Bao nhiêu một đứa đàn bà

“Chơ à, không biết chị Súa nhà tôi có sống tốt không.”

Bao nhiêu một đứa đàn bà ảnh 1

Nhà văn Chu Thị Minh Huệ

“Sẽ tốt mà. Đấy là nhà ai chứ, nhà chúa đất họ Giàng cơ mà.”

“Nhưng sao tôi cứ lo lo.”

“Hay nhỉ! Có phải việc của mình đâu, cứ nghĩ tới làm gì. May có nghĩ đến tôi không đấy?”

“Tôi đang cắt cỏ bò, không nghĩ đến Chơ được đâu.”

Chơ quá chán câu trả lời của tôi rồi. Vẫn biết là tôi đang cắt cỏ bò, nhưng Chơ đã trốn theo tôi thì phải biết thế nào chứ. Nhưng thế nào được đây, ai nhìn thấy thì chỉ có nước vào rừng ở với hổ thôi. Tôi biết thế nhưng không nhịn được nếu vài ngày không gặp Chơ một tí.

Chơ hiểu tôi đang nghĩ và muốn gì. Trời hôm nay nồng nồng nên Chơ cũng không muốn tranh cãi với tôi. Nhiệm vụ hôm nay của Chơ là đi kiếm một cây gỗ vừa dài vừa thẳng để đến mùa làm cột nhà mới cho nhà Giàng.

Nhà Chơ nối đời là người làm cho nhà Giàng. Có muốn khác đi cũng không được. Ai cũng muốn có nương đất riêng để trồng ngô, trồng thuốc phiện thì mới thoát kiếp được. Nhưng cứ làm ma này đến làm ma khác, mấy đời rồi vẫn chưa hết nợ nhà Giàng thì lấy gì mà đắp cho thân mình và có của để lấy vợ.

Ông nội Chơ làm ma cho cụ cố đã nợ bò, đến khi lấy vợ lại nợ thêm bạc trắng. Bây giờ, Chơ đến tuổi đưa một đứa con gái về rồi mà vẫn chưa có gì cho ông mối mang đi nói chuyện.

Nhà biết tôi với Chơ thế này thì chỉ có mà nhét lá ngón vào mồm thôi. Nếu tôi về làm dâu nhà Chơ thì nhà tôi không được nhiều đồ trả công. Mà tôi cũng thành người làm, rồi thành ma nghèo, ma khổ nhà Chơ thôi.

Tôi mười ba tuổi, mới mặc váy hai khổ, chắc còn lâu mới phải lo việc như chị Súa bây giờ.

Bố tôi – tức cậu Súa, mấy hôm nay bận không về nhà. Mùa này, nhàn việc nên bố cũng không thèm về. Ở bên nhà Súa được thể hiện vai trò ông cậu, được hút thoải mái, không ai can điếu nào, lại được bố Súa dành cho thuốc tốt.

Quan trọng hơn là số phận Súa đang được quyết định. Liệu để Súa vào nhà chúa đất Giàng Chở Gió hay để Súa cho đám khác.

Ông mối nhà Giàng khoe khắp vùng rằng mười ba rượu, mười ba bò, mười ba ngựa, mười ba đồng bạc trắng, mười ba cân thuốc để mua một đứa gái tốt về làm dâu.

Nhà Giàng thì mười ba chả là gì, nhưng với bất kỳ nhà nào mười ba là quá lớn so với một đứa gái.

Bố tôi hút đến điếu thứ năm mà vẫn lim dim. Tôi biết ông quá đồng ý với lời đặt giá, nhưng còn ra vẻ tính toán. Tính thì cũng tốt, không tính thì cũng tốt cho ông. Càng ra vẻ suy tính thì càng được hút nhiều. Nếu Súa không được gả vào nhà Giàng thì ông cũng được hút từ mấy ngày nay. Thế đã là tốt rồi, chả ai tính mấy phân, mấy lạng vào những lúc thế này cả. Đằng nào thì cũng là những suy tính ăn vào giá của Súa, chẳng phải của nhà tôi nên ông càng làm già.

Bố Súa hút cầm chừng. Bác cứ hong hóng đợi ý kiến quyết định của em cậu. Lệ vùng này là vậy, bố của đứa con gái sẽ được đem đi gả bán đây, nuôi hơn chục năm nay cũng chẳng quyết định được số phận của nó. Thực ra không phải không quyết được, mà là lệ không cho quyết. Quyền quyết định cuộc đời của đứa cháu gái nằm trong tay cậu.

Mẹ Súa chả ra vui, cũng chả ra buồn. Vốn dĩ đàn bà chúng tôi chẳng nên nghĩ gì.

Mẹ Súa chạy ra chạy vào để tiêm thuốc cho chồng và nhìn đứa con gái đang buồn rầu trong buồng.

Súa ở trong buồng. Tôi ở với chị để làm bạn. Những lúc thế này, ai cũng cần một người bạn để bấu víu.

Đã ba ngày nay Súa không được muôi mèn mén nào. Súa không nuốt cái gì vào bụng. Súa chờ anh Cơ đến để quyết định số phận chứ không trông chờ vào bố tôi.

Nhưng chắc chắn điều ấy không xảy ra. Ngay gần Súa nhất là tôi. Tôi ngồi đây không phải để động viên, an ủi mà để canh. Canh cho Súa không trở thành con ma quá sớm trước khi bố mẹ được báo đáp công nuôi dưỡng. Canh cho Súa được lành lặn cho đến khi trở thành người nhà khác. Nếu không được lành lặn như cả vùng đã từng thấy thì con số mười ba kia sẽ bị giảm xuống, thế là ăn đứt công lao của bố mẹ.

Ngoài cổng, trước hiên nhà và cả trong gian chính đều để mắt đến gian buồng của Súa. Nhà này mấy ngày nay tập trung nhiều anh em lắm. Người đến hút thuốc, ăn uống và bàn chuyện.

Chuyện của một đứa con gái là Súa mà cũng là chuyện của cả họ Vừ. Đàn ông, trai tráng tụ tập nhà trong nhà ngoài để bàn ra, bàn vào, nhưng thực ra là chả bàn gì. Số phận Súa dù thế nào cũng nằm trong tay bố tôi. Bố Súa còn chả quyết được thì đám đàn ông kia cũng chỉ là để thể hiện cho cả vùng biết họ Vừ đông anh nhiều em, chứ không phải lẻ bầu lẻ bạn.

Bố mẹ sinh ra Súa, nhưng đến khi lớn thì cả họ được nhờ. Súa có nghĩa vụ mang lại lợi ích cho riêng nhà mình và cho cả họ.

Không biết bao nhiêu gà, dê, rượu đã được đem vào gian bếp. Bữa này qua bữa khác mà Súa vẫn phải ngồi trong buồng để chờ quyết định của cuộc đời mình.

Ngoài gian chính đến lúc nói ra những câu cuối cùng: “Đẻ ra một đứa gái, nuôi nó bao nhiêu đến giờ công sức ấy phải được đền đáp chứ nhỉ! Nó đã là đứa gái ngoan của họ Vừ thì hãy để nó làm con dâu tốt, con ma lành của nhà Giàng thôi.”

Đấy! Thế là xong một cuộc đời. Bố tôi chỉ cần nói có thế là bao nhiêu cái mặt hong hóng mấy ngày nay nở hết cả ra.

Một thằng chạy ngay đi. Ai cũng biết nó đi đâu, nhưng chẳng ai can vì ai cũng muốn nó đi. Đúng ra là phải để vài ngày nữa ông mối mới trả lời quyết định ấy cho nhà Giàng, nhưng mà nhà này, bọn này đã chờ mấy ngày rồi, ăn hết bao nhiêu rượu thịt, hút hết bao nhiêu thuốc rồi mà vẫn còn muốn ăn, muốn hút nữa nên nó chạy đi nói cho người nhà Giàng biết càng sớm càng tốt để nhanh có bữa.

Nó chỉ nói cho bọn người ở nhà Giàng được thôi. Nó là thằng phu khiêng cáng chứ có phải sang quý gì. Nhưng bọn người ở nhà Giàng truyền tin nhanh lắm. Chỉ cần hút tàn một điếu là thằng Sùng sẽ nhận được câu chúc mừng ngay.

Mọi chỗ đều vui, chỉ trong buồng này là nẫu cả không khí. Súa đổ vật sang tôi. Súa đã ngồi bất động rất lâu để chờ với hy vọng nó không phải như thế.

Bây giờ đã thế rồi. Chẳng thể nào khác được cho đến khi Súa thành con ma.

Bố tôi đã quyết định xong, giờ thì đến lượt nhà Súa sẽ chọn một người làm phù dâu để bầu bạn với chị từ bây giờ. Chọn một người làm phù dâu không phải dễ. Người đó sẽ là cô dâu, nếu cô dâu xẩy ra việc gì.

Tâm trạng của Súa đã đổ sang tôi. Tôi thực sự không mong muốn điều này. Tôi mới biết Chơ mấy tháng nay thôi, và chưa muốn biết thêm điều gì trên đời. Nhưng dù sao tôi cũng đã mười ba tuổi.

Ngoài gian chính, bố tôi ngưng hút, ngồi dậy mà nhìn đăm đăm vào bố Súa. Ông đang hy vọng phù dâu không phải là tôi. Vì dù sao làm dâu nhà chúa đất không phải điều tốt đẹp, cho nên ông thực không mong Súa bị làm sao để tôi phải thay Súa.

Tôi chưa nghĩ được nhiều vào lúc này. Hình ảnh Chơ quấn lấy óc. Súa đã bị tôi đẩy nằm xuống phản từ bao giờ. Tôi muốn thời gian ngừng trôi để không phải nhận quyết định từ miệng bố Súa.

Nhưng dù sao thì mọi việc vẫn phải diễn ra. Mẹ Súa vẫn tựa cửa buồn nẫu nhìn Súa. Đứa con gái bà đẻ ra, bao nhiêu đau đớn, bao nhiêu tủi hờn của đời người đàn bà đang bắt đầu đổ lên đầu nó mà bà không có cách nào gạt ra.

Bà bất lực như bao người đàn bà sau cổng trời Sà Lủng. Đàn bà như cái cây nơi cổng trời. Bao nhiêu gió đi qua, đi lại, muốn táp, muốn dội vào hay quật ngã cũng được. Cây chẳng thể nào chống đỡ. Nếu mọc chỗ khuất gió, may chăng còn được tươi lá xanh cành. Mọc chỗ quang thì bao nhiêu gió cũng phải chịu.

Bà nhìn tôi bằng con mắt của người đàn bà làm dâu hơn hai mươi năm thấu đến tận cùng tình cảnh. Bà hiểu điều gì sẽ diễn ra, nên cái nhìn ấy dành cho tôi với bao lo lắng, dự đoán về cuộc đời tôi và Súa.

Bà muốn làm gì đó nhưng đã thành vô thức. Tay bà muốn ôm Súa vào lòng mà vỗ về, an ủi và truyền cho con những ấm ám nhỏ nhoi đã ki kóp nhưng chân bà không nhấc được. Bà muốn đứng dậy mà không đứng được nên hai cánh tay cứ quờ quờ về phía chúng tôi.

“Cậu thấy con May làm phù dâu được không?”

Bác hỏi vậy cho phải phép thôi. Nhưng bố tôi vẫn bất ngờ, dù đã dự tính về điều này. Bố muốn nói điều ngược lại, nhưng nói làm sao bây giờ.

“Thế thì chắc cũng được thôi.”

Tôi cũng đang muốn đổ ụp xuống với Súa, nhưng không đổ được. Dù sao đổ xuống bây giờ cũng không thay đổi được. Nhà này hay nhà kia cũng như nhau cả. Rồi tôi sẽ như mẹ Súa, mẹ tôi. Đời người đàn bà ai cũng làm người rồi làm ma một nhà nào đó.

***

Tôi ở lại nhà Súa từ hôm hai người đàn ông quyết định. Súa và tôi không nói với nhau một lời. Chỉ một mảnh buồng nhỏ tin hin bao bọc lấy chúng tôi. Không ai cảm thấy chật hay rộng. Trời ngoài kia sáng rồi tối, mưa rồi nắng; người ngoài kia đông vui, nhộp nhịp mà không ảnh hưởng gì đến trong này. Tôi muốn ra ngoài lắm, đây có phải đám cưới của tôi đâu chứ.

Nhưng Súa giữ tôi ngồi cùng. Chính Súa cũng sợ một mình. Trong lòng Súa vừa mong anh Cơ bằng cách nào đó vào được đây để mang Súa đi, vừa không mong như thế. Vì nếu Súa theo anh Cơ đi thật thì cả họ Vừ sẽ bị Súa làm cho tan tành. Từ ngày nhìn thấy mặt trời, Súa vốn là một đứa gái ngoan. Vậy thì làm sao dám làm những điều bất bình thường được.

Súa và anh Cơ cũng chỉ một mình tôi biết. Mới biết từ khi tôi phải ngồi đây với Súa thôi.

Anh Cơ thì tôi có thấy một vài lần. Nhà anh thế nào tôi không rõ. Liệu anh có đủ sức mạnh để mang Súa đi không?

Mang đi rồi thì sẽ làm người họ nào, đến khi chết sẽ làm ma nhà nào để mà gặp được tổ tiên. Người vùng này, ai sinh ra cũng thuộc về một nhà, một họ và chết đi thì đoàn tụ với tổ tiên nhà mình thì mới được đầu thai. Nếu đi nơi khác thì lúc chết ai chỉ đường cho mà gặp tổ tiên để đầu thai thành người. Nếu đầu thai thành lợn, thành ngựa, thành dê, chó thì nhất định không được rồi.

Súa chờ đến khi không chờ được nữa. Ngoài cổng đã rộ lắm rồi, tiếng kèn, thanh la đã chạy vào tận chân Súa. Nhà Giàng đã cho người sang đón dâu.

Đám rước thật xứng với thanh thế nhà chúa đất. Có đến mấy ông mối để giao thiệp với nhà gái. Nhà gái thì chả thể tìm được nhiều người tương xứng nên cứ để cho nhà người ta đến thế nào, nói thế nào thì tuỳ thôi.

Người vào đón Súa không phải Sùng. Một người khác, là phù rể của Sùng.

Điều này người già, người trẻ nhà Súa đã biết từ nãy. Thế nhưng biết làm thế nào, chẳng lẽ không chấp nhận. Sùng còn mải nằm bẹp tai, không có thời gian đi đón dâu. Mà Súa là cái gì để nó bận tâm chứ.

Có lẽ cũng không nên nghĩ nhiều. Nghĩ cũng có làm gì được đâu. Với bao nhiêu đứa con gái trên mãi tận cùng trời cuối đất này, đám cưới có chú rể hay không cũng quan trọng gì đâu. Đời người bấy nhiêu hay nhiều hơn nữa rồi cũng thành là đàn bà.

Súa không được ai dắt ra cả. Tôi thì đi ngang với thằng con trai kia. Tôi không biết nó tên gì, là thế nào với nhà Giàng. Điều ấy thì mọi người biết, vì ông mối đã giới thiệu khi mới vào nhà rồi. Chúng tôi ở trong này, không nghe thấy nên không biết nó là ai. Mà là ai đi nữa cũng không đáng quan tâm.

Việc của tôi là đi sau Súa, đi ngang với nó.

Súa tự đi. Không ai đỡ. Đến cả bàn thờ tổ tiên cũng chỉ có một mình cô dâu lạy rồi mới đến đôi phù dâu, phù rể và đám con trai đi đón dâu. Cả bọn lạy chổng đít và cười nói loạn xạ.

Chúng nó thì vui rồi, được đi ăn, đi uống và hát mấy đêm, vì đám này lớn nhất vùng. Đám nhà chúa đất thì tha hồ ăn, uống, hút và hát, rồi tìm cho mình một đứa con gái để sau đám này hay năm sau cho cả làng vui như hôm nay.

Tôi trống rỗng như cây trúc bị thông từ khi ra khỏi nhà họ Vừ.

Súa vẫn mong chờ điều kỳ diệu xảy ra. Anh Cơ có thể xuất hiện và dẹp tan đám rước để mang Súa đi.

Súa vẫn chờ, vẫn nóng lòng và hồi hộp. Cảm giác ấy của một cô dâu đáng lẽ phải dành cho Sùng – thằng chồng của mình, đằng này Súa lại dành cho anh Cơ.

Dây thần kinh của Súa đang rất căng. Khi thầy cúng quăng con gà trống qua đầu thì Súa đổ ập trước mắt người nhà Giàng.

Đám náo loạn. Người nhà Giàng đưa ngay thầy cúng vào chỗ bàn thờ cúng tạ lỗi với tổ tiên về đứa con dâu láo toét.

Súa đã thành ma trước khi thành người nhà họ Giàng. Đám đàn bà khiêng Súa đi đâu không cần biết. Bây giờ tôi mới hiểu câu dân ca khổ sở: “Con trai chết con trai nằm giữa nhà/Con dâu chết con dâu nằm trong buồng”.

Súa ơi! Đến buồng còn không được nằm ấy chứ. Súa sẽ phải nằm đâu đó trong cái dinh thự này đến khi nào người ta mang Súa lên đám nương nào đó vùi tạm.

Tôi bị kéo ngay lên phía trước. Tách khỏi vị trí phù dâu để làm cô dâu.

Tôi chưa kịp bàng hoàng trước việc Súa thì đã thấy thằng Sùng được kéo ra đứng cạnh.

Tôi muốn đi xem Súa ở đâu. Liệu Súa chết thật hay chết giả. Mà dù chết giả thì cũng không sống được nữa. Có ai để ý đến mà cứu Súa đâu. Ai ai cũng để mắt tới việc gở mà Súa gây ra. Mọi người còn đang sợ ma nhà Giàng phạt. Việc phải làm bây giờ là tạ lỗi với tổ tiên, chuộc lỗi để ma nhà không phạt, không bắt thêm người khác theo Súa.

Chính vì thế mà Sùng được kéo ra để đứng cạnh tôi cho thầy cúng lại. Một con gà trống nữa được mang ra. Những lời cúng được lặp lại.

Tôi chẳng quan tâm đến những việc đó. Thằng Sùng đang đứng cạnh tôi đây mới là vấn đề quan trọng.

Nó nằm bẹp đâu đó nên khi bị người ta lôi ra nó vẫn lờ khờ chưa nhận ra việc gì. Thằng phù rể phải đỡ cho nó đứng thẳng. Đầu nó gục gặc như không xương. Nó còn đang say thuốc nên không hoàn thành được chức phận của một chú rể. Lúc này tôi thấy nó đúng làm mầm trúc héo.

Nó đứng cạnh tôi chỉ có cái xác thì liệu ma nhà Giàng có chấp nhận không?

Chẳng ai biết điều đó. Chấp nhận hay không chấp nhận là việc của thầy cúng. Cả đám rước có ai nhìn thấy ma lành hay ma dữ đâu mà biết tốt hay xấu.

Lần đầu tiên tôi được vào nhà chúa đất. Em chồng đến dắt tôi đi. Đáng lẽ tôi phải trùm mặt, nhưng vì làm cô dâu bất ngờ nên tôi không có khăn trùm. Thế là bao nhiêu rực rỡ của nhà này tôi được thấy ngay.

Em chồng không thèm cầm tay mà lại túm luôn dải tua rua của tôi lôi đi. Hình như tôi là con vật được dắt đi. Thế là thế nào chứ? Chả gì tôi cũng là con dâu, dù thay chị Súa thì cũng sẽ là dâu cơ mà. Vậy mà tôi như một con chó mới mua về được dắt vòng quanh nhà để nhận biết những thứ sẽ phải bảo vệ.

Nhưng rồi tôi cũng kịp nhận ra tôi đang là một con ma. Chỉ có ma mới có vai trò nhận biết nhà, rồi sẽ bảo vệ nhà và người nhà này khỏi những ma ác. Vậy thì tôi là một con ma lành.

Phần tiền dinh, tôi bị em chồng dắt đi nhanh quá nên chưa kịp thấy gì nhiều, dù biết rằng dinh đầu tiên bao giờ cũng đẹp nhất và sang trọng nhất. Nhưng vì tôi là đàn bà, người đang dắt tôi cũng là đàn bà và phần này không dành cho đàn bà.

Tôi không được ngẩng đầu nên chỉ mỗi cái sập hút với bao nhiêu bàn đèn và bạn bè của chúa đất đang nằm la liệt là tôi liếc thấy.

Đi hết một vòng tiền dinh, qua bậu cửa sau thì tôi vấp ngay bậu cửa, ngã lăn ra, va đầu vào quả thuốc phiện bằng đá kê chân cột nhà.

Nó mới to và mịn làm sao. Màu vàng sậm và mỡ màng. Quả thuốc này được mài bằng bao nhiêu bạc trắng mới lên màu đẹp thế. Những khía thuốc như đang dỉ nhựa, thợ khắc thật khéo. Nghe nói thợ được mời từ bên Tàu sang mới khắc khéo đến vậy.

Em chồng không đỡ tôi dậy. Tôi cũng chẳng cần. Vốn từ bé chẳng được ai giúp đỡ nên điều này không quan trọng. Tôi đứng dậy, định phủi váy áo nhưng không có một vết bẩn nào. Cái váy trắng vẫn trắng tinh. Đến cái khuỷu tay áo cũng không có vẩn bụi, chỉ bị sờn một tí do tì vào nền đá.

Đám con gái ở tầng hai trung dinh cười mãi không thôi. Chúng cười gì chứ, thân phận như nhau cả thì cười gì. Thôi, dù sao cũng để chúng cười một tí cho thoải mái, ở nhà này có được cười bao giờ.

Hình như có cái gì đó vừa lướt qua. Một bóng người. Tôi nhìn quanh nhưng không thấy gì nữa. Em chồng ghé sát xuống, tưởng đỡ tôi dậy nhưng lại hỏi:

“Chị thấy à?”

“Thấy gì?”

“Ma thuốc phiện.”

“Nhà này có ma thuốc thật à?”

“Chị sẽ làm bạn với nó để bảo vệ nhà này.”

Tôi đã nhận ra mình hỏi một câu quá ngớ ngẩn. Cả vùng này ai cũng biết nhà chúa đất có ma thuốc từ khi làm cái dinh này. Bao nhiêu thuốc và ma đã được thầy yểm dưới cột nhà.

Chúng tôi tin rằng khi làm nhà mà được thầy chọn ma yểm thì ma sẽ bảo vệ cả nhà mãi mãi vượng phát, con cháu mấy đời đều được nhờ.

Thế có nghĩa là tôi hợp với ma thuốc đấy. Nó đã kéo tôi ngã. Màn ra mắt của tôi không phải với người mà là với ma.

Điều này cũng không sao, đã vào đến đây rồi thì sống làm người, chết làm ma cũng chẳng khác nhau gì.

Em chồng giật giật dải thắt lưng để giục tôi đứng dậy đi tiếp. Đám đàn bà đứng dàn mấy dãy hàng ngang trên tầng hai trung dinh đã thôi cười. Họ đang thắc mắc sao tôi nằm đây lâu thế. Đáng lẽ em chồng phải lôi tôi dậy ngay mới đúng, đằng này cứ để tôi nằm.

Tôi đi qua trung dinh dưới con mắt tò mò của đám đàn bà. Ai là dâu, ai là người làm tôi chưa phân biệt được ngay nhưng rồi sẽ biết thôi, vì chúng tôi sẽ phải làm việc với nhau.

Trung dinh chắc cũng to bằng tiền dinh. Có bao nhiêu buồng tôi không kịp đếm. Trong buồng bao nhiêu là của cải tôi cũng chưa được rõ ngay, nhưng chắc chắn tài sản nhà chúa đất được cất trữ hết ở đây.

Nhà này phân việc cho từng người. Ai giữ kho, ai quản tiền, ai chăn bò, ai xay ngô… thì đã làm từ lâu. Nhưng ai cũng mơ ước được như bà hai hay bà tư, quản kho tiền và kho thuốc cho chúa đất. Nhưng tôi chắc không đến lượt, vì thằng Sùng không nên thân nên tôi cũng chả mơ gì. Mẹ hai và mẹ tư nhà chúa đất mới thực sự là đàn bà được sống. Đàn bà trên vùng này không ai được sống, chỉ để người khác sống trên thân mình thôi.

Tôi thực sự muốn đến hậu dinh lâu lâu một tí, nhưng chắc chả được. Em chồng đến đây lại lôi đi nhanh quá. Vốn phần này đàn bà hiếm khi được bén mảng tới nên chắc không cần nhận biết nhiều. Nhưng đã xác định tôi là bạn của ma thuốc thì chỗ nào chả phải bảo vệ, thế thì cũng phải để tôi đi chầm chậm mà xem chứ.

Em chồng lôi xềnh xệch vòng qua các cửa, rồi đến trước bàn thờ nhìn một tí rồi ra ngay. Tôi muốn nhìn thẳng vào bàn thờ nhà này lắm nhưng em chồng giám sát chặt quá nên không ngước mắt lên được. Nếu có ngước mắt lên thì chắc cũng bị tát cho một cái mà cụp xuống nên tôi không dám.

Em chồng lôi tôi xuống bếp, xuống chuồng ngựa, chuồng bò để nhìn cho hết và nhận biết cho kỹ.

Thêm nữa hay thôi cũng không quan trọng, vì đàn bà nhà này làm gì cũng được, ai cũng như nhau cả thôi. Đã được mua về đây thì thuộc quyền sở hữu của chúa đất và phải làm cho gia sản tăng lên.

Lúc tôi bước vào buồng cô dâu thì Sùng đã nằm trên giường. Hắn nằm đây để đợi tôi. Em chồng tống tôi vào buồng rồi đóng cửa lại.

Sùng hé mắt nhìn rồi lại nhắm vào ngay.

“Súa đấy à? Được về nhà này chắc cũng thích nhỉ!”

“Tôi không phải Súa.”

Nó bật dậy, trợn mắt nhìn. Đến khi nhận ra tôi không phải Súa thì nằm vật ra. Nó thất vọng. Nhưng nỗi thất vọng cũng không phải là vấn đề to tát lắm, vì ai cũng được, miễn là con gái nhà khác về làm đàn bà nhà này. Dù Súa hay tôi thì phận sự cũng như nhau cả.

Nó nằm đấy, chẳng thèm mở mắt mà vẫn hỏi:

“Súa đâu rồi?”

“Chết ngay lúc quăng gà giải hạn rồi.”

“Sao nhanh thế à?”

….

“Chết rồi thì có phù dâu thay thế luôn. Tên là gì đấy?”

“Tôi là May.”

“Em họ Súa à?”

“Đúng thế.”

“Thế thì cứ sống như Súa sống ở nhà này đi.”

“Điều này thì tôi đã biết và sẽ phải sống như vậy.”

“À, dám lý sự đấy. Này, tôi nói cho mà biết nhé, bao nhiêu để đón dâu chắc đã được chuyển từ nhà Súa sang nhà cô rồi đấy. Sống cho dài đời vào, đừng như Súa, không còn ai thay cô nữa đâu. Mà không còn ai thay thì lễ sẽ phải đền. Nhà cô có đủ để đền không?”

Tôi biết điều này. Nhưng tôi mới mười ba tuổi. Khi bước chân ra khỏi nhà chưa kịp chào mẹ, chưa kịp tạ ơn sinh thành. Nhà Sùng cũng có đưa cho mẹ tôi tấm vải nào đâu mà giờ này tôi đã thành con ma nhà người rồi.

Tôi không được phép như Súa. Một đứa con gái mười ba tuổi phải sống cho dài đời trong nhà chúa đất để nhà tôi không phải đem lễ đền nhà Sùng, để cả nhà không phải làm thân gán nợ cưới.

CHU THỊ MINH HUỆ

Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast