Người dân Nhật Bản ứng xử với môi trường (bài 2): Đi nhẹ nói khẽ và chống ồn cho khu dân cư

(Baohatinh.vn) - Nhật Bản hiện đại, văn minh với nhiều thành tựu KHKT tiên tiến bậc nhất thế giới. Nhật Bản nổi tiếng là xứ sở hoa anh đào, núi Phú Sĩ và những bộ Kimono. Đến Nhật Bản, điều làm du khách ngạc nhiên hơn là đường phố từ thành thị đến nông thôn sạch tinh, yên bình. Giữa những thành phố sầm uất, những ngôi chùa lớn, môi trường sống của người dân vẫn tốt. Vì sao vậy?

Trật tự và kỷ cương nơi công cộng

Tôi bắt đầu để ý cái cách “đi nhẹ, nói khẽ” của người Nhật ngay khi đặt chân đến sân bay Tokyo. Văn hóa xếp hàng được thực hiện ngay ở phòng vệ sinh. Và hễ nơi nào có 3 người trở lên là xếp hàng, thế nên không có cảnh chen lấn, cãi nhau.

Đi lại nhanh nhẹn, hay cúi đầu chào nhưng giọng nói rất khẽ, ít ồn ào nơi đông người, đó là cảm nhận của chúng tôi về phong thái của những người Nhật trên đất nước không phải được thiên nhiêu ưu đãi nhiều thứ. Họ có thể là thanh niên, là người già (người già lao động ở Nhật không hiếm), cũng có thể là các cô gái mặc Kimono tiếp thực khách trong các nhà hàng…

Người dân Nhật Bản ứng xử với môi trường (bài 2): Đi nhẹ nói khẽ và chống ồn cho khu dân cư

Một người lao công cao tuổi ở công viên Hoàng cung

Bác tài Sato (Mr. Sato) năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe, lái xe phục vụ đoàn của chúng tôi suốt cả tuần lễ. Qua bao nhiêu chặng đường từ thành phố đến nông thôn, đồi núi dốc, vẫn một phong thái ấy: áo trắng sơ-vin, nụ cười hiền hậu, ít nói và nhanh nhẹn, nhiệt tình sắp vali cho khách. Khác với ở Việt Nam, xe khách du lịch ở Nhật thiết kế buồng lái thấp hơn sàn và tất nhiên tay lái ở phía phải.

Người dân Nhật Bản ứng xử với môi trường (bài 2): Đi nhẹ nói khẽ và chống ồn cho khu dân cư

Tài xế Sato chụp ảnh với các nhà báo Việt Nam

Lái xe ngồi gần như cách biệt với khách. Đến giờ ăn, tài xế và phiên dịch ăn riêng, không bao giờ ngồi cùng khách. Khi rảnh rỗi, bác Sato lại giở báo ra đọc. Ở thành Osaka, trong bãi đỗ xe, tôi còn nhìn thấy một bác tài khác già hơn cả bác Sato, râu bạc trắng cũng đang tranh thủ đọc báo chờ khách. Gần như người Nhật ít dùng thời gian rỗi vào việc tụm năm tụm ba bàn tán, hút thuốc.

Rượu và thuốc là hai thứ mà tôi tuyệt nhiên không thấy bác Sato sử dụng khi chờ chúng tôi ra xe. Và trong những nhà hàng bình dân hay sang trọng cũng không thấy bày sẵn. Chỉ khi khách có nhu cầu gọi thì mới được đưa đến vài xị rượu Sa-kê (một loại rượu truyền thống rất nhẹ độ). Có phải vì thế mà tại các nhà hàng, quán ăn, ít thấy những gương mặt đỏ bừng, những lời nói ồn ào, những biểu hiện bất nhã…

Người dân Nhật Bản ứng xử với môi trường (bài 2): Đi nhẹ nói khẽ và chống ồn cho khu dân cư

Người dân Nhật Bản không nói to nơi đông người

Các ngôi chùa ở Tokyo, Kyoto và chùa Thần đạo trên núi Phú Sĩ cũng vậy. Đông đúc nhưng không náo động, dù có rất nhiều chàng trai, cô gái và khách du lịch viếng thăm. Thành phố Tokyo, ban ngày không ồn ào, nườm nượp người qua kẻ lại, không thấy xe cộ giờ tan tầm chen chúc nhau, bởi vì đó chỉ là thành phố trên mặt đất rất ít người, còn một thành phố sôi động dưới lòng đất với tàu điện ngầm, nhiều nhà hàng, cửa hiệu, khách sạn, bến tàu…

Người dân Nhật Bản ứng xử với môi trường (bài 2): Đi nhẹ nói khẽ và chống ồn cho khu dân cư

Chùa thờ Phật ở Tokyo, không ngột ngạt khói hương, không mẩu rác thải

Giải pháp chống ồn cho khu dân cư

Tất cả những thành phố mà chúng tôi đi qua, giống như ở nước Lào, rất ít tiếng còi xe. Các bác tài rất thận trọng khi bấm còi, đậu đỗ xe đúng nơi quy định. Có lẽ bởi đường ai nấy đi, rất quy chuẩn nên không phải nhắc nhở người khác tránh đường. Trên đường đi, Nguyễn Hữu Quân - hướng dẫn viên của Vietravel chỉ cho tôi những tấm kính chống ồn cho các khu dân cư. Nó được lắp đặt ở nhiều tuyến cao tốc chạy dọc đất nước. Những nơi nào có khu dân cư là nơi đó kính chống ồn được lắp đặt. Chính phủ Nhật Bản đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ cho giải pháp này.

Người dân Nhật Bản ứng xử với môi trường (bài 2): Đi nhẹ nói khẽ và chống ồn cho khu dân cư

Kính chống ồn cho khu dân cư ở Tsuru

Cũng phải nói thêm, Nhật Bản có 70% diện tích đất là đồi núi. Người dân phải chở đất nơi khác về khu vực đồi núi được san phẳng để có ruộng trồng lúa. Thế nên ở những nơi chúng tôi đi qua, nhiều mảnh ruộng nhỏ nằm cạnh nhà dân. Vì vậy, những khu vực này vẫn được lắp kính chống ồn. Còn ở thành phố không có kính chống ồn nhưng xe cộ được phân luồng và người dân cũng không bị tiếng còi inh ỏi thức giấc bởi trật tự giao thông rất chuẩn. Ở khu vực nông thôn cũng vậy.

Người dân Nhật Bản ứng xử với môi trường (bài 2): Đi nhẹ nói khẽ và chống ồn cho khu dân cư

Các tài xế ô tô ở Nhật Bản ít bấm còi, đi đúng làn quy định

Tôi không biết khi nào Việt Nam mới có những tấm kính chống ồn ở cao tốc, nhưng tôi biết, nếu người dân Việt Nam thực hiện văn hóa xếp hàng, giữ gìn trật tự nơi công cộng và tuân thủ nghiêm Luật Giao thông đường bộ, môi trường sống của chính họ sẽ được cải thiện.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast