“Thắp lửa” tình yêu ví, giặm

(Baohatinh.vn) - Gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là trách nhiệm của cả cộng đồng, để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh luôn có sức sống trường tồn.

Tại Liên hoan các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016, nhiều địa phương, nghệ nhân, CLB đã thể hiện sâu sắc tình yêu, khát vọng giữ gìn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm. Phóng viên Báo Hà Tĩnh ghi lại những chia sẻ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các nghệ nhân, chủ nhiệm các CLB và diễn viên “nhí” qua cuộc liên hoan này.

thap lua tinh yeu vi giam

Tiết mục "Đúc cội chuông vàng" của CLB phường Kỳ Trinh, TX. Kỳ Anh

Ông Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh không chỉ là máu thịt của người dân Xứ Nghệ, mà cũng là máu thịt của chính người dân TX Hồng Lĩnh.

thap lua tinh yeu vi giam

Nó đã và đang hiện hữu trong tâm hồn của mỗi con người, là dòng sữa tinh thần ngọt ngào góp phần hình thành, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn các thế hệ người dân nơi đây.

Xác định việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là góp phần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thời gian qua, TX Hồng Lĩnh đã chỉ đạo các ban ngành liên quan, các đơn vị phường, xã thành lập các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. "

Từ đó lại nay, các CLB đã từng bước đi vào hoạt động, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hà Tĩnh nói chung và Hồng Lĩnh nói riêng ngày càng được nâng cao. Cùng với xây dựng đời sống văn hóa mới, con người mới, những giá trị văn hóa tinh thần của ông cha để lại vẫn được người dân hết sức gìn giữ. Sự ra đời của các CLB dân ca là nền tảng, là cái hồn cho phong trào văn nghệ quần chúng cơ sở, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm tại địa phương.

Nghệ nhân dân gian Đặng Thị Minh Nguyệt - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh):

Với tôi, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh không chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm của một nghệ nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

thap lua tinh yeu vi giam

Để dân ca ví, giặm có sức sống trường tồn thì các nghệ nhân luôn phải nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu cổ và truyền dạy, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ niềm đam mê. Từ nhiều năm nay, tôi đã truyền dạy cho nhiều cháu yêu thích dân ca. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 7 cháu hát tốt dân ca ví, giặm và đã thường xuyên đi biểu diễn.

Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm, cần có không gian diễn xướng cũng như đầu tư kinh phí khôi phục các làn điệu cổ. Tuy vậy, dân ca ví, giặm cũng cần phải vận động theo thời cuộc. Vì thế, nếu sử dụng mãi những câu hát cũ thì môn nghệ thuật dân gian này sẽ thiếu sức hút. Các nghệ nhân, nhạc sỹ, nhà nghiên cứu cần khai thác những giá trị truyền thống của dân ca ví, giặm gắn với những chủ đề của đời sống hiện đại, sáng tạo những làn điệu mới, lời mới, có như thế dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh mới trường tồn.

Nghệ nhân dân gian Hoàng Vinh - Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu:

Đợt liên hoan dân ca ví, giặm lần này, tôi viết 4 tác phẩm cho 2 phường Nam Hồng và Trung Lương (TX Hồng Lĩnh). Để hoàn thành các tổ khúc dân ca này, tôi phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử, hỏi chuyện những người cao tuổi, ghi chép nhiều câu chuyện, nhiều địa danh.

thap lua tinh yeu vi giam

Nếu tổ khúc dân ca “Nam Hồng khúc hát yêu thương” tái hiện lại không gian diễn xướng trai hàng bè Tiếp Võ giao duyên với gái giê ló Nguyệt Ao một thời, thì tổ khúc “Minh Lương - Trung Lương giàu đẹp” mô tả không gian trai làng rèn Trung Lương thương gái Yên Hồ dệt vải.

Thời điểm này, tôi đang tập hợp để in thành sách những tác phẩm mình đã viết trong nhiều năm qua. Ngoài 120 tổ khúc dân ca và không gian diễn xướng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được công diễn trên sân khấu, tôi còn viết khoảng 50 màn chào hỏi trong các cuộc thi, 30 vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, 50 tiểu phẩm dân ca và khoảng 25 sử thi nghệ thuật dân ca Nghệ Tĩnh.

Bà Trương Mai Liêm - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh):

Dân ca ví, giặm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Hà Tĩnh nói chung và TX Kỳ Anh nói riêng. Với lối hát gần gũi, mộc mạc, những điệu hò, câu ví chứa chan tình cảm, đạo lý, tính cách của người Hà Tĩnh có sức sống rất mạnh mẽ.

thap lua tinh yeu vi giam

Mặc dù mới được thành lập nhưng CLB Dân ca ví, giặm phường Kỳ Trinh có nhiều dấu ấn trong các hội thi, liên hoan dân ca, góp phần khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Hầu hết thành viên trong CLB đều là công chức, viên chức, nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ trên địa bàn dân cư được các nghệ nhân truyền dạy hát dân ca.

Nghệ nhân là những hạt nhân của CLB, thực sự là những “báu vật sống”. Để phát huy giá trị dân ca ví, giặm, đòi hỏi các cấp, ngành tiếp tục tuyên truyền quảng bá, quan tâm đẩy mạnh hoạt động của các CLB, có nguồn kinh phí để các CLB hoạt động hiệu quả; động viên đội ngũ nghệ nhân ở cơ sở, tổ chức truyền dạy trong cộng đồng, đặc biệt, tiếp tục đưa dân ca vào trường học để thế hệ trẻ gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc này.

Em Nguyễn Thị Phương Thảo và Trịnh Thị Thùy Linh (CLB Dân ca ví, giặm xã Tùng Lộc, Can Lộc)

Chúng em đều là học sinh lớp 9A - Trường THCS Đặng Dung. Tham gia liên hoan lần này, CLB của chúng em có các tiết mục mô tả về lao động sản xuất, hát giao duyên, ca ngợi tình mẫu tử (Thập ân phụ mẫu).

thap lua tinh yeu vi giam

Để chuẩn bị cho liên hoan, CLB đã tập trung chuẩn bị khá kỹ, trong đó, phần nhiều thời gian là để tập hát, phối hợp trong quá trình biểu diễn. Quá trình tập, em được các bác lớn tuổi chỉ dẫn cụ thể từng cách hát, điệu hát nên ngoài việc hát các câu hát trong tác phẩm tham dự, chúng em có thể hát các thể ví, giặm khác. Được tham gia liên hoan tổ chức ở nơi xa, với chúng em là kỷ niệm đẹp, làm cho bản thân thêm yêu câu dân ca ví, giặm quê nhà.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast