chưa phải là một, người hát cứ hát, người lao động cứ miệt mài lao động mà ít hoặc không tham gia hát cùng. Một số chương trình bài trí cảnh trí cầu kỳ nhưng chưa hỗ trợ tốt cho diễn xuất, gây lãng phí không gian”. Nhạc sỹ này còn cho hay: “Về âm nhạc, một số tiết mục được sử dụng nhạc đệm quá mạnh làm cho người xem, người nghe có cảm giác như đang xem chương trình ca nhạc tạp kỹ. Chưa có đơn vị nào biết sáng tạo bằng cách tận dụng đạo cụ làm “nhạc cụ” để tạo tiết tấu, duy trì nhịp độ cho các làn điệu có nhịp, làm sinh động hơn cho tiết mục”.

Câu ví, giặm luôn nặng nghĩa ân tình. Bởi vậy, những lắng đọng cũng như những hạn chế của liên hoan hy vọng sẽ được ban tổ chức, các CLB điều chỉnh, để trước mắt, 9 CLB tiêu biểu, đại diện tỉnh nhà tham gia liên hoan cấp liên tỉnh (tổ chức tại Nghệ An vào tháng 10/2016) sẽ để lại dư âm ngọt ngào trong lòng người Xứ Nghệ.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast