Biển

Lão ghé tai sát vào chiếc radio. Gió cứ ràn ràn trên mái lá khiến lão nghe loáng thoáng tiếng được tiếng mất. Lão ngồi bệt xuống đất, áp sát tai hết cỡ vào chiếc radio cũ nát, rè rè. Mặt lão hết co lại rồi giãn ra. Đôi mắt lão như dại hẳn đi, bần thần.

Hết tin thời sự chiều trên radio lão vẫn ngồi bất động như thế. Đến khi ngoài sân có tiếng lục đục của vợ, lão mới sực tỉnh. Lão ngồi dậy, đi ra biển. Vợ lão khệ nệ ôm thúng cá cơm phơi khô vào nhà thấy lão đi ra, mụ bảo:

- Này, ra cào giúp tôi mớ cá phơi ngoài sân với. Sắp tối tới nơi rồi đấy.

Biển ảnh 1
Quà của biển - Thủy mặc - HS TRẦN VĂN HẢI

Hình như lão chả nghe thấy tiếng vợ. Lão cứ xăm xăm bước ra biển. Chiều đã nhập nhoạng, mùi cá khô, mực khô bốc lên oi nồng. Lão ngồi bệt xuống một dốc đá, nhìn ra biển. Vài vệt sáng cuối ngày loang loáng trên biển. Lão thở dài. Lão nhớ đến bản tin thời sự chiều. Ai đời, sắp xuống lỗ đến nơi còn nghe những tin thời sự đau lòng và kinh hoàng như vậy. Thằng Mực - đứa con độc nhất của lão đang đi biển. Mùa này vào vụ cá cơm. Con tàu nào cập bến cũng ăm ắp cá. Những con cá cơm lấp lánh, trắng bạc dưới cái nắng lung linh sớm mai.

Tàu vừa vào bến, tiếng người ùa ra như vỡ chợ. Ai nấy vội vàng ôm những thùng nhựa chạy nhanh xuống khoang tàu. Từng thùng cá được đưa lên. Ai cũng vội, cũng nhanh. Khệ nệ bê lên những thùng cá ăm ắp. Rồi từng xe cá được chở đi khắp nơi. Kẻ đi ra chợ cho kịp chợ buổi sớm. Kẻ mang từng thùng cá cơm rải đầy những miếng bạt nhựa trải dài trên đường làm khô. Rồi có người lại chở từng xe cá cơm vào vựa làm mắm… Mùa này trúng cá, gặp ai ở làng chài này cũng thấy hồ hởi, cũng khoe mùa này biển ngon ăn quá. Thằng Mực mỗi bận đi biển về hay cởi trần trùng trục, nằm đu đưa ở chiếc võng trước hiên nhà lẩm nhẩm hát. Mỗi bận nó đi biển cả tháng, về nhà được vài hôm lại đi. Lão nghĩ tới cái bản tin chiều. Con trai lão đang đi đánh cá gần vùng ấy, nơi đang tranh chấp, thậm chí có tàu bị người ta rượt đuổi đâm chìm. Lão lo. Thật tình với trình độ chưa qua hết trường làng, lão không hiểu nhiều lắm, không hiểu những cụm từ khó hiểu như “đặc quyền kinh tế” của cái bản tin dài ngoằng ấy. Nhưng lão sợ, lão cảm giác như có cái bóng đen vô hình đang phủ mờ lên cuộc sống của lão và của làng chài này. Lão sợ thằng con lão đi biển vùng ấy lỡ ra có chuyện gì… Ôi, vợ chồng lão chỉ có độc thằng con nối khố! Chừng này tuổi trải qua biết bao lận đận lão chỉ ước ao cuộc sống cứ bình yên như thế. Mỗi bận thằng con ra biển lão lại thắp nhang khấn trời đất cho con lão mạnh chân mạnh tay, cho cá đầy khoang…

Lão trở về nhà. Vợ lão đã dọn sẵn bữa cơm chiều. Vợ lão dọn lên món cá bóp nấu chua thơm lừng. Ấy vậy mà lão ăn cầm chừng, miếng cơm trệu trạo trong miệng. Cũng không buồn gắp món ăn mà thường ngày lão rất khoái. Vợ lão hỏi, lão chỉ ậm ừ. Đêm nằm gác trán, điếu thuốc cháy bập bùng. Lão nói với sang giường vợ:

- Hay đợt này thằng Mực về cho nó ở đất liền luôn, không cho ra biển nữa bà nhỉ.

Vợ lão đang nằm, ngồi bật dậy:

- Ông nói gàn cái gì vậy? Bao đời nay cả cái làng này sống bằng nghề đi biển. Nói bỏ là bỏ à? Nhưng sao phải bỏ. Đang làm ăn ngon ơ.

Lão cằn nhằn:

- Đồ đàn bà, biết thế nào về chuyện chính trị…

Hồi chiều đi ngang làng, lão biết mọi người vẫn căng tai lên theo dõi bản tin thời sự như lão. Cái tin ấy như cơn gió lạnh thổi qua làng chài này.

Họ cũng ái ngại, cũng buồn, cũng thấp thỏm lo âu. Những ai có con cái, người thân đang đánh cá vùng ấy thắp vội nén hương, rì rầm khấn vái. Lão thấy những người đàn bà mặt buồn rười rượi, tựa cửa nhìn xa xăm về phía biển. Bao người nơi này sinh ra, lớn lên rồi chết đi cũng nhờ cái rốn biển ấy. Cánh đàn ông tụ tập lại bàn tán rôm rả, mặt ai cũng gay gay đỏ, giận dữ. Cánh thanh niên hùng hổ hơn, có tranh chấp tụi con không sợ, quyết giành từng tấc đất, tấc biển của mình… Khúc biển miền Trung này lại nằm sát vùng biển người ta muốn cướp, muốn giành. Những cụ già chép miệng “cùng là con người với nhau sao có kẻ lại nhẫn tâm đạp đổ chén cơm của người khác chứ”?

Lão biết mụ vợ lão nói đúng, đâu phải nói bỏ là bỏ được, một khi biển nó đã thấm vào máu, vào tim mình rồi. Sang hèn, sướng khổ gì cũng bám vào biển. Biển cho chén cơm, biển cho manh áo, là nấm mồ chung của biết bao thế hệ người làng chài này. Có mùa trúng đậm, có mùa biển động mất trắng. Có mùa bão lớn, tàu trong làng gặp nạn. Biết bao người không về. Những nén nhang cứ cắm dài trên biển. Đợi chờ mỏi mòn, người còn sống lập những nấm mộ gió bên những hàng phi lao đầy gió cho người không về. Những nấm mộ trống trơn không có xác người. Những nấm mộ chỉ có gió hun hút thổi qua.

Bên những hàng phi lao ấy cũng có mộ cha mộ mẹ lão. Cha lão mất tích trên biển mùa bão khi lão còn nhỏ xíu. Mẹ lão như cái bóng vật vờ, chiều chiều cứ xõa tóc rũ rượi đi trên biển. Người làng bảo mẹ lão hóa điên. Bà ấy cứ lang thang trên biển, xõa tóc những đêm trăng lạnh, có khi ngồi hát, ngồi cười ngặt nghẽo, rồi lại ngồi khóc tu tu. Rồi mẹ lão cũng bỏ lão mà đi. Người ta không tìm thấy bà ấy đâu cả. Cha mẹ chết, lão lúc ấy chưa đầy mười tuổi. Người làng gom góp từng hạt gạo quý đổi từ cá, từ tôm nuôi lão. Lão lớn lên giữa tình yêu thương, đùm bọc của làng chài.

Mười hai tuổi, lão đã lên thuyền ra khơi theo trai làng. Vừa đi được một đoạn lão đã ói, ói ra mật xanh mật đỏ. Con thuyền cứ lắc lư, đảo lộn làm ruột gan lão cồn cào… Lão nhớ, lúc đó ông Năm Cả nhìn lão mà cười nói “Mình ăn của biển bao nhiêu thứ, ói chừng đó đã thấm vào đâu”.

Ngày hôm sau, trời bỗng âm u lạ. Lão lật đật ngồi dậy nhìn trời. Vợ lão đã ra bến từ tờ mờ sớm. Lão lẩm bẩm: không khéo hôm nay trời lại mưa ấy chừ, mà mùa này làm gì trời đã mưa chứ. Lão vội xỏ dép, đi ra bến tàu.

Từ xa đã nghe bến tàu ồn ã, nhộn nhịp. Tiếng la ó, mua bán, kỳ kèo vang động cả bến tàu. Từ xa lão đã thấy vợ khệ nệ bê thùng cá cơm từ dưới bãi đi lên. Lão nghe nói chuyến tàu của ông Hai Thành trúng đậm cá cơm. Lão nhanh tay lại bê giúp vợ. Vợ lão sáng nay mua được mấy mẻ cá cơm nên hớn hở ra mặt. Lão nhìn trời rồi quay sang bảo vợ:

- Không khéo trời mưa đấy, bà mua lắm thế. Làm khô cái quái nào được.

- Tôi định muối cá cơm làm mắm đấy. Cá tươi phải biết, mẻ mắm này không ngon không ăn tiền.

Rồi mụ cười to giòn giã. Vợ lão năm nay đã hơn năm mươi nhưng sức vóc của người chài lưới làm bà khỏe và nhanh nhẹn hiếm thấy. Lão nhìn xung quanh, đàn bà thì liến thoắng lựa cá, mua cá, cãi cọ ì xèo. Đàn ông thì khệ nệ bê những thùng cá tươi rói. Những thùng nhựa xếp đầy cá trích, cá ngừ, cá nục, mực, tôm… nhiều nhất vẫn là cá cơm. Những con tàu ung dung nằm nghỉ sau chuyến đi biển dài ngày. Sóng biển ì ọp vỗ. Lão hít hà không khí tươi mới buổi sáng. Ở làng chài này sáng nào cũng chộn rộn như thế, lão thông thuộc từng con tàu, từng hạt cát. Ấy vậy mà sáng nay, lão thấy cái không khí nhộn nhịp, tấp nập này mới thân thương làm sao! Cả những con cá cơm rơi vãi bị dẫm nát dưới cát ấy cũng quý giá và yên bình biết mấy.

Cả ngày hôm đó, trời cứ âm âm u u như những ngày có bão. Vợ lão lau chùi mấy cái lu sành ngoài sân để chuẩn bị làm mắm. Vợ lão làm mắm ngon có tiếng. Mắm từ tay vợ lão chả hư thối bao giờ, lại được cái thơm lựng. Khi mắm chín, chỉ cần giở nhẹ nắp lu ra là mùi mắm theo gió bay khắp làng chài. Thể nào ngày hôm đó cũng có người tới hỏi mua mắm. Vợ lão xởi lởi, chiết hẳn ra chai nhựa biếu cho người ta mang về ăn.

Lão ngồi nhâm nhi món gỏi cá trích vừa nhìn vợ làm mắm. Kì lạ là lão cũng vài lần thử muối cá làm mắm nhưng mắm từ tay lão làm đều hỏng cả. Người ta bảo tay lão không làm mắm được. Mỗi lần vợ làm mắm lão chỉ đứng xem. Vợ lão rải muối xuống đáy lu, rồi rải một lớp cá tươi rói, rồi lại một lớp muối. Tay mụ nhanh thoăn thoắt…

Lão nhấp ngụm rượu cay xè và lại nhớ tới cái bản tin thời sự hôm qua. Lão buồn. Sáu mươi tuổi, cũng từng qua chiến tranh lão thấm cái mất mát, hy sinh. Lão cũng hiểu nó đâu phải trò đùa. Lão từng thấm cảnh máu đổ, nhà cháy, những cảnh đớn đau cùng cực mà chỉ nghĩ đến thôi cũng làm lão nổi da gà. Con lão đang đi biển ngoài đó. Lão nghĩ mình có hèn lắm không khi có ý định cho con bỏ biển? Đêm qua lão suy tính khi nào thằng Mực về thì sẽ bảo nó thôi không đi biển nữa. Lão sẽ gửi nó lên nhà một người quen để học cái nghề, tránh xa vùng biển động, tranh chấp. Rồi nó sẽ yên thân khi không còn lênh đênh, vật vờ trên biển như thế nữa. Lão sẽ không nơm nớp lo những ngày biển động, những ngày gió to sóng lớn. Rồi lão lại chép miệng… Nhưng như vậy đâu có được. Con lão cũng như lão lặn ngụp dưới biển còn rành hơn chạy trên đường làng. Vị mặn mòi của biển thấm vào máu nó, vào xương tủy. Sáng mở mắt ra đã thấy biển, tối ngủ chòng chành trên chiếc tàu đánh cá trên biển… Vào đất liền vài ngày đã thấy ngứa ngáy, chân tay thừa thãi. Chỉ khi nào ra biển, đi biển mới thấy là mình… Lão suy nghĩ bâng quơ, thở dài. Biển nuôi sống mình, cưu mang mình từ thuở còn trứng nước bây giờ có biến mình lại phản bội biển. Lão nhấp ngụm rượu cay xè, cả cuộc đời lênh đênh trên biển hiện ra mồn một trước mắt lão. Lão khóc… Làm sao mình sống mà không có biển được.

Làm sao mà bỏ biển được!

Chiều, trời trút mưa giông. Tiếng ơi ới cào cá khô vang lên khắp xóm. Hôm nay, vợ lão không phơi cá nhưng nghe tiếng kêu vợ lão đã nhanh chân chạy sang hàng xóm cào cá phụ. Phải nhanh tay chứ không mưa ướt hết. Tiếng chân rầm rập vang cả làng chài. Rồi gió to, mưa bắt đầu nặng hạt. Một lát sau, vợ lão chạy về nhà người ướt mem, vừa thở dốc vừa nói:

- May quá, suýt chút nữa đi tong mẻ cá nhà con Thu.

Rồi mụ hỏi lão hôm nay thích ăn gì. Lão ậm ừ, ăn gì chả được, chừng này tuổi rồi ăn uống đơn giản thôi. Vợ lão bảo, hay mưa thế này mình làm bánh xèo vỏ ăn nhé.

Lão chưa thấy trên đời này có món bánh nào đơn giản như bánh xèo vỏ. Bột gạo xay xong, cứ thế cho lên bếp đổ ra từng chiếc bánh xèo trắng tinh. Chỉ cần bột gạo không thêm thắt bất cứ gia vị gì. Cứ như thế từng chiếc bánh được đổ ra, trắng như lụa. Mà ăn kèm với bánh xèo vỏ phải là mắm đục, thứ mắm mà vợ lão làm ngon có tiếng. Mắm đục nguyên chất chiết ra, dằm thêm miếng ớt cứ thế xé từng miếng bánh xèo chấm ăn ngon lành.

Từ nhỏ lão đã mê bánh xèo vỏ, lão quen vợ lão cũng nhờ món bánh này. Một buổi chiều lạnh lạnh, lão đẩy cửa bước vào quán bánh xèo nhỏ cuối làng. Trời mưa lướt thướt, mới bước vào đã nghe thơm lừng mùi bánh xèo, mùi mắm. Có một cô gái cứ hồn nhiên gọi một lần mười cái bánh xèo, hồn nhiên xé từng miếng bánh ăn ngon lành và cười nói rôm rả với chủ quán. Lão nghĩ trong đầu con gái gì mà kỳ. Ấy vậy mà nên duyên vợ chồng…

Ngồi trong nhà nhìn mưa ngoài trời, nghe tiếng vợ đổ bánh xèo xèo dưới bếp. Nghe mùi mắm đục thơm lựng… Nghĩ tới cảnh tàu đánh cá của bà con làng chài đang ngoài kia, nghĩ tới cảnh lỡ mai đây không khí yên bình của làng chài biến mất, lão nghe lòng mình nghẹn lại. Lão chỉ muốn sống mãi trong cảnh yên bình này. Lão chỉ muốn biển của lão, của con lão, của những người dân chài mộc mạc này mãi mãi bình lặng như thế. Bình lặng để con lão sau mỗi chuyến ra khơi lại mắc võng nằm hát, cho vợ lão muối cá và đổ bánh xèo vỏ ngày mưa… Lão già rồi, còn sống được bao nhiêu ngày nữa đâu nhưng còn con lão, cháu lão, còn cuộc sống của biết bao người ở đây. Lão lẩm nhẩm trong miệng, phải rồi phải để thằng Mực, phải để những thế hệ trai trẻ ở với lại biển mà giữ lấy cuộc sống yên bình này…

Lão lật tờ lịch cũ mèm, nheo nheo mắt ra xem. Lão lẩm nhẩm, 23, 24, 25 ấy là con lão ra khơi chuyến này được 1 tháng rồi. Nay mai nó về đây. Lão lại giục vợ giặt cái võng, giục vợ kiếm thêm mấy bò gạo ngon mai mốt thằng Mực về đổ bánh xèo vỏ cho nó ăn. Nó cũng ghiền món này lắm. Rồi lão hỏi vợ, có phải thằng Mực đang quen con bé nào xóm dưới không bà. Hay chuyến này nó về, mình giục nó cưới. Cho vợ nó sinh con cho vui cửa vui nhà. Mình già rồi ở có là bao, mình nhường cái miếng đất đầu nhà cho nó. Có vợ rồi nó chăm chỉ làm ăn, cố gắng đi biển. Mình cũng đỡ lo bà nhỉ? Rồi lão lẩm bẩm…

Dù thế nào cũng không bỏ biển được.

Buổi sáng, hai vợ chồng lão đã dắt díu nhau ra bãi biển thật sớm. Hòa vào đám đông lố nhố trên bãi, kẻ đứng, người ngồi, người phì phèo điếu thuốc ngóng ra biển đợi tàu về. Lão nghe người ta nói về chuyện muối cá, phơi cá, chuyện bà Bảy hôm qua bị mưa làm ướt mẻ cá. Ông Hai Thành chuyến này dự tính sắm thêm tàu mới ra khơi, biển mùa này trúng quá. Ông Năm Cò sau chuyến này tính cưới vợ cho thằng Út. Chà cái thằng hùng hổ trên biển mà thấy gái là chạy té khói. Mọi người cười ồ, tiếng cười nói vui vẻ vang động bến tàu dường như thể mọi biến động ngoài kia không làm thay đổi cuộc sống yên bình nơi đây được.

Có ai đó chợt nhắc đến bản tin thời sự mấy ngày nay, chuyện biển động ngoài kia. Ai đó hỏi lỡ có đánh nhau, lỡ không còn những chuyến ra khơi như thế này thì mình làm thế nào...? Mụ vợ lão nhanh nhảu:

- Ôi dào, người ta nhảy bổ đến nhà bác, cướp miếng ăn mà bác để yên à? Lỡ xảy ra thì mình giành lại, nhà của mình, đất của mình, cuộc sống của mình, của con cháu mình thì sợ cái gì. Đuổi nó xong ta lại đi biển, lại muối cá, lại làm gỏi cá trích cho mấy ổng nhậu.

Mọi người cười nói rôm rả hưởng ứng. Từ xa, họ đã thấy con tàu thấp thoáng trên con sóng bàng bạc nắng sớm. Những người trên tàu dồn hết ra hành lang vẫy chào người thân. Một đứa bé thấy cha trên tàu hét toáng lên “Ba, Ba ơi”, làm người vợ trẻ vừa háo hức nhìn chồng vừa gắng sức giữ nó. Lão đứng nhấp nhổm căng mắt nhìn. Thằng Mực cởi trần, nước da ngăm bóng loáng, thân hình vạm vỡ đứng chụm tay lại trên miệng kêu tên vợ chồng lão. Vợ lão hả hê, cũng vẫy tay lia lịa…

Thuyền cập bến, từng thùng cá tươi rói được chuyển xuống. Tàu trúng đậm một mẻ cá nục. Tiếng nói huyên náo vang động cả bến tàu. Ngoài kia, biển bàng bạc lấp lánh như vẩy cá…

Theo Tuần báo Văn nghệ TP. HCM

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast