Truyền dạy trò Kiều ở Xuân Liên

(Baohatinh.vn) - Đầu tháng giêng năm nay, tôi về thôn Lâm Hải, xã Xuân Liên (Nghi Xuân) gặp ông Mai Tùng để tìm hiểu nghệ thuật diễn trò Kiều ở xã bãi ngang cách làng Tiên Điền - quê hương cụ Nguyễn Du khoảng 9 cây số.

Theo ông Mai Tùng, CLB trò Kiều của xã có 13 thành viên. Người cao tuổi nhất là nghệ nhân Hồ Kim Sơn năm nay 91 tuổi, là học trò yêu của cụ Mai Ngận (thân sinh ông Tùng). Cụ Mai Ngận là đảng viên lão thành cách mạng ở đất Cam Lâm trong phong trào Xô viết 30-31 và là người có công học hỏi, truyền dạy trò Kiều về Cam Lâm (tức Xuân Liên).

Diễn trò Kiều ở Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: P.V

Diễn trò Kiều ở Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: P.V

Khoảng năm 1943, cụ Mai Ngận ra huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu (Nghệ An) thăm bạn tù bị Pháp giam cầm, thấy họ diễn tích trò Kiều rất hay nên đã học tập. Sau ngày học thành tài, cụ Ngận đưa kịch bản Kiều về làng Cam Lâm truyền dạy cho dân làng biển nghèo khó, lam lũ. Học trò của cụ Mai Ngận là Hồ Kim Sơn, Phan Sáu, Phan Trương, Trần Ất, Nguyễn Tính, Hồ Ngọ, Nguyễn Đưng. Những quần chúng diễn “Kim Vân Kiều” hầu hết đã mất, nay chỉ còn cụ Hồ Kim Sơn được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận nghệ nhân dân gian vào năm 2012.

Ông Mai Tùng dẫn tôi sang nhà nghệ nhân Hồ Kim Sơn. Cụ Hồ Kim Sơn kể: Vào năm 1943, ở Nghi Xuân đã xuất hiện một số làng ở Tiên Điền, Phan Xá, Cổ Đạm, tết đến thường tổ chức diễn trò “Kim Vân Kiều”. Rồi thỉnh thoảng lại có mấy người từ chợ Cổ Đạm vào Cam Lâm diễn trò mua vui trong các đám cưới nhà giàu.

Khi đó, những người có “máu” văn nghệ xin theo học hỏi nhưng họ không truyền dạy. Tức chí, cụ Mai Ngận lặn lội ra Diễn Châu học hát và sao chép kịch bản tích “Kim Vân Kiều” mang về đất Cam Lâm truyền dạy cho thanh niên trong làng. Lúc đó, phong trào diễn tích Kiều hoạt động sôi nổi. Nhưng rồi kháng chiến chống Pháp diễn ra, sinh hoạt văn nghệ quần chúng, trong đó, có diễn xướng trò Kiều ở đây cũng bị gián đoạn trong thời gian dài.

Năm 1962, xã Xuân Liên được Đảng và Chính phủ đầu tư kinh phí xây dựng một công trình kênh tiêu thủy lợi. Lúc đó, cụ Hồ Kim Sơn đang giữ cương vị chủ nhiệm HTX Mua bán Xuân Liên. Cụ Mai Ngận là cán bộ xã đã nghỉ hưu, đến nhà cụ Sơn bàn việc tổ chức khôi phục trò Kiều làm nòng cốt trong phong trào văn nghệ quần chúng xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, nông thôn. Chủ trương khôi phục trò Kiều được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Để có diễn viên cho đội trò, cụ Sơn đi khắp thôn nọ, xóm kia tìm người phù hợp, vất vả lắm mới tìm được 12 người, họp bàn bố trí các vai diễn, tập vở. Vì thiếu diễn viên, thường mỗi người phải đảm nhận nhiều vai. Riêng nghệ nhân Hồ Kim Sơn từng đảm nhiệm các vai diễn Kim Trọng, Từ Hải, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, đôi khi đóng sai nha, Khuyển Ưng, Khuyển phệ nữa. Đội trò xã Xuân Liên đã phục hồi thành công và tổ chức biểu diễn chào mừng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tiến Chương, Phó Chủ tịch Trần Quang Đạt về khánh thành công trình thủy lợi tại địa phương.

Nhưng rồi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, phong trào “tiếng hát át tiếng bom” phát triển mạnh, vì không phù hợp với thời cuộc nên trò Kiều tắt ánh đèn sân khấu để nhường chỗ cho văn nghệ phục vụ kháng chiến, sau đó, dần bị quên lãng. Điều đó làm cụ Mai Ngận luyến tiếc, trước khi mất đã dặn học trò Hồ Kim Sơn: “Hãy cố gắng bảo tồn giá trị của kịch bản trò Kiều”. Vậy nên, trong đám giỗ của người thầy truyền dạy trò Kiều, nghệ nhân dân gian Hồ Kim Sơn và cụ Phan Sáu (nay đã mất) “tiếp lửa” thực hiện đúng lời dạy của “sư phụ”, tổ chức phục hồi trò Kiều vào năm 2004, theo kịch bản cổ cụ Mai Ngận đưa về từ Diễn Châu.

Từ ngày trò Kiều được phục hồi, người dân làng biển sau một ngày lao động vất vả, tối đến vẫn rủ nhau về đình làng xem đội trò Kiều tập hát, tập múa. Người dân làng biển đã quen với ánh đèn sân khấu, màu sắc trang phục của diễn viên và các làn ngang, làn dọc, nam bằng, nam ai, xẩm xoan, nói lối, lời đế, dáng điệu của chú hề. Quần áo, trang phục, đạo cụ do CLB trò Kiều tự mua sắm, tự làm để biểu diễn phục vụ quần chúng.

Ngoài việc biểu diễn phục vụ huyện trong tuần lễ văn hóa - du lịch, 240 năm, 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Ngày mồng 4 Tết Nguyên đán hàng năm, theo yêu cầu của xã, CLB trò Kiều tổ chức biểu diễn ở đình làng Cam Lâm để mừng thọ các cụ ông, cụ bà.

Trước thềm xuân năm 2016, kế hoạch của CLB trò Kiều xã Xuân Liên không thay đổi. Đặc biệt là hậu duệ của tiến sĩ Nguyễn Bật Lạng đang dự kiến thành lập CLB trò Kiều họ Nguyễn.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast