Người phụ nữ Thụy Điển thích ăn đọt tro xào, nằm võng xếp Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tình yêu đặc biệt với con người, đất nước Việt Nam đã khiến một người phụ nữ Thụy Điển suốt hơn 20 năm gắn bó cuộc đời mình để giúp bà con nông dân Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng xây dựng các mô hình nông nghiệp.

nguoi phu nu thuy dien thich an dot tro xao nam vong xep ha tinh

Là chuyên gia quốc tế nhưng chị Elisabeth rất gần gũi, thân mật với người dân Việt Nam.

Chị là Elisabeth Simelton (SN 1967, quốc tịch Thụy Điển). Lần đầu tiên đến Việt Nam là vào năm 1995, khi đó, chị đang là sinh viên Đại học Sư phạm Thụy Điển. Nhận được học bổng nghiên cứu ở nước ngoài, chị đến Việt Nam để được tận mắt chứng kiến đất nước nhiệt đới với đồi núi đá và những mô hình nông, lâm kết hợp – hình ảnh mà trước đó chị chỉ được thấy trong sách giáo khoa.

“Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tiếp tục học thêm về nông, lâm nghiệp. Năm 1996, tôi đến Hòa Bình để thực tập tốt nghiệp. Qua tiếp xúc với những người nông dân, tôi thấy yêu con người và đất nước Việt Nam. Lần này, tôi bắt đầu học tiếng Việt và có ý định công tác lâu dài tại Việt Nam” - chị kể.

Sau quá trình học tiến sỹ, chị tham gia các tổ chức quốc tế đến Việt Nam thực hiện các dự án khuyến nông, khuyến ngư tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Anh và một số nước châu Phi… Đến năm 2010, chị trở lại Hòa Bình - Việt Nam để thực hiện dự án nuôi cá ruộng cùng với Trung tâm Nghiên cứu nông lâm thế giới (ICRAF). Từ đó đến nay, chị ở hẳn tại Việt Nam.

nguoi phu nu thuy dien thich an dot tro xao nam vong xep ha tinh

Năm 2011, chị đến Hà Tĩnh để tham gia dự án đánh giá sự hiểu biết của nông dân về biến đổi khí hậu. Tiếp đó là dự án Làng nông Thuận Thiên. Đây là dự án được triển khai thí điểm tại khu vực Đông Nam Á từ năm 2015. Hiện, chị Elisabeth là người chịu trách nhiệm quản lý dự án. Sau gần 3 năm, dự án đã góp phần khuyến khích nông dân các địa phương mạnh dạn xây dựng các mô hình sinh kế thông minh, cải thiện thu nhập; hăng hái, tích cực trong hành trình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau 3 lần có dịp gặp gỡ, tôi mới chấp bút viết về chị. Lần đầu tiên, chị tham gia thực địa cùng một lớp tập huấn do Hội Nông dân Hà Tĩnh tổ chức tại huyện Hương Sơn. Chị đã giới thiệu, hướng dẫn các học viên về mô hình nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực. Lần thứ hai, chị cùng một người khác thuộc trung tâm đã bỏ tiền túi hơn 20 triệu đồng để hỗ trợ giống cây cho nông dân thôn Mỹ Lợi (xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh).

Khi được hỏi về lý do hỗ trợ người dân trồng cây, chị vội lấy giấy bút ra để giải thích, đại ý rằng: Chuyến bay từ Thụy Điển đến Việt Nam sẽ phát thải một lượng lớn khí thải, do đó, chị cần phải trồng hơn 100 cây xanh để tạo ra các tín chỉ các-bon (carbon credit) để đền bù cho môi trường. Chị cười và nói thêm, mình sinh ngày 5/6 - ngày Môi trường thế giới.

Thôn Mỹ Lợi là địa phương mà chị Elisabeth gắn bó nhất ở Hà Tĩnh. Lần thứ ba tôi gặp chị cũng tại xã Kỳ Sơn, khi chị cùng các đoàn công tác đến trao quà viện trợ người dân chịu thiệt hại sau cơn bão số 10 năm 2017. Chị khá gần gũi, ăn những món ăn bình dân, nghỉ trưa bằng võng xếp...

nguoi phu nu thuy dien thich an dot tro xao nam vong xep ha tinh

Chị Elisabeth và người dân xã Kỳ Sơn (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) trồng cây sấu để tạo tín chỉ các-bon (carbon credit) đền bù cho môi trường sau chuyến bay từ châu Âu sang Việt Nam.

Đến nay, chị vẫn chưa kết hôn. Người phụ nữ ấy đã dành hơn 20 năm trời đến khắp miền quê khó khăn ở Việt Nam để giúp đỡ nông dân phát triển kinh tế, chống xói mòn, bảo vệ môi trường. Chị kể thêm, những món ăn ưa thích nhất là đậu phụ sốt cà chua, đọt tro xào, cu đơ Hà Tĩnh... Tên tiếng Việt của chị là Mỹ Linh. Mong muốn lớn nhất của chị là người nông dân ngày càng khấm khá và bản thân được gắn bó lâu hơn với Hà Tĩnh.

Là một trong những người nhiều lần tiếp xúc với chị, Trưởng thôn Mỹ Lợi Dương Văn Thám cho biết, bà Mỹ Linh là một người nông dân thực thụ. Bà luôn thân thiện, cùng chúng tôi uống nước chè xanh, ăn khoai, sắn. Đặc biệt, bà rất thích món đọt tro xào (nõn cây cọ)… của người Kỳ Sơn.

Ông Thám kể lại: “Lần đó, Trung tâm Nghiên cứu nông lâm Thế giới tổ chức chương trình Vua Đầu bếp tại xã Kỳ Sơn. Tham gia cuộc thi, người dân đã chế biến món đọt tro xào để đãi khách quý. Chính món ăn đó đã để lại nhiều ấn tượng nhất với bà Mỹ Linh bởi nguyên liệu không nơi đâu có này. Ngay sau khi thưởng thức, bà đã vô cùng ngạc nhiên, đi về phía chúng tôi và hỏi cách chế biến. Nhiều lần gặp lại, bà vẫn nhắc đến món ăn có một không hai của người Kỳ Sơn chúng tôi”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast