Những rào cản đổi mới ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống

(Baohatinh.vn) - Cùng chung tình trạng với các nhà hát, đoàn nghệ thuật nhà nước trong toàn quốc, nhiều năm lại nay, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động và nguồn nhân lực. Đó chính là rào cản sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật.

nhung rao can doi moi o nha hat nghe thuat truyen thong

Chưa có phòng tập riêng cho các đội chuyên môn, các nghệ sỹ phải tập luyện trong không gian chung, thiếu thốn trang thiết bị.

Cơ sở vật chất thiếu, nhân lực yếu

Thời gian qua, mặc dù đã được đầu tư trên 3 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và củng cố cơ sở vật chất nhưng so với nhu cầu vẫn chưa thể đáp ứng. Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là không có nhà hát để phát huy những vở diễn cần sân khấu cố định với âm thanh, ánh sáng, đạo cụ đảm bảo. Thay cho nhà hát xứng tầm như tên gọi, các nghệ sỹ, diễn viên ở các bộ môn nghệ thuật đang phải cùng nhau tập luyện trong không gian chật hẹp của hội trường cơ quan.

Diễn viên múa Phương Thảo cho biết: “Tiết mục múa cần phải có hội trường lớn với các trang thiết bị đặc trưng để tập luyện, bởi vậy, khi phải tập cùng hội trường với các đội khác, diễn viên chúng tôi rất khó khăn”.

Sự già hóa của đội ngũ diễn viên cũng đang là rào cản trong các hoạt động của nhà hát. Bình quân tuổi diễn viên hiện nay là 43, trong đó có 9 người trên 50 tuổi. Đây là thực trạng đáng buồn của một đơn vị hoạt động nghệ thuật đòi hỏi sức trẻ và sự sáng tạo. Trong tất cả các chương trình nghệ thuật của nhà hát, diễn viên lớn tuổi hầu như không có “suất” diễn chính, thay vào đó, một số người được xếp vào các tiết mục tập thể. Điều này gây tâm lý chán nản, mệt mỏi khi hàng ngày họ vẫn phải đến cơ quan và chứng kiến đồng nghiệp tập luyện.

Anh Nguyễn Văn Song - diễn viên kịch của nhà hát cho biết: “Nhiều năm nay tôi không được lên sân khấu, phần vì do đặc trưng nghề nghiệp “thầy đồ già, con hát trẻ”, phần vì không hề có vở kịch nào được dựng. Phải sống cảnh có nghề mà không có nghiệp, tôi rất buồn. Những diễn viên như tôi bây giờ chỉ chờ đến ngày đủ năm, đủ tháng công tác để xin được nghỉ chế độ”.

Không chỉ bị già hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những nghệ sỹ được coi là trẻ của nhà hát hiện nay cũng không cao. Trong tổng số 43 người thì chỉ có 7 người có trình độ đại học, còn lại là trung cấp và chuyên môn kỹ thuật. Thêm vào đó, thu nhập thấp với bình quân 4,4 triệu đồng/tháng, việc làm thiếu ổn định đã khiến các nghệ sỹ “chân trong, chân ngoài”.

nhung rao can doi moi o nha hat nghe thuat truyen thong

Vở múa rối "Nét Hồng Lam" - một minh chứng cho sự thành công trong việc lồng ghép nghệ thuật của dân ca ví giặm

Nhạc sỹ Ngọc Thịnh cho biết: “Thời gian gần đây, việc tập luyện của các nghệ sỹ đã đi vào nền nếp. Tuy nhiên, tư tưởng không ổn định của các nghệ sỹ đã dẫn tới chất lượng các chương trình nghệ thuật không cao, thậm chí, để cải thiện đời sống, nhiều ca sỹ chú trọng nghề tay trái như MC, nhạc công hơn là việc luyện thanh, nâng cao trình độ”.

Trong bối cảnh đó, nhiều nghệ sỹ của nhà hát cũng chưa thực sự dành tài năng, tâm huyết đối với việc lưu giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống. Cách đây mấy năm, nhà hát đã mời nghệ nhân ca trù Bạch Vân từ CLB ca trù Thăng Long về tập huấn, dạy cách hát nhưng cho đến bây giờ cũng không có nghệ sỹ nào có thể hát ca trù. Ngay cả lĩnh vực truyền thống là dân ca ví, giặm; nghệ sỹ của nhà hát cũng chỉ mới thể hiện được những làn điệu phổ biến chứ chưa có sự đầu tư, tìm tòi, tập luyện những làn điệu quý hiếm trong dân gian.

Những “đứa con yểu mệnh”

Cho đến nay, sau gần 4 năm chuyển đổi, kế hoạch về xây dựng không gian bảo tồn nghệ thuật truyền thống để góp phần giúp nhà hát thực hiện đúng chức năng theo tên gọi vẫn còn nằm trong văn bản. Hoạt động nghệ thuật của nhà hát hầu như vẫn chưa có gì đổi mới, thậm chí, có những môn nghệ thuật gần như không xuất hiện trên sân khấu…

nhung rao can doi moi o nha hat nghe thuat truyen thong

Kịch dân ca từ lâu chỉ xuất hiện trên sân khấu nghệ thuật quần chúng và cũng chỉ dưới dạng tiểu phẩm hay tổ khúc dân ca

Một thời vang bóng của những vở kịch dân ca ví, giặm như “Cô Tám”, “Đốm lửa núi Hồng”, “Mai Thúc Loan” đã đi vào dĩ vãng cùng thế hệ tác giả kịch bản xuất sắc như Phan Lương Hảo, Nguyễn Thế Kỷ… Thực tế cho thấy, kịch vẫn thu hút được người xem nếu có sự đầu tư tương xứng, như việc vở  kịch Mai Thúc Loan được dựng gần đây đã thu hút đông đảo khán giả đến rạp. Vấn đề ở chỗ là Nhà hát NTTT Hà Tĩnh chưa thực sự đầu tư nghiêm túc cho mảng kịch. Điều này được lãnh đạo nhà hát nhấn mạnh lý do chính là do thiếu nguồn nhân lực về đạo diễn, biên kịch, diễn viên cũng như những điều kiện sân khấu đảm bảo.

Năm 2012, ngay sau khi Nhà hát NTTT Hà Tĩnh được thành lập, nghệ thuật múa rối được nhà hát đưa vào thành một trong những bộ môn truyền thống của đoàn. Không chỉ chiêu mộ diễn viên, nhà hát còn mời các đạo diễn ở Nhà hát Múa rối T.Ư về dựng vở. Và ngay lập tức, vở múa rối “Nét Hồng Lam” được xây dựng trên chất liệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã “ẵm” huy chương bạc tại Liên hoan Múa rối quốc tế diễn ra ở Hà Nội. Sự kiện đó đã mở ra một nẻo đường sáng tạo nghệ thuật mới nhằm làm phong phú thêm các hoạt động nghệ thuật của nhà hát, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần đa dạng của nhân dân.

Sau thành công của “Nét Hồng Lam”, người dân Hà Tĩnh đã vui mừng vì từ đây, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh có thêm một hình thức tồn tại, phát huy giá trị mới. Tuy nhiên, như ánh chớp giữa bầu trời, múa rối Hà Tĩnh kể từ sau “Nét Hồng Lam” coi như đã nhanh chóng khép lại, có chăng chỉ còn lại một số vở diễn nhỏ được biểu diễn đi biểu diễn lại nhiều lần trên sân khấu dành cho thiếu nhi.

Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự đổi mới nhưng nhìn lại hoạt động của nhà hát NTTT Hà Tĩnh trong thời gian qua, công chúng không tìm được nét mới, mang tính sáng tạo trong các hoạt động biểu diễn. Trong hoàn cảnh “cái khó bó cái khôn”, sự linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo nhà hát trong việc lựa chọn hướng đi là điều kiện cần nhất để khắc phục khó khăn, xây dựng thương hiệu cho nhà hát.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast