Vốn quý đất Thành Sen

(Baohatinh.vn) - Nằm ở phía Đông Hà Tĩnh, trên đồng bằng Nghệ Tĩnh - Lam Giang, TP Hà Tĩnh vừa mang những nét văn hóa chung của miền đất Nghệ Tĩnh, vừa có những đặc trưng của vùng đất tỉnh lỵ. Ngày nay, những dấu ấn văn hóa cổ xưa còn lưu lại khá nhiều trên các di sản văn hóa vật thể đền, chùa, đình, miếu nằm rải rác khắp thành phố...

von quy dat thanh sen

Quy hoạch mở rộng khuôn viên đền Võ Miếu đã được nhân dân đồng tình, sẵn sàng hiến đất.

Tính đến thời điểm hiện nay, trong tổng số 34 di tích văn hóa vật thể của TP Hà Tĩnh có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 19 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Anh Phạm Mạnh Hiền - Trưởng phòng VHTT thành phố cho biết: “Những năm qua, thành phố đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư nhằm tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản này trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân… Hàng năm, chúng tôi đều xin kinh phí để đầu tư tu bổ các hạng mục tại các di tích. Đặc biệt, chúng tôi luôn quan tâm khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần tại các di tích nhằm phục vụ đời sống của nhân dân”.

Được đầu tư lớn nhất hiện nay chính là công trình Văn Miếu Hà Tĩnh. Được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (1883) trên cánh đồng Đông Lỗ (nay thuộc tổ dân phố Vĩnh Hòa, phường Thạch Linh), Văn Miếu là nơi thờ tự các bậc hiền triết, cũng là nơi đào tạo, tuyển chọn hiền tài phục vụ quê hương, đất nước, nơi ghi danh các thế hệ người Hà Tĩnh học hành, đỗ đạt cao. Văn Miếu trước đây cũng là nơi diễn ra các lễ tế với nghi thức trang trọng, như lễ tế xuân (tháng 2 Âl) và tế thu (vào ngày 15/8 Âl). Năm 2014, TP Hà Tĩnh đã triển khai dự án trùng tu, tôn tạo di tích Văn Miếu ngay trên nền đất cũ với tổng mức đầu tư hơn 74,9 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa.

Nằm trong thành cổ Hà Tĩnh, di tích văn hóa Võ Miếu là một kiến trúc nghệ thuật độc đáo thời Nguyễn còn khá nguyên vẹn. Được xây dựng từ sau ngày thành lập tỉnh (1831), Võ Miếu ban đầu chỉ là ngôi nhà gỗ lợp tranh, sau đó, qua nhiều thời kỳ, Võ Miếu được tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ kiến trúc nghệ thuật độc đáo với 2 tòa hạ và thượng điện theo kiểu chữ môn. Võ Miếu thờ quan võ Hà Vân Trường - một nhân vật lịch sử của Trung Hoa xưa mà tài năng, trí tuệ, nhân cách có ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ quan võ Việt Nam. Đền còn phối thờ vua Trần Hưng Đạo. Tuy không thu hút khách thập phương như những di tích khác nhưng đền Võ Miếu là địa chỉ tâm linh linh thiêng đối với người dân TP Hà Tĩnh. Chị Nguyễn Thị Lý - phường Bắc Hà cho biết: “Hà Tĩnh tuy có nhiều đền, chùa, miếu nhưng từ bao đời nay tôi vẫn gắn bó với đền Võ Miếu. Mỗi khi gặp chuyện vui, chuyện buồn, tôi đều đến đền thắp hương như một cách để cám ơn và nguyện cầu những điều tốt đẹp nhất cho gia đình”.

Cùng với những ngôi miếu linh thiêng, Hà Tĩnh còn có hệ thống các ngôi đền với kiến trúc nghệ thuật độc đáo và giá trị văn hóa lịch sử. Nổi bật nhất chính là đền Kinh Hạ và Kinh Thượng ở Thạch Hưng. Đền Kinh Hạ được xây dựng từ thời Nguyễn và đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Đền phối thờ các vị thiên thần và nhân thần. Việc thờ Tam Lang - Long Vương ở đây phản ánh tín ngưỡng sơ khai của cư dân bản địa gắn liền với tục thờ thủy thần của người Việt cổ. Lễ hội ở đền Kinh Hạ được tổ chức hàng năm vào mùa xuân gọi là lễ khai hạ (15 tháng giêng Âl) và mùa thu - lễ tiết trung nguyên (15/7 Âl). Các lễ hội này vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay và trở thành truyền thống văn hóa của người dân Thạch Hưng.

Không thờ thiên thần như đền Kinh Hạ, đền Kinh Thượng ở Thạch Hưng được xây dựng để thờ các vị thành hoàng làng là các nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Lý như Uy Minh vương Lý Nhật Quang và nhà Trần như Tô Đại Liêu… Đây là những trọng thần có công trong đánh đuổi giặc ngoại xâm, khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp, mở mang bờ cõi, giữ yên vùng biển. Về sau, đền còn thờ vọng các quan địa phương có công với làng như Phan Văn Mậu tự Uy Sỹ, cụ Phan Thiếu - cử nhân dưới thời vua Tự Đức làm đốc học ở làng… Tại đền Kinh Thượng, nhân dân thường tổ chức lễ khai hạ (15 tháng giêng Âl) và lễ lục ngoạt (15/6 Âl).

Với những giá trị văn hóa, tinh thần đó, trong các năm 2011, 2014, TP Hà Tĩnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng tu bổ, tôn tạo một số hạng mục ở các ngôi đền này. Những giá trị văn hóa còn lưu lại đã góp phần giáo dục hậu thế về lòng yêu nước, thương dân trong mọi hoàn cảnh, thời kỳ lịch sử.

Là một đô thị nhưng Hà Tĩnh lại có di tích lịch sử - văn hóa khá đặc biệt, đó chính là Núi Nài (Cảm Sơn). Núi Nài là di tích cồn đất, có một tầng văn hóa nằm ven chân núi, ở độ cao khoảng 4m, nhiều hiện vật đá và gốm được phát hiện có niên đại hậu kỳ đá mới. Trên núi còn có chùa, gọi là chùa Nài, tự là Cảm Sơn được dựng từ thời Lê. Chùa tuy không lớn nhưng từ hàng trăm năm nay là địa chỉ tâm linh thiêng liêng của người dân Thành Sen và nhân dân thập phương. Người gắn bó và để lại dấu ấn sâu đậm nhất ở đây chính là nhà thơ, nhà dinh điền Nguyễn Công Trứ. Trong những năm 1849-1851, ông chọn núi Nài làm nơi dung dưỡng tinh thần. Ngoài ra, theo ông Thái Kim Đỉnh, chùa Nài còn là nơi mà các danh sỹ nổi tiếng như Bùi Huy Bích, Ngô Thì Nhậm, Đoàn Nguyên Tuấn, Nguyễn Nễ, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Đào Tấn… đã từng đến ở và nuôi dưỡng chí khí, trí tuệ. Trong kháng chiến chống Mỹ “tỉnh thành bát cảnh” núi Nài còn là nơi diễn ra những trận đánh oai hùng… Ngày nay, núi Nài là địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, đồng thời, ngôi chùa trên núi cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động tâm linh của nhân dân.

Hệ thống di sản vật thể của TP Hà Tĩnh vừa phản ánh đời sống văn hóa tinh thần trong những thời kỳ lịch sử nhất định, vừa là nơi gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa bất biến đó cho đời sau. Gìn giữ và phát huy những giá trị đó là nền tảng, cốt cách để TP Hà Tĩnh vững bước trên hành trình xây dựng đô thị hiện đại, văn minh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast