Một thoáng Cảm Sơn

(Baohatinh.vn) - Bên con đường thiên lý Bắc - Nam qua TP Hà Tĩnh, nhìn sang bên trái gần cầu Phủ thấy nổi lên một ngọn núi xanh tươi, tròn như bát úp, đó là núi Nài với tên chữ Cảm Sơn.

Không uy nghi, hùng vĩ vách đứng dựng thành, Cảm Sơn hiền lành như một mâm xôi giữa cánh đồng, làng mạc và phố xá. Núi Nài như một chấm xanh cho cây lá quyện cùng tiếng gió bên dòng sông Phủ mềm mại uốn quanh. Núi Nài tưởng bình dị lại chứng kiến bao sự tích, dấu tích của người tạc vào Cảm Sơn để sáng mãi với thời gian.

mot thoang cam son

Một góc chùa Cảm Sơn. Ảnh: Đình Khôi

Từ lâu lắm rồi, những cuộc thám sát và thăm dò khoa học đã phát hiện một nền văn minh thời tiền sử trong mạch đất ở địa danh này với những rìu đá, chày nghiền và rất nhiều công cụ bằng đá của người tiền sử thuộc hậu kỳ đá mới cách đây trên 5.000 năm. Thông điệp từ lòng đất của ngành khảo cổ minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của cư dân bản địa từ thời xa xưa đầy mông muội và hoang dã. Bàn tay con người khai phá tự nhiên với cuộc sống hang động. Đời sống nguyên thủy ở Cảm Sơn được phát hiện bằng những công cụ lao động của chủ nhân nền văn minh cổ xưa. Đó là nền văn minh hiện hữu thuở bình minh cho Cảm Sơn thành di chỉ trên bản đồ lịch sử của dân tộc. Nằm trên tuyến xuôi ngược Bắc - Nam, núi Nài, sông Phủ là chốn dừng chân của bao bước thương hồ. Từ thời Nguyễn, do lấy thành Hà Tĩnh, cạnh núi Nài, sông Phủ làm sở lỵ nên mới có tên cầu Phủ, sông Phủ hay chăng? Dưới thời Tự Đức, do việc nghĩa binh chiếm thành giải thoát tù nhân, thành Hà Tĩnh mới chuyển về vị trí thuộc phường Tân Giang ngày nay.

Trải mấy trăm năm thời phong kiến, trên núi Cảm Sơn tọa lạc ngôi cổ tự. Dưới màu xanh lâm tuyền, cửa già lam vẫn mở, dẫu thế cuộc trải bao thay đổi. Khi hoàng hôn nhuộm tím dòng sông Phủ là tiếng chuông huyền diệu khoan thai vang vọng lên, hướng con người vào cõi sắc không thanh tịnh, xa rời trần tục mà sống thân ái, từ bi. Không biết bao lần ông Tổng đốc Củng (Nguyễn Công Trứ) khi về trí sĩ sau bao năm thỏa chí tang bồng vùng vẫy, cùng giai nhân, bằng hữu vãn cảnh chùa và núi Cảm Sơn nên mới có chuyện “Gót chân theo đủng đỉnh một đôi dì. Bụt cũng cười ông ngất ngưởng”. Núi Nài - sông Phủ, sông nước hữu tình ghi dấu một thời người có chí ngang trời dọc đất, cưỡi bò vàng mà dạo cảnh sơn lâm, vui thú điền viên, thưởng ngoạn mái chùa rêu phong cổ kính khi “Nợ tang bồng trăng trắng vỗ tay reo”.

mot thoang cam son

Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ để lại bao câu chuyện cuối đời dưới bóng Cảm Sơn trầm mặc. Chính vì tưởng nhớ chuyện xưa mà đầu thế kỷ 20, khi vào kinh đô Huế, cụ Giải San (Phan Bội Châu) dừng chân Nài Phủ, thắp một nén nhang thành kính mà tạ rằng:

“Đá mòn lởm chởm khói mây tan

Tưởng nhớ người xưa viếng Cảm Sơn...”.

Bao nỗi bi hoan, hưng phế, tan hợp ở đời diễn ra thường nhật, duy chỉ còn Cảm Sơn như người chứng kiến trong suy nghĩ của nhà yêu nước Phan Bội Châu để ông từ bỏ con đường công danh khoa bảng, dấn thân trên con đường cứu nước đầy chông gai buổi ấy. Tưởng nhớ, bái vọng gương Uy Viễn chính là thấy trách nhiệm của đấng nam nhi, của người quân tử trước cảnh nước mất, nhà tan, non sông ly loạn mà hổ thẹn với chữ nghĩa thánh hiền.

Bước đi của lịch sử dân tộc ghi dấu hành trình trên địa danh núi Nài. Nằm cạnh QL 1A, đường giao thông huyết mạch với sông Phủ, cầu Phủ và thị xã, nơi đây là trọng điểm đánh phá ác liệt trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ từ 1965-1972. Đầu năm 1965, khi giặc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hòng đưa Bắc Việt về thời kỳ đồ đá như lời tuyên bố của Giôn-xơn. Mở màn trận 26/3/1965, đánh phá TX Hà Tĩnh, cắt đứt huyết mạch giao thông tại nút trọng điểm cầu Phủ, chúng đã leo đến nấc thang tột cùng của tội ác. Nhưng sự đời “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Quân dân Hà Tĩnh không hề run sợ, càng không lúng túng trước sức mạnh công phá, hủy diệt của không quân Hoa Kỳ. Núi Nài ngày ấy là một mục tiêu quan trọng bởi trận địa ra-đa phòng không và cầu Phủ trên QL 1A. Không quân Mỹ xuất phát từ nhiều hướng bổ nhào xuống núi Nài, nhưng chúng đã sa bẫy.

mot thoang cam son

Chùa Cảm Sơn đẹp lung linh về đêm

Trên Cảm Sơn là trận địa ra-đa giả, phủ bằng tre nứa, sơn màu ngụy trang và pháo phòng không theo hình cánh sao giăng lửa diệt “giặc trời”. Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ cùng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đã hiệp đồng chặt chẽ làm nên một chiến công oanh liệt: Bắn rơi 12 máy bay giặc Mỹ. Nhiều chiến sỹ anh dũng hy sinh trên mâm pháo. Chính trị viên, Anh hùng Dương Chí Uyển bị thương nặng vẫn không rời trận địa. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân, của lực lượng phòng không trên quê hương Hà Tĩnh đã làm nên trận núi Nài lịch sử, quật đổ uy danh của không lực Hoa Kỳ cùng những “Thần Sấm”, “Con Ma” cháy đỏ trời Thành Sen buổi ấy. Bác Hồ, Trung ương Đảng và cả nước hướng về Hà Tĩnh như một tinh thần thép, ra quân trận đầu với chiến thắng oanh liệt. Câu hát “Thần sấm ngã” mà nghệ sỹ Xuân Năm hát cho Bác Hồ nghe ngày ấy còn vọng đến hôm nay.

Cảm Sơn ghi thêm dấu son lịch sử để sáng mãi cùng thời gian. Vẫn một dòng sông Phủ về xuôi êm đềm. Vẫn núi Nài xanh nguyên thủy trong ánh hoàng hôn, tiếng chuông Cảm Sơn tự vọng dìu dặt, khoan thai, ru cuộc sống thanh bình. Ngọn núi ẩn mình dưới màu xanh lấp lánh bao sự tích. Những câu chuyện về Cảm Sơn làm đẹp thêm giá trị văn hóa, lịch sử để TP Hà Tĩnh, đất Thành Sen thêm tự hào mà vươn tới lớn mạnh cùng nhịp bước của thời gian.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast