Bờ đê vẫn gió

Truyện ngắn

1. Lão Chuyến nằm im, không động đậy. Lão cố mở mắt nhưng không thể. Những hình ảnh chập chờn, những gương mặt tươi xinh, những con mắt lúng liếng đang liếc nhìn lão rồi lại như đang lườm lão, rồi họ lao vào cào cấu làm lão đau đớn. Những tiếng cười khúc khích, lặng im, biến mất như hồn ma. Lão cố đuổi theo, lão trượt ngã, nằm lại một mình trên nền đất khô bỏng cháy. Cơn mơ cứ triền miên, lúc nặng nề, lúc bay bổng phiêu diêu.

Minh họa: Trần Thắng
Minh họa: Trần Thắng

Lão nhớ tới những trò chơi thuở nhỏ, trò bịt mắt bắt dê, lão lúc đó chính là con dê ngờ nghệch. Lão được thỏa sức chạy trên con đê làng, gió mênh mang thổi, đôi chân nhỏ chạy trần trên những cụm cỏ gà xanh mượt. Lúc thì lão chạy cùng lũ bạn thả diều, lúc lão chạy theo mẹ. Cảm giác thật bình yên, dễ chịu, lão bật cười thật vô tư. Bỗng đâu, gió thổi ào về, không phải gió bình thường mà là cơn lốc. Sau cơn lốc khủng khiếp lại có trận lũ tràn về, nước cuộn chảy lênh láng, chảy qua người lão, lạnh buốt.

Mụ vợ ngồi trông, thấy chân lão cựa quậy, miệng ú ớ, mép hơi nhếch lên làm mấy cọng râu khẽ động đậy. Mụ không thể biết là lão đang mơ, giấc mơ hiếm hoi còn sót lại. Mụ lại cứ tưởng chắc lão đang sắp sửa lên cơn co giật, mụ toan chạy đi tìm bác sĩ thì lại thấy lão nằm im và miệng hơi giãn ra, mụ tạm yên tâm, mụ lại thiếp đi vì mệt. Cả đêm qua lão cứ quằn quại kêu gào đau đớn nên mụ cũng chẳng ngủ được. Mà cũng lạ, lâu lắm rồi lão Chuyến không mơ, hay bởi lẽ cuộc sống của lão đủ đầy, là niềm mơ ước của người khác rồi nên lão cũng chả có những giấc mơ trong khi ngủ nữa. Trước kia khi cuộc sống của lão quá bần hàn cơ cực thì lão mới hay mơ.

Cuộc sống giàu có của lão thì mụ vợ quê mùa có mà mơ mấy ngày cũng chẳng thấy được. Thế mà giờ đây, từ khi lão mất hết tài sản, lão đổ bệnh, lão đơn độc thì lão lại hay mơ, mơ về cái thời xa xưa nghèo khó, mơ về mụ vợ mà lão đã từng ruồng bỏ, mà lão cứ như phải chịu ơn mụ vậy, không ơn sao được khi mà lão không còn gì thì mụ lại xuất hiện, nâng đỡ lão. Khi lão bỏ mẹ con mụ, lão chẳng thèm nói lấy nửa lời, mụ và đứa trẻ khóc như cạn nước mắt mong lão trở về nhưng càng ngày càng bặt vô âm tín. Bây giờ lão muốn nói lời xin lỗi, nói lời tạ tội thì ông trời không cho lão nói nữa, lão bị cấm khẩu mất rồi. Có cố gắng lắm cũng chỉ động đậy được mấy cọng râu trên mép.


*
* *


2. Làng Bần mùa nước lụt, ba đứa trẻ ngồi trên đống rơm chí chóe nhưng đứa lớn cũng biết bảo đứa em ngồi im chớ động mạnh mà rơi xuống nước. Nhìn rác rưởi trôi nổi, phiêu du, nước đục ngầu, sủi bọt. Mỗi cơn sóng dù nhẹ cũng như muốn nhấn chìm căn chòi nhà lão Chuyến. Mụ vợ lão Chuyến thì lo chạy đồ lên trên gác xép. Gọi là gác xép cho oai chứ cũng chẳng bằng mấy cái lều coi cá. Chỉ có mấy thanh tre buộc lại, mái thì được che bằng vài cái bao tải cũ. Mụ đang tất tưởi khuân đồ đạc và lương thực dự trữ cho cả nhà để lên chòi trong tiếng chí chóe, khóc mếu của bọn trẻ con. Khốn khổ cho mụ, khốn khổ cho cái xóm ngoài đê, năm nào nước lớn cũng bị ngập trước tiên, chả là xóm nhà lão Chuyến trũng nhất mà. Chẳng mấy năm mà nhà lão không bị ngập.

Trong lúc mụ vợ lo chạy đồ đạc thì lão lo sửa sang cái thuyền nhỏ cùng bộ lưới để kiếm đồ ăn trong những ngày nước lụt, khổ một tí nhưng được cái là vợ chồng con cái lão được ăn cá tôm thoải mái. Hạnh phúc cứ ngập tràn khi nhìn ba đứa trẻ tranh nhau ăn và cười giòn tan. Mỗi khi lão mang được mẻ cá đầy về, gương mặt mụ vợ lão cũng ánh lên rạng rỡ trong hoàng hôn mùa lũ. Những vất vả không xóa hết được nét duyên dáng mặn mòi của mụ. Hàng mi dày che rợp đôi mắt đen láy. Khuôn mặt đầy đặn, cái miệng lúc nào cũng như bông hoa đang hé nụ. Ngày xưa cũng phải vất vả lắm lão Chuyến mới cưới được mụ. Lão dù nhà nghèo nhưng cũng có lợi thế là đẹp trai, ăn nói có duyên nên mụ mê lão ngay. Lúc này thì lão đang ngồi trên chiếc chòi đang đu đưa mơ màng, không biết lão đang nghĩ gì. Nếu có cơn gió to là chiếc chòi này đi tong nhưng lão vẫn thấy êm ả và yên bình.


Đó chỉ là ý nghĩ của những mùa lụt trước. Từ hai năm trở lại đây, tâm tính lão thay đổi hẳn. Cứ như có đứa nào chọc kim vào lão. Lão hay cáu bẳn, chửi bới vợ con và gây sự vô cớ. Chẳng buồn làm ăn, lão nhìn mụ vợ thấy đáng ghét. Cứ như chính mụ làm cuộc đời lão khổ, đúng mụ đang ám quẻ đen vào đời lão, mặc, lão cứ nghĩ vậy đấy! Thật là vô lý.


*
* *


3. Chả biết các cụ xưa thế nào lại gọi tên là làng Bần để cho dân làng này không ngóc đầu lên được. Bần là bần hàn nghèo khổ, cậu bé Chuyến cứ nghĩ vậy, mặc cho mẹ giải thích và kể những tích chuyện nọ chuyện kia. Cha mất khi Chuyến chưa đầy hai tuổi để lại mẹ con lão bơ vơ trước cuộc đời. Mẹ lão quanh năm đau yếu, tuổi thơ Chuyến là chuỗi ngày lầm lũi, nghèo khổ và hay bị bắt nạt. Chuyến thấy mình yếu thế hơn tất cả lũ bạn cùng trang lứa.

Lớn hơn một chút thì lại khác, Chuyến có rất nhiều tài lẻ làm cho lũ bạn luôn phải khâm phục. Chuyến có tài bẫy chim, bắt cá, làm diều… những trò con trẻ Chuyến luôn là nhất. Việc học hành lão cũng chả kém ai, lại có tài ăn nói nên ai cũng quý. 17 tuổi Chuyến vụt lớn, cơ bắp nổi cuộn đặc trưng của một chàng trai vùng sông nước. Đôi mắt sáng ẩn dưới cặp lông mày rậm, khuôn mặt vuông vức, mái tóc luôn bồng bềnh như sắp bay lên mỗi khi đứng trước dòng sông.


18 tuổi, chuẩn bị đi bộ đội thì mẹ Chuyến ốm nặng, Chuyến được hoãn không đi bộ đội nữa. Cô Bân hàng xóm hay sang nhà giúp đỡ hai mẹ con Chuyến. Chuyến thấy quý mến Bân từ lúc nào không rõ, cô gái có hàng mi cong vút, dàng người nhỏ nhắn nhanh nhẹn. Cô Bân cũng yêu thầm Chuyến từ lúc nào không hay. Chuyến quí mến Bân nhưng vẫn chưa muốn lấy vợ, Chuyến muốn đi làm ăn để thực hiện giấc mơ đổi đời, không muốn mãi chôn chân ở cái làng quê này. Vậy mà mẹ Chuyến lại ốm vào đúng lúc này. Nghe lời khuyên của mẹ: Cứ lấy vợ rồi muốn đi đâu thì đi. Con cái Bân đấy, hiền hậu, nết na ai bằng. Mà có vẻ nó rất quí con đấy Chuyến à. Mẹ giờ sống chết chả biết thế nào. Lúc đầu gia đình của Bân không đồng ý song cuối cùng thì đám cưới vẫn được tiến hành.


*
* *


4. Đám cưới đơn sơ nhưng đầm ấm, một năm sau mẹ Chuyến qua đời. Ba đứa con cũng lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc. Cuộc sống vất vả cực nhọc thấm thoắt trôi đi. Tháng trước đi mua lưới đánh cá trên chợ huyện Chuyến gặp thằng bạn cũ, đi xe hơi mới cứng coi thật sang trọng. Chả biết nung nấu suy nghĩ gì, Chuyến quyết định rời bỏ quê hương đi làm ăn. Chuyến đi thật! Không biết công việc làm ăn thế nào, thỉnh thoảng Chuyến cũng mang tiền về đưa cho vợ nhưng cũng chẳng bao giờ nói là đang làm gì, rồi những lần về quê cứ thưa dần, rồi Chuyến đi biệt hẳn!


*
* *


Từ một bảo kê, Chuyến được bà chủ ưu ái, Chuyến đương nhiên trở thành ông chủ nhà hàng, không chỉ là một nhà hàng cỡ lớn mà là cả một hệ thống nhà hàng chuyên kinh doanh đặc sản thú rừng trong thành phố. Các đại gia, quan khách giờ đây đều nể phục Chuyến. Chuyến có tài ăn nói, có tiền, có quan hệ rộng và điều cơ bản là nhà hàng của Chuyến hoạt động rất chuyên nghiệp nên qua những cuộc truy quét nhà hàng của Chuyến vẫn hoạt động như thường, thậm chí còn đông khách hơn. Bà chủ đổ bệnh qua đời, Chuyến thành người tự do. Giờ đây Chuyến tôn thờ cuộc sống tự do, cuộc sống tự do thật thú vị.

Những xa hoa của cuộc sống nơi đô thị làm Chuyến không mảy may nhớ gì đến làng Bần quê cũ. Chuyến đâu biết nơi làng Bần có người mẹ vẫn chiều chiều dắt lũ con lên bờ đê đầy gió mong ngóng tin cha. Ngôi biệt thự bên bờ hồ thỉnh thoảng lại có một cô gái đến với ông chủ Chuyến. Công việc kinh doanh bận rộn, những chuyến du lịch, nghỉ mát với người đẹp cứ dày đặc, hình ảnh gia đình với làng nhỏ thân thương chênh vênh bên bờ sông lộng gió cũng mờ dần trong kí ức. Chuyến luôn tự đắc với cuộc sống giàu có của mình. Chuyến vung tiền cho các người đẹp mà không tiếc tay. Trong số những cô gái luôn vây quanh Chuyến có cô Sam là người thật đặc biệt. Sam có nét gì đó rất giống Bân, vợ Chuyến của những ngày xưa. Cũng đôi mắt trong veo ngơ ngác dưới hàng mi rất dày, cặp môi non tơ gợi cảm luôn làm Chuyến mụ mị. Sam không lộng lẫy như những cô gái khác mà sao như hút hồn tất cả những ai từng gặp. Nhìn Sam Chuyến như có cảm giác đang đứng trước mặt hồ thu không gợn sóng, thật trong trẻo bình yên không chút nghi ngờ.


Công việc làm ăn của Chuyến gần đây thường hay gặp một số trục trặc, nhờ có Sam mà mọi việc lại ổn. Bất ngờ, hệ thống nhà hàng của Chuyến sụp đổ và bị đóng cửa, Chuyến bị bắt. Đang lúc nước sôi lửa bỏng thì Sam biến mất.


*
* *


5. Chuyến mất tất cả. Qua một số nguồn tin Chuyến mới biết được Sam chính là người làm tan tành cơ nghiệp của Chuyến. Buôn bán và kinh doanh trái phép, vỡ nợ tín dụng đen, Sam đã cắp hết cơ nghiệp của Chuyến cao chạy xa bay với một tên khốn nào đó. Chuyến gầm lên đau đớn. Vậy mà mình đã uổng công tin tưởng. Những tháng ngày trong nhà giam làm Chuyến suy sụp nhanh chóng. Hơn 10 năm, ngày ra tù Chuyến không biết đi đâu. Giờ đây, Chuyến đã thành một ông già mặt ngơ ngẩn hay đi lang thang trên vỉa hè miệng luôn gọi tên Sam gì đó. Lão ta cũng không nhớ tên mình là gì nữa. Chiều ấy, vào một buổi chiều thu gió heo may trở mình xao xác, có một ông già điên vẫn đi lang thang ngất lịm dưới gốc cây hoa sữa già, lão ta được hai người xe ôm tốt bụng đưa vào bệnh viện.

Người cùng quê vào bệnh viện nhận ra lão đã báo tin cho vợ con lão biết. Thật trớ trêu, vợ lão đã bao năm đi tìm mà không thấy chồng, chiều hôm ấy chẳng định đi tìm thì bỗng nhiên có người đến báo tin. Không hiểu sao khi lão già điên ấy khi nhìn thấy vợ con thì lại tỉnh ra không điên nữa, lão ta nhớ lại tất cả, nhưng thật nực cười là lão nhớ lại được thì lại bị cấm khẩu không nói được gì. Mụ vợ lão tóc giờ đây cũng đã bạc, đôi mắt to đen vẫn mở to đầy nhân hậu nhìn lão. Mụ bón cháo nhưng lão không ăn. Trong khóe mắt lão tự dưng chảy ra hai giọt nước thật to mọng và chạy vòng ra tận sau gáy. Cặp môi khô khốc vẫn như cố động đậy để nói lời xin lỗi. Lão thấy mình không mệt nữa, lại thiếp đi, lão đang mơ và như bay lên cùng cánh diều nơi bờ đê, nơi ngày xưa lão vẫn chăn trâu thả diều. Ngoài sân bệnh viện có một chiếc lá vàng mùa thu đang bay. Bờ đê vẫn gió, triền sông nước lũ đang rút dần…

Vũ Lệ Ngân Hương

Nguồn: Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast