“Tết con” trong tâm thức người Việt

(Baohatinh.vn) - Với nhiều người dân của xã Kỳ Hưng (TX Kỳ Anh), trước khi đón Tết Nguyên đán, bà con ở đây còn có phong tục ăn “Tết con”. Đó là một phong tục đẹp với những câu chuyện giàu ý nghĩa nhân văn về sự sum vầy, những hoạt động tâm linh hướng về tiên tổ.

Chuẩn bị cho bữa cơm đoàn viên của các dòng tộc thường đơn giản nhưng vô cùng ấm cúng.

Chuẩn bị cho bữa cơm đoàn viên của các dòng tộc thường đơn giản nhưng vô cùng ấm cúng.

Mỗi năm, vào tháng Chạp, người dân Kỳ Hưng vẫn dành một ngày trọn vẹn cho phong tục đẹp trong mỗi gia đình, dòng họ. Không phải du xuân, không phải lễ và hội trong một thời gian dài như Tết Nguyên đán, “Tết con” ở đây chỉ đơn thuần là câu chuyện về lễ tiết của những gia đình, dòng họ. Đó là chuyện của ngày tảo mộ, chuyện sửa sang, dọn dẹp ban thờ, chuyện của việc báo công, báo việc của từng gia đình với tổ tiên hay sự hội ngộ, đoàn viên trong một bữa cơm họ tộc… Chỉ thế thôi, nhưng bao thế hệ, từ đời này qua đời khác, luôn trân trọng, tiếp nối và gìn giữ.

“Người ta cho rằng, đó là lúc để kết nối tình yêu thương, đoàn kết giữa những người hiện tại với người muôn năm cũ, giữa những người đang sống với nhau. Ý niệm “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn…” trong Tết con ở đây cũng chính là vậy”, ông Dương Xuân Thành – một người dân khẳng định thêm.

Mỗi dịp hội ngộ là thêm một lần sợi dây cố kết gia đình, dòng họ thêm vững bền

Mỗi dịp hội ngộ là thêm một lần sợi dây cố kết gia đình, dòng họ thêm vững bền

Trong dịp “Tết con”, việc chính là tục tảo mộ. Trong gió rít tê tái ngày đông, khi những cơn mưa ngày càng nặng hạt, bất kể mọi khoảng cách xa xôi, những quãng đường lầy lội… mọi người vẫn đang lo sửa sang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp hơn nơi an nghỉ của người thân. Với truyền thống tâm linh của người Việt, khi năm mới đến, tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, thể hiện sự hiếu đạo của con cái, lòng kính trọng với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất. Dường như, chuyện tảo mộ không đơn thuần là việc sửa sang, phong quang, mới mẻ từng phần mộ mà hơn hết nó mang một thông điệp của quá khứ gửi đến hiện tại và tương lai, của tổ tiên gửi đến cháu con về những giá trị đạo nghĩa làm người, góp phần tạo nên hồn thiêng trong dòng chảy văn hóa làng của người Việt.

“Tết con” ở đây, dù là người thuộc tín ngưỡng tôn giáo nào, giàu hay nghèo, thì trong mỗi nhà, đều được quét dọn gọn gàng, sạch sẽ và được trang hoàng khác hẳn ngày thường. Tươm tất nhất là trên bàn thờ gia tiên được bày ngay ngắn, đẹp mắt. Đặc biệt, tại mỗi nhà thờ của từng chi nhánh, dòng tộc, đây được xem là dịp để cháu con hội tụ, chuẩn bị cho những bữa cơm đoàn viên. Về điều này, ông Phan Công Ba (Kỳ Hưng) cho biết thêm: Mỗi người mỗi việc, từ chợ búa, trầu nước, chè thang cho đến lễ lạt… tất cả đều được chu toàn thông qua những gia đình chịu trách nhiệm “cầu đương, mại biện” trong năm đó. Với họ, sự thành tâm, đoàn kết và sum vầy như thế này, dù ở đâu cũng luôn được các bậc tổ tiên chứng kiến và độ trì cho cháu con. Điều này cũng diễn ra ở rất nhiều nơi.

Không phải là lễ lớn trong năm, nhưng “Tết con” lại quan trọng và rất đỗi thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt, gắn liền với đạo đức, bổn phận mỗi người với việc tưởng nhớ công lao của tổ phụ, những người đi trước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast