"Ai mua mật ong không?"

Tôi nhận được cú điện thoại, giọng vui vẻ: “Anh Thảo phải không? Khỏe không? Hôm rồi anh dặn có mật ong thật mua cho anh vài lít. Giờ có đây rồi, anh lấy không?”.

Nhà văn Lê Văn Thảo

Nhà văn Lê Văn Thảo

Tôi thấy số lạ, nghe giọng lạ, ngạc nhiên:

“Ai đó?”.

“H. đây!”.

“H. nào? Xin lỗi, tôi quen nhiều H. Anh ở đâu?”.

“Ở Cần Giờ. Quên rồi hả? Hôm rồi tôi gặp anh ở Hội văn nghệ. Lâu rồi, hồi đầu năm, mình uống với nhau vài chai bia. Anh nói anh cần mật ong thật để trị bịnh. Giờ có đây rồi, tôi có thằng bạn đi rừng về. Anh lấy mấy lít?”.

Tôi nhanh chóng kiểm tra lại vụ việc. Tôi có quan hệ với Hội văn nghệ, năm đến vài lần, đôi khi ghé quán ở đó uống vài chai bia. Nhưng tôi không nhớ có quen H. nào cả, ở Cần Giờ càng không. Người già nào cũng cần mật ong, uống tốt cho đường ruột, viêm phế quản, ho hen lúc trái gió trở trời. Nhưng Cần Giờ có rừng tràm đâu có mật ong? Tôi phân vân, muốn cúp máy không dám cúp. Người ta đang gọi tôi, biết số điện thoại của tôi, tôi đã nói chuyện, cúp ngang lỡ là người quen đâm phiền. Tốt nhứt dùng kế hoãn binh. Tôi nói:

“Tôi đang ở Hà Nội, anh à. Đang họp. Anh nghe tiếng ồn ào đây nè… Cuối năm anh biết rồi, lu bu lắm… Anh thông cảm nghen, tôi sẽ gọi lại…”.

Thật ra tôi đang ở một mình trong phòng, “tiếng ồn ào” là tiếng trên ti vi. Tôi cúp máy, thở phào. Vậy là xong. Có thể có sự lầm lẫn nào đó. Hoặc đúng là chuyện thật, tôi nói vu vơ trong lúc đang say. Nói chung chuyện cũng không đáng gì.

Độ bảy tám tháng sau, chuyện tưởng đã trôi vào quên lãng, một hôm điện thoại lại reo, vẫn giọng vui vẻ ấy:

“Anh Thảo hả? Khỏe không? Lại có mật ong đây, thằng bạn đi rừng về. Nguyên chất, lấy nghen? Tôi cho thằng em đem tới, anh muốn lấy bao nhiêu thì lấy”.

Lần này có vẻ dễ dãi hơn: không bắt buộc, lấy bao nhiêu thì lấy. Nhưng cũng quyết liệt hơn: có “thằng em” đem tới tận nhà. Tôi suy nghĩ. Tôi chưa mua, tiền còn trong túi tôi, mất đi đâu mà sợ? Tôi là người ít giao du, số điện thoại không nhiều người biết. Người này gọi thẳng tới tôi, biết tôi làm văn nghệ, biết ở Hội văn nghệ có quán nhậu. Vậy là người trong giới, không quen nhiều cũng quen ít. Lại kiên trì gọi lần thứ hai, cách nhau hàng tám tháng, người ta có nhiệt tình như thế. Vậy cứ kêu đem mật ong tới, coi thế nào, mua hay không tùy mình.

Tôi kêu đem lại.

“Thằng em” là một ông già, đèo theo sau xe hông-đa chiếc thùng lớn, đặt trên chiếc ba-ga được thiết kế riêng vừa vặn. Thấy rõ thùng xe và người lái xe là dân “chuyên nghiệp”, rong ruỗi qua bao dặm đường. Lão “thằng em” nhấn chuông, điềm nhiên đứng đợi. Tôi đi ra mở cổng, lão tháo dây thun đặt “ụych” chiếc thùng xuống giữa cổng, đứng chống nạnh tay, không một lời, điềm nhiên chờ đợi. “Tôi chỉ là người chở mướn. Ông đã nói chuyện với ông chủ, cứ thế mà làm”, lão ta như muốn nói như thế. Nhưng tôi có nói gì đâu. Thôi đành cứ thế “tiến tới” thôi. Tôi hất hàm kêu lão mở thùng. Lão mở, và tôi thật sự bị choáng ngợp.

Thùng đầy ắp những ổ ong, còn nguyên cả cành tràm tươi xanh, những bông tràm, những con ong non trắng phau, những con ong già đập cánh bò lệt phệt. Mật chảy tràn ra ngoài, đầy ngập cả nửa thùng. Vậy là ong thật, không máy móc nào làm giả được như vậy.

Tôi nhìn không rời mắt, thấy mát cả lòng. Thuở nhỏ tôi ở Đồng Tháp Mười, lớn lên nhiều năm ở rừng miền Đông, nhiều lần ăn ong, ong mật không xa lạ với tôi. Nhưng lâu lắm rồi, gần bốn mươi năm, tôi chỉ biết mật ong qua các chai lọ ở siêu thị, đề “mật ong nguyên chất” nhưng không biết là thứ gì. Lâu lắm rồi tôi mới thấy tận mắt những ổ ong còn nguyên cành lá, những con ong bò lệt phệt như thế này.

Tôi cố gắng đè nén cảm xúc. Việc mua bán không nên có tình cảm xen vào.

Tôi nói mật ong nguyên trong ổ, thấy rồi. Nhưng giá cả như thế nào?

Ba trăm ngàn một lít, như giá ngoài chợ. “Thằng em” lão già nói. Ông chủ nói là chỗ quen biết, chia lại giá vốn cho ông.

Được rồi, tôi nói. Rồi dò thử sang chuyện khác: “Ông chủ” cũng người làm văn nghệ?

Làm thơ chút đỉnh thôi, lão “thằng em” đáp. Với hát karaoke.

Được rồi, tôi nói. Karaoke cũng là thơ. Con ong cũng vậy, cũng là loại làm việc cần cù. Rồi hỏi trở lại chuyện mua bán: Bán nguyên thùng hay sao?

Bán mật thôi, tôi đong ra chai cho ông. Ông lấy ổ ong làm gì?

Được, tôi mua. Tôi nói, cảm giác về cánh rừng tràm bạt ngàn lại tràn ngập trong lòng. Nhưng tôi vẫn dè chừng. Đời bị lừa gạt nhiều, cẩn trọng không bao giờ thừa.

Tôi nói tôi mua một lít thôi, chỉ để làm thuốc.

Ông nói giởn hả? Lão ta giở giọng, bắt đầu sừng sộ. Ông mua một lít không bằng tiền xăng tôi chạy xe tới đây. Ông biết mật ong này từ rừng nào đem về không? Đồng Tháp Mười. Ông biết Đồng Tháp Mười không?

Cũng có biết. Tôi nói. Sao nói ở Cần Giờ?

Ông chủ ở Cần Giờ, nhưng có người quen ở Đồng Tháp Mười. Ông nói lấy bao nhiêu?

Một lít.

Ảnh: internet
Ảnh: internet

Trời đất!

Hai lít.

Ba đi!

Được.

Bốn lít?

Nhiều quá!

Ông không có con, cháu nội ngoại hả? Tuyệt tự hả?

Thôi được rồi, đừng chửi. Bốn lít, không hơn.

Lão già nghiêng thùng chắt cho tôi bốn lít, kỳ kèo thêm lít nữa, đựng trong chai nước suối, không thiếu một li. Tiền trao cháo múc, tôi đếm đủ tiền trả lão. Xong xuôi, tôi còn bắt lão mở nắp thùng cho tôi nhìn đám ổ ong lần nữa. Không còn mật ong, trông ổ ong càng rõ hơn, những cành lá tràm những con ong bò lệt phệt bên ngoài.

Tôi có năm lít mật ong trong nhà, vẫn chưa thấy an tâm, giở sách ra coi cách thử mật ong. Lấy tờ giấy huyến, nhỏ một giọt mật vào, thấy không có vết loang ra, thấy an tâm phần nào. Nhưng vẫn lo lắng. Đời trắc trở nhiều, từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ, thành ra khép nép sợ sệt. Tôi dò tìm trong đám bạn bè người chỉ dẫn. Nhớ đến một ông anh ở tỉnh xa, già đời trong thương trường, “thắng thua” trong đời không ít, tôi làm một cú điện thoại đường dài:

“Chào ông anh! Khỏe không?”.

“Đợi mày thăm hỏi tao chết rã thây”

“Thôi mà, ông anh vẫn tật khó tánh. Nhăn nhó nhiều dễ đau bao tử”.

“Có chuyện gì, nói đi! Tao đang bận”.

“Chuyện vui thôi. Tôi có mấy lít mật ong…”.

“Mấy lít?”.

“Hai lít”.

“Mua nhằm mật ong giả hả?”.

“Sao anh biết?”.

“Tao biết hồi nào?”.

Cha nội có tật hay chặn họng, nhưng tôi nhịn. Tôi đang nhờ anh ta. Tôi kể chuyện mật ong cho anh nghe, tường tận đến từng chi tiết. Có thằng cha điện thoại, xưng là người quen, tôi không nhớ có gặp hay không, nói “có mật ong thật chia cho anh em mình”. Tôi mua hai lít (tôi giấu bớt ba lít), thử giấy huyến thấy quả không giả, nhưng cũng không biết chắc có thật không. Cái chính là tôi thấy chuyện có gì đó hơi kỳ kỳ. Cái gã điện thoại ấy, tôi nhớ không quen, vậy mà vồ vập như người quen thân lắm, như anh em kết nghĩa.

“Mày tưởng đang ở trong thời đại nào?”. Ông anh giảng giải. “Đây là thời đại thông tin, mọi chuyện đều tỏ tường, con nhỏ bán vé số biết về mày cũng như mày biết về vị tổng thống của mày vậy”.

“Ông anh nói chuyện mật ong đi. Tôi có bị gạt không?”.

“Mấy lít?”.

“Hai lít”.

“Mấy vuông tôm của tao bị dịch bịnh chết trắng, lỗ mấy tỉ đồng. Vậy mà mày nói chuyện hai lít mật ong với tao”.

“Đây là tôi nói chuyện con người, ông anh à”.

“Được, vậy tao nói chuyện con người với mày, tiền điện thoại mày trả. Mày bị gạt nhiều nên đâm nghi kỵ. Tao cũng vậy, tao lớn tuổi hơn mày nên bị gạt nhiều hơn. Đời không bị gạt không ra con người. Nhưng hãy động não một chút. Rà lại coi, từng chuyện một. Mày mua hai lít mật ong, nghĩ bụng bị gạt cũng không ăn nhằm gì. Nhưng đó là chỉ riêng cho mày. Thằng đó chỉ buổi sáng điện thoại cho mười tám thằng như mày, nó kiếm được bao nhiêu?”.

“Mật ong giả à? Ôi trời đất ơi, giả thế nào? Tôi là người Đồng Tháp Mười, không lẻ chưa từng thấy một ổ ong, những con ong bò lệt phệt bên ngoài?”.

“Mày thấy đúng, đó ổ ong là thật. Con ong cũng thật. Nhưng mật ong là không thật. Để tao nói từ từ cho mày hiểu. Mày có đọc báo thấy trong ngành giáo dục, chuyện “bằng thật học giả” không? Cũng thầy đó, trò đó. Biên bản các học kỳ, đầy đủ tên các giáo sư phó giáo sư, chữ ký đóng dấu, không thiếu thứ gì. Rồi luận án, nghiệm thu, cho điểm, cấp bằng, bộ trưởng ký, tất cả đều thật. Chỉ có chuyện học là không thật. Không có học gì cả”.

“Chuyện ong thì sao?”.

“Cũng vậy. Chính con người khiến con ong thật thành con ong giả. Một thau đường đặt ngay trước ổ ong. Con ong vừa rời khỏi ổ, đụng ngay thau đường, tha đem về ổ, đường đi không quá một thước. Không có bông hoa nào trên đường. Mật ong thành “mật đường”. Đó là bước một. Bước hai, thằng bá vơ nào đó xưng là anh em kết nghĩa với mày, mua ổ ong về, rẻ rề, đổ thêm thứ “mật” chính nó pha chế, có con ong làm đối chứng, một ngày đem bán cho mười tám thằng ngu như mày, rồi đổ nước đường vô đem bán cho mười tám thằng khác. Tao kể như vậy có rõ không?”.

“Chưa rõ lắm”.

“Tài nghệ của nó là dò tìm trong sổ danh bạ điện thoại, tìm hỏi thăm về mày, sáng tác thêm một ít, như kịch bản đã gọi cho mày. Mày thấy tài sáng tác của nó có hơn mày không?”.

“Khá lắm. Nhưng tại sao nó làm như vậy?”.

“Tại vì đời này khiến nó làm như vậy. Thằng này gạt thằng kia, thằng kia gạt thằng nó. Mày muốn nghe nữa không?”.

“Thôi. Chán đời quá”.

“Đừng chán. Ai cũng phải sống, thằng bị lừa gạt và những thằng lừa gạt. Chúng cũng cực. Dò tìm tên, số điện thoại, nghề nghiệp, gọi một cú điện thoại chờ tám tháng gọi lại lần thứ hai, chỉ để bán mấy lít mật ong. Không lao động là gì? Mấy lít mật ong dành để pha nước xi-rô cho cháu nội mày uống, còn mày được thì chừa thói hay nghe những cú điện thoại bông lông…”.

“Không phải bông lông, đó là người trong văn nghệ anh em mình”.

“Anh em mình là sao? Mày muốn cấp bằng cho tất cả hả? Nói thật đi, mày mua bao nhiêu lít?”.

“Tôi nói rồi, hai”.

“Nói thật đi!”.

“Ba”.

“Nói thật lần nữa đi”.

“Bốn”.

“Thôi được rồi. Không cần sự thật trăm phần trăm. Mày giữ lại vài lít, còn lại bán nửa giá cho hàng xóm, nói rõ mọi chuyện, bà con biết được cảnh giác bọn lừa gạt. Được không?”.

“Được”.

Tôi vẫn còn giấu một lít, khổ thân tôi. Đêm hôm đó trong mơ tôi thấy mình đứng giữa ngã ba đường rao bán: “Ai mua mật ong không?”. Trời nắng chang chang, mồ hôi tuôn đầm đìa. Nhưng rồi tôi lại thấy mình đang đi vào một khu rừng tràm bạt ngàn, gió thổi lộng, lá tràm lao xao, bông tràm vàng óng ngào ngạt mùi mật ong. Cảm xúc đó chỉ riêng cho tôi, cho ký ức tuổi thơ của tôi. Tôi vẫn thấy bị thua thiệt, nhưng thấy phần được có khi lại là hơn.

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Truyện ngắn của Lê Văn Thảo

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast